Lừa đảo "chuyển thừa tiền"
Nếu điều dưỡng viên Joe Torres ở Nam California đã đọc cuốn "Fool Me Once" của Kelly Richmond Pope, anh ấy có lẽ đã không mất hàng nghìn USD trong vụ lừa đảo "chuyển thừa tiền".
Mọi chuyện bắt đầu khi máy tính xách tay (laptop) của Joe bị "treo" trong lúc đang làm việc với một bệnh nhân.
"Tôi đang ở nơi làm việc và sử dụng laptop của mình trong lúc thăm khám bệnh nhân thì màn hình máy tính đột nhiên bị 'treo'. Một tin nhắn xuất hiện thông báo rằng chiếc máy đã nhiễm virus và tôi cần gọi đến số điện thoại gửi kèm theo để xử lý" – Joe cho hay.
Khi Joe gọi, người đàn ông ở đầu dây bên kia nói rằng anh ta đến từ ngân hàng mà Joe đang sử dụng dịch vụ.
"Anh ta nói, với chi phí khoảng 400 USD, anh ta có thể cung cấp cho tôi phần mềm chống virus dành cho máy tính. Tôi liền dùng thẻ tín dụng chuyển 400 USD. Ngay lập tức, trên màn hình máy tính của tôi, anh ta nhắn tin, cho tôi xem số thẻ ghi nợ của tôi rồi nói rằng, do thực tế không mất nhiều tiền tới vậy nên anh ta sẽ chuyển lại 200 USD vào tài khoản ngân hàng của tôi.
Trước đó, tôi chưa bao giờ dùng đến chiếc thẻ này. Tôi nghĩ anh ta đúng là một thành viên hợp pháp của ngân hàng vì anh ta có số thẻ của tôi" – Joe kể lại.
Trước sự ngạc nhiên của Joe, bằng cách nào đó, không phải 200 USD mà tới 44.200 USD đã được chuyển đến tài khoản của anh.
"Người đàn ông này tiếp tục đưa ra hướng dẫn rằng, nếu tôi chuyển khoản lại ngay số tiền mà anh ta đã chuyển thừa, anh ta sẽ cho tôi 70 USD cùng 5 năm bảo vệ chống virus. Tin lời, tôi chuyển lại 43.930 UD (sau khi đã trừ 200 USD được trả lại và 70 USD cho thêm) trong ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, tôi mới nhận ra đây là trò lừa đảo nên đã đến ngân hàng và thay đổi số thẻ ghi nợ của mình" – Joe chia sẻ.
Tuy nhiên, tại ngân hàng, Joe được thông báo rằng anh đã phát sinh khoản nợ 44.200 USD.
"Tôi chưa bao giờ nhận được thông báo qua tin nhắn hay email về việc chuyển tiền từ hạn mức tín dụng sang tài khoản ngân hàng của tôi. Nếu tôi được cảnh báo, tôi đã hủy ngay lập tức hoặc không chuyển tiền" - Joe bàng hoàng.
Những dấu hiệu nhận biết
Trước đó, trò lừa đảo "chuyền thừa tiền" thường nhắm tới những người bán hàng online. Ví dụ, nếu bạn bán một sản phẩm nào đó trực tuyến, những kẻ lừa đảo có thể liên lạc với bạn và đặt một đơn hàng khá hấp dẫn. Sau đó, chúng sẽ thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc séc. Bạn bỗng nhiên nhận được một số tiền lớn hơn giá cả đã thỏa thuận giữa đôi bên.
Cả trường hợp này và trường hợp của Joe đều đi tới một diễn biến chung là kẻ lừa đảo thông báo về khoản tiền chuyển thừa, đưa ra một lý do giả mạo nào đó như ấn nhầm khi gõ số, mắc lỗi khi viết séc… rồi đề nghị nạn nhân hoàn lại số tiền chuyển nhầm.
Thường thì chúng sẽ đề nghị nạn nhân trả lại thông qua chuyển khoản liên ngân hàng trực tuyến, dùng thẻ tiền đã nạp sẵn hoặc sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh quốc tế Western Union, có thể kèm theo một số gợi ý có lợi như "tặng 70 USD và 5 năm bảo vệ chống virus" chẳng hạn. Nếu không đủ tỉnh táo, bạn sẽ dễ rơi vào trường hợp như Joe vậy.
Theo chuyên gia Dennis Beaver, Esq, người thành lập bộ phận phụ trách các vụ lừa đảo người tiêu dùng ở Văn phòng Luật sự quận Kern, California (Mỹ), những vụ lừa đảo chuyển thừa tiền có thể diễn ra dưới nhiều hình thức nhưng trong đó, nạn nhân đều bị kẻ gian gây áp lực phải "hoàn trả" số tiền "nhầm lẫn" được chuyển vào tài khoản của họ dù trên thực tế, số tiền đó không hề tồn tại thật.
Điều quan trọng cần phải nắm được ở đây là, khi tài khoản điện tử của bạn hiển thị một số tiền trong đó, nó không đồng nghĩa với việc số tiền đó đã thực sự tồn tại. Có thể phải mất vài ngày để khoản tiền gửi được thông qua và được "ghi có". Đây là một khía cạnh mà những kẻ lừa đảo lợi dụng để thuyết phục nạn nhân rằng chúng đã tiến hành gửi thừa một số tiền so với khoản cần thanh toán.
Một chuyên gia điều tra gian lận cho hay: "Trò lừa đảo này thành công nhờ đánh vào cảm giác tin tưởng, mong muốn làm điều đúng đắn và áp lực phải hành động ngay lập tức của nạn nhân. Nếu Joe bình tĩnh và đến ngân hàng làm rõ trước khi chuyển tiền, những kẻ lừa đảo sẽ thua cuộc".