"Cỗ máy tri thức": Tính phi lý đã tạo nên khoa học hiện đại như thế nào?

Hà My | 31-07-2022 - 20:00 PM

(Tổ Quốc) - Trong cuốn sách "Cỗ máy tri thức" dung hòa và pha trộn giữa khoa học, triết học, lịch sử này, nhà triết học hàng đầu Michael Strevens sẽ trả lời những câu hỏi đầy thách thức: Vì sao lại mất thời gian nhiều đến như vậy – hai nghìn năm sau khi triết học và toán học ra đời – thì nhân loại mới bắt đầu sử dụng khoa học để học hỏi và nghiên cứu những bí mật vũ trụ? Vì sao khoa học lại quyền năng đến thế?


Bất cứ ai cũng không thể phủ nhận vai trò, lợi ích của khoa học đem đến cho cuộc sống con người trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, xét trên chiều dài lịch sử nhân loại, khoa học hiện đại "sinh sau đẻ muộn" hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác trong nền văn minh nhân loại. Bước nhảy vĩ đại của khoa học hiện đại được ghi nhận xảy ra từ đầu thế kỳ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Và "phương pháp vĩ đại" giúp khoa học thực sự phát triển, gặt hái được những thành tựu nhảy vọt là vấn đề nhận được sự quan tâm, tranh luận của nhiều nhà tư tưởng trên thế giới trong hơn 100 năm qua.

Trong phần đầu cuốn sách "Cỗ máy tri thức", tác giả cũng là nhà triết học hàng đầu Michael Strevens sẽ dẫn dắt độc giả khám phá quan điểm của triết gia Karl Popper- người tin rằng phương pháp này phải dựa trên một kiểu logic nhất định do những nhà tư tưởng mẫu mực áp dụng.

Tiếp đó là quan điểm trái ngược của Thomas Kuln, người cho rằng thực ra có một loại tổ chức xã hội đặc biệt chịu trách nhiệm tạo nên sức mạnh của khoa học. Trong khi chuyên gia xã hội học Steven Shapin lại cho rằng: không hề tồn tại một phương pháp khoa học nào…

Tuy nhiên tất cả các quan điểm này đều không thành công trong việc chỉ ra cơ chế nền tảng tạo nên năng lực sản sinh tri thức của khoa học. Và bằng việc sàng lọc "bãi chiến trường" đó, nhà triết học hàng đầu Michael Strevens đã tìm ra được nền tảng để từ đó xây dựng một lý thuyết xác đáng hơn về khoa học: nguyên tắc lý giải sắt.

Ông chỉ ra: Kể từ khi nền khoa học hiện xuất hiện, các nhà khoa học được tự do suy nghĩ về mối liên hệ giữa bằng chứng và lý thuyết. Nhưng một khi đã tham gia vào nghiên cứu khoa học, họ buộc phải khám phá ra bằng chứng có sẵn hoặc tạo ra bằng chứng mới để thảo luận.

Khoa học trở thành cỗ máy khuyến khích loài người vốn ưa tranh cãi giờ đây phải tiến hành những phép đo đạc nhàm chán, thực hiện những cuộc thí nghiệm vừa tốn thời gian, vừa hao tiền bạc. Nếu không có khoa học, con người sẽ chẳng bao giờ làm những việc như thế. Nhưng chính nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế vụn vặt đầy đau thương ấy mà con người mới tìm ra sự thật trong những lý thuyết sai lầm nhưng nghe rất hợp lý. Cuối cùng, những bằng chứng đó sẽ được tích lũy đủ nhiều, để khiến tất cả các nhà khoa học dù trước đây từng chế giễu, mang thành kiến, định kiến ra sao đều phải đồng ý: sẽ có một lý thuyết vững chắc hơn tất cả, có thể giải thích thỏa đáng và dự đoán chính xác nhất.

Tóm lại, nguyên tắc lý giải sắt là bộ nguyên tắc cư xử đầy khiêm nhường, quy định chỉ tiến hành tranh luận khoa học dựa trên bằng chứng chính là nền tảng tạo nên tất cả các phương pháp khoa học giúp nhân loại vững bước trên con đường đi tìm chân lý. Đây chính là nguyên tắc hoạt động tạo ra hiệu quả và quyền năng to lớn của khoa học.

Cỗ máy tri thức: Tính phi lý đã tạo nên khoa học hiện đại như thế nào? - Ảnh 1.

Tác giả Michael Strevens

Phần hai của cuốn sách "Cỗ máy tri thức" tác giả giải thích rõ nguyên tắc hoạt động của nền khoa học với quy tắc sắt, sự đồng thuận của Bacon, động lực của sự khách quan, uy quyền tối thượng của việc quan sát…

Phần ba cuốn sách giải thích tại sao khoa học lại xuất hiện muộn như vậy. Trong khi đó phần 4 của cuốn sách thu hút độc giả khi đề cập đến các nội dung liên quan nền khoa học hiện đại với cách xây dựng tư duy khoa học, cách chăm sóc và bảo trì cỗ máy khoa học.

Đưa ra câu chuyện về những vùng đất chịu sự biến đổi nặng nề theo hướng tiêu cực (như thành phố Melitus của Hy Lạp ở thế kỷ VI trước công nguyên từng là đô thị giàu có nhất thế giới nhờ kiểm soát một bến cảng nằm ngay trung tâm mạng lưới giao thương ở phía Đông Địa Trung Hải, giờ đây là một vùng đồng bằng khô cằn, bụi bặm) tác giả Strevens chỉ ra mặt trái của sự phát triển khoa học: khoa học giúp nền nông nghiệp, công nghiệp ngày càng phát triển; đồng thời dẫn đến sự biến đổi ngày càng xấu đi nhanh hơn của khí hậu, địa chất.

Tuy nhiên, tác giả Strevens cũng chỉ ra khoa học cũng mang đến cho nhân loại cơ hội thuận lợi để cứu lấy hành tinh với việc chỉ ra cách khắc phục một số tổn hại, hướng dẫn con người cách thỏa mãn nhu cầu mà không vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống.

Tác giả đề ra ba thành tố thiết yếu để tạo nên một nền khoa học phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất là tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Theo đó các nhà khoa học phải có những tham vọng vị kỷ chủ quan của người làm khoa học. Những tham vọng này không phải lúc nào cũng ích kỷ, vì không ít người thật lòng khao khát tìm kiếm chân lý và mang đến cho con người một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Thứ hai các nhà khoa học phải tuân thủ đúng nguyên tắc sắt. Theo đó đấu trường khoa học đã xác định được rõ luật chơi: trước hết người tham gia phải thu thập bằng chứng thực nghiệm để củng cố sức mạnh của cỗ máy tri thức, dù công việc tìm kiếm này hết sức gian nan và tốn kém.

Cuối cùng, khoa học sẽ cẩn thận lưu trữ những bằng chứng ấy để các nhà tư tưởng của nhiều thế kỷ sau tiếp tục khai thác. Trước các mối đe dọa từ khí hậu thay đổi và các đại dịch toàn cầu, cỗ máy tri thức cần phải được bảo vệ khỏi các chính trị gia, lợi ích thương mại và thậm chí chính các nhà khoa học đang tìm cách làm suy yếu hoạt động tìm kiếm chân lý của khoa học.

Nhận xét về cuốn sách "Cỗ máy tri thức", tác giả cuốn sách Quantum viết: "Nếu không có những lợi ích của khoa học thì cuộc sống hiện nay của chúng ta không khác gì thời Trung cổ. Khi Michael Strevens bảo vệ sức mạnh và hiệu quả của phương pháp khoa học nhằm phát hiện ra bản chất thực sự của vạn vật và phủ định những người bác bỏ sự tồn tại của chúng, ông đã theo đuổi một nhiệm vụ đầy tham vọng là khám phá cách vận hành thực sự của khoa học. "Cỗ máy tri thức" là cuốn sách hấp dẫn không thể bỏ qua nếu bạn muốn tìm hiểu về những điều đặc biệt trong khoa học."

Michael Strevens là Giáo sư Triết học của trường Đại học New York. Từ năm 2004, ông giảng dạy và nghiên cứu về bản chất của khoa học, các hệ thống phức tạp, tâm lí học triết học, vai trò của trực giác trong việc khám phá khoa học, bản chất của việc giải thích và sự hiểu biết, cùng nhiều đề tài khác.

Ông sinh ra và lớn lên ở New Zealand, lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Rutgers và có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Đại học bang Iowa và Đại học Standford. Michael Strevens đã được nhận Giải thưởng Guggenheim (được Quỹ tưởng niệm John Simon Guggenheim trao tặng hằng năm, bắt đầu từ năm 1925, cho những người "chứng minh năng lực đặc biệt trong sản xuất hoặc khả năng sáng tạo đặc biệt trong nghệ thuật") vào năm 2017.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM