Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu ăn uống cũng thay đổi theo chiều hướng khác trước đây. Không chỉ ăn uống để khỏe mạnh, nhiều người còn hướng tới ăn uống để trở nên đẹp hơn. Vì thế, họ lựa chọn giảm chất béo, thậm chí cắt bỏ hẳn dầu mỡ trong bữa ăn hàng ngày để giữ gìn thân hình cân đối, giảm cholesterol trong máu. Tuy nhiên, điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam đã có những lý giải về vấn đề này.
Có nên cắt hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn?
Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, trong bữa ăn hàng ngày, dù chúng ta ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng chung quy thì về mặt dinh dưỡng, các loại thức ăn đều cung cấp 4 nhóm dưỡng chất: protein (chất đạm), lipit (chất béo), gluxit (đường bột) và vitamin. Ngoài vitamin, các nhóm chất còn lại đều cung cấp năng lượng, và phần cung cấp năng lượng nhiều nhất đến từ gluxit. Đứng thứ 2 là nhóm chất béo (cung cấp khoảng 20 -25% năng lượng cho cơ thể).
Bác sĩ Sơn khẳng định, chất béo không chỉ là nguồn sinh năng lượng quan trọng mà còn đóng vai trò là dung môi để hòa tan các vitamin thiết yếu cho cơ thể như A, D, E, K... và các axit béo như omega 3, omega 6... Bên cạnh đó, chất béo cũng tham gia vào cấu tạo các tế bào, đặc biệt là các tổ chức não bộ. Chất béo còn tạo hương vị cho món ăn, giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn.
Bởi thế, nếu thiếu hụt chất béo trong chế độ dinh dưỡng, sức khỏe của bạn sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng như thiếu hụt năng lượng, mất cân bằng dinh dưỡng... Cơ thể không được nạp đủ chất béo dẫn tới giảm hấp thu và thiếu hụt các vitamin tan trong dầu.
Bác sĩ Sơn chỉ ra nhiều loại vitamin tan trong dầu như A, D, K, E... Vitamin A rất quan trọng đối với mắt và hệ miễn dịch... Thiếu hụt vitamin A có thể tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, kéo dài thời gian mắc bệnh....
Vitamin D có vai trò quan trọng nâng cao hệ miễn dịch, tạo xương... Cơ thể con người cần có vitamin D để hấp thụ canxi, mà muốn hấp thụ được vitamin D thì cần có dầu mỡ. Như vậy, nó tạo thành móc xích.
"Chính vì thế, nhiều bà mẹ liên tục bổ sung canxi cho con những bé vẫn còi xương. Câu chuyện sâu xa chính là liên quan đến vitamin D và dầu mỡ trong chế độ ăn", bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.
Nên sử dụng chất béo động vật hay chất béo thực vật?
Trước đây, người dân Việt Nam thường sử dụng mỡ động vật như mỡ lợn để nấu nướng. Ngày nay, dầu thực vật dường như được sử dụng phổ biến hơn trong các bữa ăn. Bởi nhiều người cho rằng, mỡ động vật chứa nhiều cholesterol có hại cho cơ thể. Theo quan điểm của bác sĩ Sơn, mỗi loại chất béo đều có những ưu/nhược điểm riêng:
- Chất béo động vật có nhiều ưu điểm:
Giàu vitamin nhóm B, tham gia quá trình tạo năng lượng.
Giàu vitamin nhóm D- rất quan trọng đói với trẻ em.
Chứa cholesterol có lợi.
Tham gia tạo màng tế bào thần kinh.
Một số loại mỡ cá như cá thu, cá hồi, cá trích... chứa nhiều omega 3 và omega 6.
Nhược điểm của mỡ động vật chứa nhiều axit béo no. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, axit béo no có mối liên quan dương tính với nồng độ cholesterol máu cũng như tỷ lệ mắc bệnh vành tim. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra rằng thành phần chất béo và số lượng cholesterol của khẩu phần ăn có tác dụng tới sự thay đổi cholesterol máu. Khuyến nghị đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là các acid béo no không được vượt quá 10% năng lượng khẩu phần.
- Chất béo thực vật:
Giàu vitamin nhóm E, K, liên quan đến vẻ đẹp về da
Giàu axit béo không no, nên có thể giảm cholesterol
Chất béo thực vật dễ hấp thu hơn
Tuy nhiên nhược điểm là chất béo thực vật không được chế biến đúng cách rất dễ biến thành các andehit gây hại cho sức khỏe. Dầu thực vật cũng chứa ít omega 3 tự nhiên và ít các cholesterol có lợi cho sức khỏe.
Chính vì vậy, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo, chúng ta nên có sự kết hợp một cách hợp lý giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong chế độ ăn bởi mỗi loại đều có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe.