Chris Jones là một nhà báo thể thao uy tín người Mỹ, từng giành không ít giải thưởng báo chí và là tác giả của không ít bài viết trên The Atlantic, The New York Times, ESPN, WIRED... Ông đang có mặt ở Qatar để tác nghiệp cho CBC Sports. Và sau đây là câu chuyện của ông về chiếc điện thoại và người bạn mới đầy bất ngờ:
Cuối cùng thi tôi cũng được đá một trận bóng ở Doha. Chúng tôi chơi bóng ở công viên Al Bidda - một khu phức hợp rộng lớn, có hàng rào và có những bãi cỏ để chơi bóng đá. Trận đấu bắt đầu lúc 10g sáng để tránh cái nóng tồi tệ nhất trong ngày. Dù vậy, chúng tôi vẫn là những người duy nhất có mặt ở công viên. Một người đàn ông nhỏ nhắn, dễ thương khoác chiếc áo an ninh màu xanh da trời mở cổng cho chúng tôi vào sân, sau đó ngồi xem chúng tôi chơi bóng.
Tham gia trận đấu này là các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi chơi rất vui vẻ, đá đẹp và mồ hôi ra như tắm. Julien Laurens - một nhà báo người Pháp viết cho ESPN, chơi rất hay và tung ra một cú volley cực mạnh đưa bóng đi thẳng vào "bộ ấm chén" của tôi, giống như Mike Tyson đấm vào quả bóng tập. Đó là một cú sút thảm khốc.
Tôi gập người vì cơn đau, mồ hôi cũng đang ra như tắm, choáng váng không hiểu vì cơn đau hay vì say nắng, và làm một việc mà bình thường mình sẽ không làm: Tôi thu dọn quần áo ướt sũng của mình mà không thèm đụng đến điện thoại. Tôi chắc mẩm rằng nó đã nằm trong ba lô và sẽ lôi nó ra sau.
Tôi đi bộ về căn hộ, tắm rửa và bắt xe bus đến trung tâm báo chí rồi mới phát hiện ra là mình không còn điện thoại. Cụ thể hơn là mãi đến lúc nghe Louis van Gaal trả lời họp báo, tôi mới giật mình vì không thể tìm ra điện thoại. FIFA có một ứng dụng cung cấp bản dịch ngay lập tức. Tôi bắt đầu lục ba lô tìm điện thoại.
Tôi mở hết túi này đến túi khác. Điện thoại đã không cánh mà bay.
Tôi ngồi đó, nghe Louis van Gaal nói tiếng Hà Lan suốt 30 phút, cố gắng nghĩ xem điện thoại của mình mất ở đâu (Mọi người cười nhiều lần khi nghe Louis van Gaal trả lời, còn tôi thì chẳng hiểu ông ấy nói gì).
Hẳn là điện thoại của tôi đã rơi ở căn hộ, khi tôi lấy quần áo ra để đi tắm.
Tôi bắt xe bus trở về căn hộ. Tôi tìm khắp nơi. Điện thoại không có ở đây.
Điện thoại của tôi ở đâu? Tôi đã để quên nó trong chiếc xe Uber đưa tôi đến công viên? Không, từ sân bóng tôi đã dùng điện thoại chụp một bức ảnh phong cảnh Doha. Sau đó tôi bỏ nó vào ba lô của mình để bắt đầu đá bóng phải không nhỉ?
Hay tôi đã để nó trên băng ghế để ba lô?
Ôi không.
Thật ra thì mất điện thoại cũng không phải là tận thế. Tôi đang may mắn khi có mặt ở Qatar, không cách nơi có đồ ăn hàng triệu dặm, đánh vật với cát và mặt trời nóng bức, hay chỉ kiếm được vài USD mỗi ngày...
Song mất điện thoại thì tôi không thể gọi điện và nhắn tin cho gia đình, công việc cũng thế. Tôi sẽ không hiểu được những cuộc họp báo không nói tiếng Anh. Uber, Google Maps cũng không còn nữa.
Vì không thể bắt Uber nên tôi chạy bộ từ nhà ra công viên. Tôi tự nhủ sau khi chúng tôi chơi bóng, sẽ chẳng có ai chơi nữa đâu. Có lẽ điện thoại của mình vẫn nằm trên băng ghế.
Khi tôi đến đó, trời đã tối và tâm trạng tôi thì vô cùng hồi hộp. Một nhóm thanh niên đang đá bóng dưới ánh đèn. Tôi gọi với qua hàng rào hỏi xem có ai thấy điện thoại của tôi không. Họ lắc đầu. Tôi hỏi một người Ấn Độ đang hí húi quét dọn gần đó xem công viên có chỗ để tìm đồ thất lạc không. Ông ấy không hiểu tôi nói gì.
Đột nhiên, người đàn ông khoác áo an ninh màu xanh da trời tiến về phía tôi. Đây chính là người đã mở cổng cho tôi vào chơi 8 tiếng đồng hồ trước, và ngồi xem chúng tôi chơi bóng. Ông ấy nở nụ cười và giơ tay ra.
"Xin chào", ông nói. "Tôi đồ rằng anh đang tìm điện thoại của mình".
"Đúng rồi", tôi mừng rỡ. "Vâng, tôi đang kiếm điện thoại của mình!".
"Tôi thấy nó sáng nay", ông nói. Ông ấy đã thấy điện thoại của tôi trên băng ghế. Ông ấy bảo rằng đã đi loanh quanh ở đây hàng tiếng đồng hồ, nghĩ rằng tôi sẽ quay lại tìm. Sau khi chờ mãi chả thấy tôi đâu, ông đã mang nó đến văn phòng của công viên. Điện thoại của tôi đang ở đấy.
Tôi cảm ơn ông ấy luôn mồm và hỏi tên ông.
"Tôi tên là Victor", ông nói.
Victor là một trong hàng triệu lao động nhập cư ở Qatar và tự coi mình may mắn hơn những người khác. Ông không phải dọn nhà vệ sinh hay quét rác. Công việc của ông là trông coi công viên. Điện thoại của tôi trị giá vài tháng lương của ông. Ông ấy đã giữ điện thoại cho tôi và sau đó mang đến văn phòng công viên.
"Tôi có thể biếu ông ít tiền không?", tôi ngỏ lời.
"Không cần đâu", Victor trả lời.
"Tôi vẫn muốn hậu tạ ông", tôi nài nỉ.
Victor rõ ràng không muốn nhận tiền. Tôi không quan tâm. Tôi rất biết ơn ông. Trong ví túi còn đúng 100 USD - số tiền tôi luôn giữ lại để đề phòng bất trắc. Tôi đưa nó cho ông.
"Không, không, không", Victor tiếp tục từ chối.
"Ông cầm đi cho tôi vui", tôi nài nỉ.
Victor lắc đầu.
"Không sao đâu, Victor. "Hôm nay tôi đã rất may mắn khi gặp được ông, một người tốt".
Victor bắt đầu khóc. Tôi cũng bắt đầu khóc. Chúng tôi ôm nhau, bắt tay nhau dưới ánh đèn công viên, rồi tôi chạy đến văn phòng công viên. Chỉ còn 8 phút nữa là nó đóng cửa.
Ở đó có một người phụ trách. Tôi lấy lại điện thoại của mình và hỏi anh ấy xem Victor quê ở đâu.
"Victor là người Kenya", người phụ trách nói.
"Tôi yêu Victor từ Kenya", tôi nói với anh ấy.
Tôi nhìn vào điện thoại của mình. Trên màn hình là tin nhắn của bố mẹ tôi, bạn bè và các con tôi. Tôi vừa gõ trả lời, vừa bắt đầu khóc.
Hôm nay tôi thật may mắn, và tôi yêu Victor đến từ Kenya ở Doha rất nhiều.