Có một phiên chợ đặc biệt ngay trung tâm Sài Gòn, người lớn trẻ con xúng xính áo dài, nghỉ hè trẻ đi chợ vừa chơi vừa học tỉ thứ hay ho

Hạ Uyên | 23-05-2021 - 15:50 PM

(Tổ Quốc) - Một chợ quê tưởng chừng lạc lõng giữa lòng phố xá, nhưng cuối tuần nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua...

Nếu một sáng chủ nhật cuối tuần, tình cờ đi qua con hẻm nhỏ ở số 7 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP. HCM, thấy từ người lớn đến trẻ em trong những tà áo dài, áo bà ba lả lướt ra vào, hẳn nhiều người sẽ nhầm đây là một sự kiện trang trọng nào đó.

Thực ra, các mẹ, các chị chỉ là cùng dắt các con đi... họp chợ. Đây là một hoạt động của Hội quán các bà mẹ tổ chức, tiền lãi sau mỗi phiên họp chợ sẽ được gom lại tặng cho các em thiếu nhi nghèo, bệnh tật, các gia đình khó khăn ở xa thành thị... 

Địa chỉ Chợ Quê: 7K Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM.

Thời gian họp chợ: Từ 7h30 đến 11h Chủ nhật hàng tuần.

Những góc chợ quê mang đầy ký ức.

"Khách đến chợ vui lòng mang theo giỏ/túi"

Năm nay 13 tuổi, cô bé Ri đã có hơn 2 năm kinh nghiệm "đi chợ quê" phụ các cô bán hàng. Hồi đó Ri mới hơn 10 tuổi, chợ bé xíu dưới gốc đa già hoài cổ, các cô bán hàng mặc áo dài ngắn ngắn, chẳng có gì náo nhiệt mà Ri đến một lần đã thích ngay.

Cũng từ lúc này, Ri thích mặc áo dài hầu hết mỗi khi muốn đi ra ngoài cùng mẹ. Ri thích áo dài vì nhẹ nhàng kín đáo, vì mặc cả ngày Ri vẫn thấy rất thoải mái dễ chịu và vì mặc áo dài ai cũng khen Ri đẹp, Ri dễ thương. Mỗi khi ai đó đi ngang qua và ngoái lại nhìn, Ri hãnh diện lắm!

Có một phiên chợ đặc biệt ngay trung tâm Sài Gòn, người lớn trẻ con xúng xính áo dài, trẻ vừa chơi vừa học tỉ thứ hay ho - Ảnh 2.

Năm nay 13 tuổi, cô bé Ri đã có hơn 2 năm kinh nghiệm "đi chợ quê".

Ở Chợ Quê mỗi tuần có nhiều cô bé, cậu bé như Ri. Ban đầu là theo mẹ đến chợ, mua một mớ rau trái sạch miền quê, thưởng thức món ngon được chính tay các bà mẹ Sài Gòn chế biến hay chơi vài trò chơi dân dã, sau thì thành mê. Mê món hàng của chợ, mê không khí chợ, mê những cuối tuần được xúng xính áo dài... đi chợ mà không hề thấy mình lạc lõng.

Những đứa trẻ xúng xính theo mẹ đi chợ quê.

Còn với những người lớn, "Chợ quê giữa phố" đúng nghĩa là một khu chợ ở các vùng quê với những chiếc sạp tre chứa đầy đặc sản theo mùa. Từ rau củ, bánh trái cho đến những món đồ tưởng chừng như khó bắt gặp ở nơi phồn hoa đô hội như mây tre, gốm bàu trúc, tre trúc...

Góc này có chị bán bún bò, đậu hũ nóng, gánh chè khói nghi ngút, góc kia bày bán mâm bánh bò, khoai lang nướng, cạnh đó là những rổ rau thơm, bó hành lá đúng chất nhà quê, cằn cỗi mà thơm lừng. Các loại trái cây tại đây được trồng từ các nhà vườn trong dự án hỗ trợ sinh kế, không phun thuốc trừ sâu trên tinh thần “xanh - sạch - an toàn” từ các vùng quê.

Chợ còn có cả quầy hàng áo dài, sách truyện, những đồ ăn nấu chín được gói bằng lá chuối xanh... nhắc nhớ về những vùng quê yên bình trong ký ức những người con xa xứ.

Với những người lớn, "chợ quê giữa phố" đúng nghĩa là một khu chợ ở các vùng quê với những chiếc sạp tre chứa đầy đặc sản theo mùa.

Người đi Chợ Quê lâu ngày thì hầu như không bao giờ quên lời nhắc nhở: Vui lòng mang theo giỏ/túi. Chợ hạn chế tối đa túi ni – lông, vậy nên đừng ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ xách những chiếc giỏ đi chợ như ngày xưa, ở miền quê, hay cảnh các chị gái trong bộ áo dài, bà ba tất bật gói hàng, lấy thức ăn cho khách bằng túi giấy hay tàu lá chuối, giỏ mây, dây thừng, chén đĩa mo cau...

Từ chợ quê này, trẻ học trăm điều hay ho

Chợ tưởng như là nơi của các bà nội trợ nhưng tuần nào cũng tấp nập trẻ em. "Tranh thủ mua đồ ngon lại cho tụi nhỏ biết về văn hóa vùng quê" là câu trả lời của nhiều phụ huynh khi được hỏi tại sao yêu việc đi Chợ Quê. Thì ra, chợ nhưng không chỉ là chợ, mà từ lâu đã trở thành một "điểm hẹn văn hóa" nữa.

Nơi đó, lũ trẻ có thể biết thêm về chiếc áo dài thêu tay tinh xảo, biết về gốm sứ, bàu trúc, nghe câu chuyện về những làng nghề truyền thống ở nhiều tỉnh thành như: Lụa Mã Châu, đan tre Đồng Tháp, guốc mộc Bình Nhâm, gốm Bàu Trúc... 

Chợ nhưng không chỉ là chợ, mà từ lâu đã trở thành một "điểm hẹn văn hóa" nữa.

Ở đó, mùa nào bán thức ấy, nên lũ nhỏ cũng được giải đáp tận tình đủ thứ thắc mắc về mùa đơm bông kết trái của những đặc sản quê hay được tặng những chiếc lá vàng khô, những hòn sỏi thật đẹp để tự sáng tạo thành một tác phẩm ưng ý, từ đó học bài học về tái chế, về bảo vệ môi trường.

Có một phiên chợ đặc biệt ngay trung tâm Sài Gòn, người lớn trẻ con xúng xính áo dài, trẻ vừa chơi vừa học tỉ thứ hay ho - Ảnh 6.

Ngoài phiên chợ, Hội quán cũng tổ chức những buổi nói chuyện để các bé hiểu hơn về người nông dân, đặc biệt là lưu giữ giá trị văn hóa làng nghề truyền thống. Lắng nghe những câu chuyện núi rừng sơn cước, cỏ cây muông thú, hiểu hơn về hành trình trồng và bảo vệ cây xanh, nguồn nước, trân trọng công sức của những người trồng cây, gây vườn...

Ở chợ phiên này, người ta đến không ồn ào, vội vã, chỉ chăm chăm lựa mua cho xong thứ mình cần rồi ra về như nhiều phiên chợ khác.

Ở chợ phiên này, người ta đến không ồn ào, vội vã mà chủ yếu để chia sẻ câu chuyện của mình, để cảm nhận rõ hơn sự yêu thương lẫn nhau giữa người với người, để dạy cho trẻ biết thế nào là không khí của một phiên chợ quê...

"Khi tôi lớn, tôi biết yêu những khu vườn tạp mà tôi từng chê thuở bé. Tôi biết mang ơn những mùa cây trái quanh năm, dù chẳng nhiều nhặn gì nhưng thơm thảo vô cùng cho tâm hồn tôi được hít thở tự nhiên mỗi ngày" (Hà Nhân). Chợ quê giữa phố Sài Gòn đích thực mang lại cảm giác bình yên, thơm thảo như thế!

Vốn là một cử nhân Xã hội học, năm 2001, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ) thành lập Hội quán để tập hợp nhiều phụ huynh cùng chia sẻ với nhau về việc giáo dục con cái.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán các bà mẹ.

"12 năm trước, thay vì tổ chức những buổi hội thảo trong phòng kín, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức một phiên chợ quê để phụ huynh tham gia cùng con mình", chị Thúy nói.

Ngoài việc cho trẻ làm quen với những loại cây trái quê theo mùa một cách trực quan, sinh động, mỗi tuần Hội quán cũng có những chương trình với chủ đề khác nhau, như làm thủ công từ vật liệu thiên nhiên, tái chế, vẽ, đan lát, đan len, thắt lá dừa, lồng đèn vỏ bưởi cho dịp Trung thu hay nghe kể chuyện bằng kịch giấy... Đây là cách giúp các bé có thêm nhiều loại hình giải trí hơn thay vì chỉ cắm mặt vào trong những thiết bị di động giải trí khác.

Những đứa trẻ cũng thường đem sách, truyện ra chợ cùng đọc hay trao đổi với nhau, học cách bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế túi ni lông, ưu tiên vật liệu tự nhiên... để hình thành lối sống xanh.

"Quan trọng hơn, điều mà chúng tôi mong muốn là lưu giữ những nét văn hóa truyền thống cho trẻ. Mặc một chiếc áo dài, bà ba, đội chiếc nón lá, tìm hiểu về làng nghề, các trò chơi dân gian... chính là những cách khơi lại những nét đẹp đang dần bị mai một, dù vài thứ trong số đó sẽ có thể có sự thay đổi, cải tiến... theo cách phù hợp hơn với thế hệ trẻ bây giờ".

Có một phiên chợ đặc biệt ngay trung tâm Sài Gòn, người lớn trẻ con xúng xính áo dài, trẻ vừa chơi vừa học tỉ thứ hay ho - Ảnh 2.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.