Đại dịch Covi-19 đã ảnh hưởng sâu các nền kinh tế trong năm nay và Chính phủ các nước đã phải đưa ra hàng loạt các gói kích thích kinh tế cũng như các gói cứu trợ người lao động. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ lên đến 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị tác động nặng nề từ đại dịch (trong đó có khoảng 5 triệu lao động tự do, hơn 2 triệu hộ nghèo; hơn 4,3 triệu là một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội và người có công).
Đến thời điểm hiện tại, công tác chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đã được triển khai sâu rộng, nhiều địa phương đã thực hiện chi trả xong. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc hỗ trợ chỉ là một phần giúp người dân tạm thời vượt qua khó khăn. Giai đoạn "hậu Covid-19", nhu cầu vốn để phục vụ nhu cầu cuộc sống và tái sản xuất là yếu tố vô cùng quan trọng.
Thế nhưng để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, nguồn vốn chính thức từ phía ngân hàng không phải dễ dàng, mà phải đáp ứng các điều kiện của ngân hàng bởi các nhà băng tuyên bố sẵn sàng hạ lãi suất xuống thấp, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận nhưng không thể hạ chuẩn cho vay.
Cần vốn nhưng không vay được từ ngân hàng có thể khiến cho tín dụng đen có cơ hội bùng phát trở lại. Thực tế trên thị trường vẫn luôn tồn tại những tổ chức, cá nhân không chỉ trong nước cho vay với lãi suất cắt cổ mà còn cả cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam (như nhóm người Trung Quốc cho vay tín dụng đen với lãi suất lên đến 1000%/năm vừa bị bắt giữ, khởi tố mới đây). Việc vay vốn từ tín dụng đen để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân người đi vay (bị đòi nợ, khủng bố tinh thần, phải trả lãi suất cao…) mà kéo theo hệ luỵ đến cả gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp, ngân hàng làm ăn chân chính.
Vậy làm sao để người dân, các hộ sản xuất nhận diện được tín dụng đen, làm sao để không bị rơi vào bẫy tín dụng đen, làm sao để tiếp cận được nguồn vốn chính thức với lãi suất hợp lý và an toàn…là câu hỏi mà nhiều người cần được giải đáp. Theo các chuyên gia, góp phần giải đáp các khúc mắc này đầu tiên phải nhờ tới các tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý ngành ngân hàng bằng những kế hoạch, chính sách thúc đẩy cho vay cá nhân, đặc biệt là áp dụng cho giai đoạn "hậu Covid-19" như hiện nay. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng vô cùng quan trọng để người dân có thể nhận diện được những rủi ro, tìm được các địa chỉ vay vốn an toàn, hiệu quả. Có vậy, việc khắc phục khó khăn và "hồi sinh" sản xuất kinh doanh của mỗi cá nhân sau Covid-19 mới được đẩy nhanh hơn và hiệu quả hơn, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và phát triển.