Bút tích của ông và lá đơn cách đây 17 năm
“Hôm nay mẹ gọi mình tìm giấy tờ, vô tình lại thấy được lá đơn từ năm 2006, lúc ấy mình 12 tuổi. Ngay khi nhận ra nét chữ của ông ngoại mình nước mắt mình tự nhiên cứ trào ra rồi ngồi mếu máo”, Lệ Thu (SN 1995, Hà Nội) xúc động.
Trong lá đơn gửi đi ngày 17/07/2006, ông Bùi Xuân Đản viết, do hoàn cảnh nhà con gái ruột khó khăn, ông đã đón cháu ngoại về nuôi từ năm 2001, cho cháu ăn học đầy đủ. Tuy nhiên do cháu chưa được nhập hộ khẩu nên ông Đản viết lá đơn, xin xác nhận của tổ dân phố. Lời lẽ trong bức thư khiến Thu xúc động. Đối với Thu, tình cảm của ông dành cho các con, các cháu trong suốt bao năm qua vẫn chưa bao giờ vơi.
Bút tích của ông ngoại được chị Thu tìm thấy
Cô gái tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình mình có hơi đặc biệt. Ngày mình bé, bố mẹ mình nghèo lắm. Thấy mình ở quê khổ quá nên ông đón lên Phủ Lý, Hà Nam ở cùng ông từ lớp 1.
Ông có thói quen giữ gìn đồ đạc rất cẩn thận. Trước khi ông mất, mình có xin ông túi giấy tờ của mình mang lên Hà Nội để làm giấy đăng ký kết hôn. Trong túi, ngoài tờ giấy ông viết thì ông còn giữ cho mình cả sổ liên lạc lớp 6, học bạ... Lúc mình cầm lên nhìn là nhận ngay ra chữ của ông rồi. Mới kịp đọc thoáng qua mấy câu đầu là không kìm được cảm xúc, tất cả những gì của ông lại hiện về”.
Quãng thời gian ở với ông ngoại, Thu được ông lo lắng từ bữa ăn đến giấc ngủ. Ngay cả chuyện học hành, ông cũng lặn lội dẫn chị đi nhập học, ngày ngày đưa đón. Hai mẹ con Thu ở xa nhau, thấy con gái ở quê làm ruộng vất vả, ông cũng đón lên cho đi học may, rồi làm công nhân.
“Sau lá đơn kia, mình được nhập khẩu vào lớp 6. Ngày đi học, ông cũng dắt mình vào tận sân trường cấp 2. Nhớ có lần ông kể với cả nhà là: Tao đi xe về đến đường cái thấy cái Hà (tên gọi khác ở nhà của chị Thu) nó đi học về. Người bé tý như suy dinh dưỡng, không khoác nổi cái cặp sách. Nó kéo lê trên đường vừa đi vừa khóc, thương cháu chảy nước mắt”, Thu tâm sự.
Lần gặp cuối cùng
Trước đây, ông Đản quê gốc ở Ninh Bình, từng đi học rồi dạy ở trường Trung cấp Bưu Điện Hà Nam. Về sau ông chuyển sang làm kế toán - thủ quỹ cho đến khi nghỉ hưu. Năm Thu học lớp 7, ông Đản về lại Ninh Bình, còn mẹ con Thu vẫn tiếp tục ở lại Phủ Lý, Hà Nam học.
Tuy ông bà về quê nhưng vì khoảng cách gần nên hè nào, Thu cũng đều về ở với ông bà. “Nhà mình vẫn giữ truyền thống ăn Tết cùng đại gia đình. Cả nhà hay sum họp, tình cảm khăng khít lắm. Hồi đó, mình còn bé, kiểu vô tư, hồn nhiên lắm nên không rõ về tình hình kinh tế. Nhưng sau này mới biết, mức thu nhập của ông khi ấy cũng khá, nhưng để nuôi cả gia đình cũng vất vả. Khi mình lên với ông, cậu mình còn đang đi học đại học. Bác Hai cũng học bưu điện ở Thái Bình. Một mình ông nuôi tất, bà ở nhà nội trợ”.
Năm 2012, ông Đản được chẩn đoán ung thư dạ dày, phải cắt bỏ dạ dày toàn bộ. Từ đó sức khỏe của ông yếu đi nhiều, liên tục phải nằm viện. Cuối năm 2022, ông Đản bị Covid-19 rồi mất. Thu vẫn nhớ lần cuối gặp, dù mệt nhưng ông vẫn nhận ra cô cháu gái nhỏ.
"Người ta chỉ cho vào thăm ông mỗi ngày 15 phút và chỉ được một người vào, không được đổi. Hôm đó mình lén đổi áo với bác cả vào thăm ông, thấy mình khóc ông cứ nắm tay mình đung đưa như bảo “Đừng khóc”. Mình hỏi ông: Ông có nhận ra con không? Ông chỉ thều thào nhỏ ”có, Hà!”. Mình cũng không ngờ đó là lần cuối cùng được ông gọi. Hôm sau ông rơi vào hôn mê rồi mất.
Đến giờ mình vẫn chưa tin rằng ông đã ra đi. Mỗi lần về quê vẫn nghĩ ông đang lúi húi trong nhà như mọi lần rồi sẽ ngó ra hỏi: “Đứa nào đấy? À Hà à? Thế mẹ con có về không?”. Mình vẫn luôn hình dung ra dáng ông ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài sân đăm chiêu…”
Ảnh: NVCC