Nhiều người trẻ đặt mục tiêu trong năm mới đó là có 1 căn nhà của riêng mình. Tuy nhiên, có một số người lựa chọn chờ đợi đến khi tiết kiệm đủ tiền mới mua để đỡ áp lực tài chính, cũng có những người không ngại vay nợ mua nhà trả góp. Vậy đâu mới là lựa chọn phù hợp?
Tiết kiệm hơn chục năm để mua nhà
Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1989) vừa mua căn hộ 61,5m2 ở Nam Từ Liêm, Hà Nội giá 2 tỷ 350 triệu đồng đã bao gồm nội thất. Được biết đây là căn nhà đầu tiên sau 9 năm cưới nhau của vợ chồng Thương Nguyễn.
Năm 2017 - 2018, sau 4 năm tích góp, vợ chồng cô đã từng trả góp mua 1 căn 3 phòng ngủ 70m2 với giá 1 tỷ 650 triệu đồng, chưa có nội thất và mua theo tiến độ đang xây dựng nên chưa ở được. Sau khoảng 1 năm, do công việc thay đổi nên Thương Nguyễn đã quyết định bán và có chút tiền lời.
Sau đó đến tháng 12/2022, gia đình Thương Nguyễn mới “mua đứt" căn nhà mới này sau 9 năm tiết kiệm. “Thật ra khi đủ 2/3 số tiền mua nhà, mình cũng định vay nhưng may mắn có gia đình hỗ trợ nên có thể mua đứt. Khoảng 1 thời gian ngắn sau, mình cũng lo đủ trả số tiền vay cho người nhà".
Theo Thương Nguyễn, cô chọn mua đứt nhà để dồn tiền, tận dụng vốn vay vào những khoản “tiền đẻ ra tiền" khác. “Mình nghĩ nếu bạn có gia đình và con nhỏ, sở hữu căn nhà riêng có lẽ là mục tiêu lớn để các con được đủ đầy. Còn việc nếu bạn chưa có đủ nguồn vốn, có nên đi vay để mua nhà hay không, theo mình cần đánh giá trên nhiều khía cạnh”.
Căn nhà của Thương Nguyễn
Bên cạnh đó, sau 15 năm sống ở thành phố, chủ yếu là sinh sống trong các căn hộ chung cư chật hẹp, Hoa Phạm (36 tuổi) luôn mong muốn có ngày được xây một ngôi nhà với không gian rộng rãi để các con vui chơi. Cuối 2019 - đầu 2020, dịch bắt đầu bùng phát, cô quyết định nghỉ việc ở thành phố để về quê làm việc và sinh sống, sau đó mới quyết định xây nhà. Diện tích căn nhà là 515m2, thiết kế 2 tầng rưỡi, với kiến trúc gồm 6 phòng: 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 4 phòng ngủ và 1 phòng thờ.
“Tổng chi phí để hoàn thiện căn nhà này rơi vào khoảng 5,5 tỷ đồng. Ban đầu, mình có vay một ít của người thân, nhưng hiện tại mình đã hoàn trả và căn nhà đã hoàn toàn thuộc về mình”. Được biết để xây được căn nhà đầu tiên này, cô đã tích lũy hơn 15 năm trời từ khi còn làm việc trên thành phố. Ở thành phố, thu nhập chính của Hoa Phạm chỉ ở mức trung bình, 15-20 triệu/tháng. Tuy nhiên đều đặn, cô luôn dành ½ tổng thu nhập để thuê nhà và dành chi phí cho những khoản thật cần thiết trong cuộc sống. ½ số còn lại, Hoa Phạm dành hết để tiết kiệm.
“Sau đó, từ những khoản tiết kiệm được, mình bắt đầu học đầu tư, mua các căn hộ nhỏ với giá tốt, sau đó bán lại và ăn lời. Tuy nhiên, cũng cần cân đối trong khả năng tài chính để việc mua - xây nhà không trở thành gánh nặng quá áp lực, tránh trường hợp xây nhà xong lại phải còng lưng trả nợ suốt đời”, Hoa Phạm chia sẻ.
Rất khó để tích cóp đủ tiền "mua đứt" nhà
Phi Hùng, 28 tuổi đã mua căn nhà đầu tiên tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Giá căn hộ hơn 3 tỷ, diện tích 70m2 với chi phí nội thất khoảng 250-300 triệu. Phi Hùng mua căn nhà này vào năm 2019, lúc đó vay ngân hàng 200 triệu.
“Với mức giá 3 tỷ, mình lựa chọn mua căn hộ vì phù hợp với khả năng tài chính hơn. Ở chung cư có nhiều tiện ích, an toàn. Theo mình, chung cư là kênh để vừa ở vừa đầu tư, tránh lạm phát và trượt giá đồng tiền”.
Cậu bạn 28 tuổi chia sẻ rằng ngay từ những năm cấp 3 đã lập kế hoạch cho cuộc đời trong đó có định hướng công việc, mua nhà,... và tiết kiệm chi phí. Tổng thời gian tích góp và chuẩn bị mua nhà là gần 7 năm.
Phi Hùng chia sẻ rằng bản thân lúc đó quyết định mua nhà, vay nợ 200 triệu vì sợ rằng chờ đợi để “mua đứt” có thể sẽ không còn căn hộ như ý và giá sẽ tiếp tục tăng. Thời điểm mua nhà, vừa vặn với số tiền tích cóp được nên quyết tâm đánh liều mua sớm. Theo Phi Hùng, giá bất động sản tại thành phố sẽ chỉ đi lên hoặc dừng lại ngang giá trong thời gian ngắn rồi lại sẽ lao vụt lên. Do vậy, việc chờ đợi là điều cậu bạn không nghĩ đến. "Quan điểm của mình là cứ có hòm hòm đủ tiền liền mua các căn hộ, nhà đất tại thành phố".
Trước khi mua nhà, Minh Huệ (sinh năm 1992), đã có khoảng hơn 1 năm đi thuê nhà, đấy cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của 2 mẹ con. “Lúc đó mình cũng khá mất phương hướng, lạc lõng, nhiều đêm nằm ôm con khóc, không biết tương lai như thế nào, cứ lang thang thế này nghĩ thương con tội con. Chi phí mỗi tháng cũng mất 5-7 triệu cả thuê nhà, điện nước, gửi xe”.
Thế nên cô đã nghĩ rằng nếu vay ngân hàng để trả thì cũng sẽ vất vả hơn một chút, nhưng nó sẽ là tài sản của mình, mà 2 mẹ con lại có chỗ ở ổn định. Thay vì ở thuê đợi đến khi có đủ tiền mua đứt nhà, vay trước trả dần, 2 mẹ con sẽ được sống thoải mái hơn trong tương lai. Cô đã mua 1 căn hộ 55m2, và riêng chi phí hoàn thiện nội thất và đồ điện khoảng 300 triệu đồng. Được biết số tiền này, cô tiết kiệm được trong 6 năm đi làm.
Minh Huệ và 1 góc trong căn nhà xinh xắn của cô