Thanh toán trực tuyến ở Việt Nam được dẫn dắt bởi chuyển khoản qua ngân hàng và COD (thanh toán khi nhận hàng), vẫn được xem là tùy chọn thanh toán phù hợp cho thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đến năm 2022, phương thức COD sẽ "lùi bước" trước sự thanh toán liền mạch của các hình thức mới như ví điện tử hay thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, IDC đưa ra dự báo trong cuốn Sách trắng nhan đề "Châu Á trong kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử".
Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự ủy quyền của NTT DATA, nhằm giúp các doanh nghiệp và truyền thông hiểu rõ hơn về xu hướng thanh toán ở 10 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Về thị trường Việt Nam, IDC nhận định Việt Nam có dân số đông với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, tương tự như điều kiện của Indonesia.
"Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu của khách hàng thanh toán với những phương thức thuận tiện hơn thay vì COD và chuyển khoản. Trong khi thiết bị đầu cuối POS bình quân đầu người vẫn còn thấp, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đang tìm cách tăng số lượng các thiết bị mới để thay thế những thiết bị cũ, nhằm tương thích với công nghệ NFC cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng", nghiên cứu cho biết.
Theo Báo cáo của IDC 2020 và Ngân hàng thế giới, mỗi người Việt chi tiêu khoảng 176 USD/người/năm qua thẻ tín dụng, mức tiêu dùng thẻ ghi nợ bình quân ở mức 103 USD/người, tiêu dùng ví điện tử ở mức 36 USD/người. Trong thanh toán, tỷ trọng giao dịch dùng tiền mặt vẫn ở mức 80%.
Một trong những dấu ấn phát triển quan trọng cho thanh toán không tiền mặt là các ngân hàng nhanh chóng giới thiệu những loại thẻ mới bao gồm cả thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng. Các công ty Fintech cũng đang phát triển giải pháp ví điện tử, rất nhiều trong số đó, như Grab, cũng hiện diện khắp mọi nơi ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy vậy, nhìn chung sự tham gia của hệ thống tài chính, bao gồm tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử đang gặp trở ngại rất lớn bởi tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp. Tín dụng, nhìn chung chưa phổ biến vì yếu tố văn hóa lo sợ những rủi ro bất lợi.
Nghiên cứu của IDC cho rằng sự phát triển của các tùy chọn thanh toán mới không yêu cầu một tài khoản ngân hàng chính thức, đã tìm cách gỡ rối nhiều vấn đề liên quan đến việc không có tài khoản ngân hàng. Ví điện tử hỗ trợ chức năng thanh toán và thêm các tiện ích như của ngân hàng cho những người không cần hoặc không thể có tài khoản ngân hàng, đang cung cấp các giải pháp công nghệ khả thi cho những vấn đề dài hạn của Việt Nam.
Trong đó, MoMo và ZaloPay được xem là 2 đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực ví điện tử.
Tại Việt Nam, hiện tiền mặt vẫn giữ ngôi đầu trong giao dịch thanh toán. Vị trí số 2 thuộc về chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử chỉ đứng thứ 3.
Nhưng đến năm 2030, thanh toán qua ví điện tử sẽ giữ ngôi đầu, thẻ tín dụng sẽ đứng thứ hạng 2 và chuyển khoản qua ngân hàng đứng thứ 3. Giao dịch bằng tiền mặt không nằm trong top 3 phương thức giao dịch phổ biến trong giai đoạn này, IDC dự báo.
Những thay đổi trong thanh toán trực tuyến tại các quốc gia Châu Á từ năm 2022 - 2030. Nguồn: IDC.
Nhìn trên bình diện 10 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, ví điện tử sẽ là "Big Winner" trong năm 2030, được dự đoán sẽ là phương pháp thanh toán phổ biến nhất ở 7/10 thị trường, so sánh với ngày nay khi chỉ phổ biến ở 2/10 thị trường. Sự sụt giảm đáng kể tiền mặt trong thanh toán trực tuyến, được thúc đẩy bởi cả chính sách của chính phủ và và các sáng kiến của công ty trong thập kỷ tới.
Ba thị trường ví điện tử không giữ vị trí số 1 trong 2030 là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, ví điện tử là phương thức thanh toán đứng thứ 2, sau thẻ tín dụng. Ở Đài Loan, ví điện tử được "nâng hạng" từ thứ 4 trong năm 2022 lên thứ 3, đứng sau phương thức chuyển khoản qua ngân hàng và thẻ tín dụng. Còn tại Hàn Quốc, loại hình thanh toán phổ biến vẫn là thẻ tín dụng.