Fenella Fox, 29 tuổi, hiện đang sinh sống tại Anh, cho biết công việc của cô thường phải dùng đến mạng xã hội và dùng điện thoại hoặc máy tính bảng tới 14 giờ mỗi ngày.
Cô kể lại thời gian trước đó, cô thường bị đau đầu và cổ, cơn đau đỡ hơn khi cô nằm xuống nghỉ ngơi. Sau khi cô chuyển tới Bồ Đào Nha, tình trạng này giảm đi. Nhưng cho tới tháng 11/2021, các cơn đau lại tiếp tục quay lại với mức độ tệ hơn.
“Tôi bắt đầu thấy chóng mặt, hoa mắt. Lần đầu tiên có triệu chứng đó, tôi nghĩ rằng đó là dấu hiệu của say nắng. Tôi thấy mình không đi lại được như bình thường”, Fenella kể lại.
Fenella không đi khám vì nghĩ rằng mình chỉ cần nghỉ ngơi hoặc có thể do bản thân đang nhiễm một bệnh truyền nhiễm nào đó, ví dụ như COVID-19. Cô quay trở lại Anh để được gia đình chăm sóc. Khoảng thời gian đó, cô không thể tự tắm hay nấu ăn và thậm chí phải dùng xe lăn trong vòng 6 tháng để đi lại.
Tại Bồ Đào Nha, các bác sĩ chẩn đoán cô có vấn đề về thăng bằng sau khi thực hiện một số xét nghiệm. Tuy nhiên, họ không tìm được nguyên nhân thật sự dẫn tới tình trạng này. Cho tới khi cha của cô đọc được một bài báo nói về chứng bệnh do sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều (cybersickness), mọi thứ bắt đầu có tiến triển.
Fenella đã tắt toàn bộ các thiết bị di động, máy tính bảng và tập các bài tập nhẹ nhàng. Cô nói điều này khiến cho tâm trạng của cô tốt hơn, đồng thời một thời gian sau cô đã có thể đi lại được bình thường.
Trong cuộc sống thời 4.0, rất nhiều người phải sử dụng các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại di động, máy tính bảng nhiều giờ liên tục trong ngày để làm việc giống như Fenella. Tuy nhiên, đây cũng là sở thích, một thói quen khó bỏ của rất nhiều người trẻ tuổi, người trung niên, thậm chí cả trẻ em.
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra hàng loạt tác hại của việc sử dụng quá nhiều điện thoại hoặc các thiết bị điện tử thông minh khác, như:
1. Hội chứng đau cổ
Việc cúi xuống dùng điện thoại quá nhiều có thể gây áp lực lên cổ và cột sống, dẫn tới hội chứng đau cổ. Bạn có thể có các cơn đau dây thần kinh ở lưng, vai, lan xuống cánh tay.
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên nghỉ giải lao ít nhất 20 phút một lần để duỗi và giãn cơ lưng. Đồng thời, mọi người cần lưu ý không khom người về phía trước và nên cầm điện thoại cao lên khi nhắn tin. Các bài tập tư thế trong bộ môn yoga hoặc pilates sẽ giúp hệ xương khớp dẻo dai hơn và giảm đau tốt hơn.
2. Mất ngủ
Ánh sáng xanh từ điện thoại đã được chứng minh gây cản trở giấc ngủ. Việc sử dụng quá nhiều điện thoại vào buổi tối có thể làm rối loạn giấc ngủ và từ đó có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì,... Các nhà khoa học tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) cho biết rối loạn giấc ngủ ngăn cơ thể sản xuất ghrelin và leptin, 2 loại hormone đói giúp điều chỉnh sự thèm ăn trong ngày và do đó dẫn tới việc nạp dư năng lượng.
3. Mất tập trung
Vào thời điểm trước khi điện thoại thông minh ra đời, khoảng chú ý trung bình của con người là khoảng 12 giây. Tuy nhiên, theo một nghiên của Microsoft, con số này đã giảm xuống là 8 giây ở những người sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử, di động.
4. Thay đổi cấu trúc não bộ
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí PLoS One cho thấy những người dùng quá nhiều thiết bị điện tử có mật độ chất xám ở phần vỏ não phía trước thấp hơn, do đó khả năng kiểm soát nhận thức và điều chỉnh cảm xúc xã hội cũng bị giảm đi.
5. Có các vấn đề về mắt
Dùng nhiều điện thoại di động có thể khiến bạn phải đối mặt với các tình trạng như mỏi mắt, khô mắt, các vấn đề về điều tiết ở mắt.
6. Viêm khớp
Việc thường xuyên bấm điện thoại, cầm điện thoại có thể gây ra tình trạng viêm ở các khớp ngón tay hoặc cổ tay hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng ở những người có sẵn bệnh lý ở bộ phận đó.
(Nguồn: The Sun, Bestlife, WebMD)