Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỉ) tập 2 tiếp tục duy trì sự thu hút với khán giả xem truyền hình. Tại đây 3/4 startup đã kêu gọi đầu tư thành công và chỉ có 1 startup bị cả 5 Shark từ chối là Denise Sandquist - CEO kiêm Co-founder ứng dụng hẹn hò FIKA.
Cô gái Thụy Điển tìm mẹ từng làm dậy sóng MXH năm 2016
Bắt đầu màn thuyết trình, Denise Sandquist đã kể lại câu chuyện của mình khiến các Shark lẫn người xem xúc động. Được biết cô tên thật là Trần Thanh Hương, sinh năm 1991 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi được 3 tuần tuổi, vì hoàn cảnh không cho phép, mẹ ruột Denise đã đem con cho một cặp vợ chồng người Thụy Điển nhận nuôi.
Năm 2016, Denise về Việt Nam và bắt đầu hành trình tìm mẹ. Nhận được lời khuyên từ đồng nghiệp, cô nhờ đến MXH bằng cách lập tài khoản Facebook có tên "Giúp em gái Thụy Điển tìm lại bố mẹ Việt Nam". Mong muốn tìm mẹ mãnh liệt của Denise cùng với sức lan tỏa mạnh mẽ của cộng đồng cuối cùng đã mang đến một kết quả vô cùng ngọt ngào. Chỉ 18 ngày sau khi bài viết được đăng tải, cô đã nhận được cuộc điện thoại từ mẹ ruột với vỏn vẹn 2 từ: "Mẹ đây".
Những thông tin đầu tiên Denise đăng tải lên mạng năm 2016
Chính từ sự lan tỏa và giúp đỡ của tất cả mọi người trên trên hành trình tìm mẹ đã trở thành nguồn cảm hứng để Denise tạo ra FIKA. "Fika có nhiệm vụ và mục tiêu trở thành ứng dụng toàn cầu, giúp đỡ mọi người tạo ra và duy trì các mối quan hệ ý nghĩa" - cô bày tỏ.
Lời đề nghị 3 triệu đô và tham vọng thành kỳ lân công nghệ mới
Về tình hình hiện tại của startup, nữ CEO cho biết FIKA ra mắt năm 2020 và hiện đã có 1,5 triệu lượt tải về. FIKA tự tin mình đang là ứng dụng hẹn hò lớn thứ 2 Việt Nam với 100.000 người dùng hoạt động và được xác minh hàng tháng. Đây được đánh giá là ứng dụng hẹn hò miễn phí tốt nhất trên Google Play và đứng thứ 4 về ứng dụng đời sống trên App Store tại Việt Nam.
Cùng với những con số kể trên trên, Denise đưa ra dẫn chứng về các app hẹn hò khác đang thành công với mô hình này là Tinder, Bumble, TanTan,... Tất cả đều có doanh thu khủng trong vài năm gần đây, cho thấy cơ hội lớn tại thị trường này. Đối tượng khách hàng mà FIKA hướng đến là người châu Á, đặc biệt là phụ nữ và 100% người dùng được xác thực.
Cuối cùng Denise mời các Shark đồng hành cùng mình với con số 3.000.000 USD cho 2% cổ phần với tham vọng trở thành một kỳ lân công nghệ mới tiếp theo tại Việt Nam. Lời đề nghị này nhanh chóng khiến các Shark bất ngờ bởi nó đồng nghĩa với việc Denise định giá công ty của mình tương đương 147 triệu USD.
Những lỗ hổng không qua mắt được dàn "cá mập" sành sỏi
Đầu tiên, Shark Bình đưa ra 2 thắc mắc, 1 là về cách FIKA xác thực danh tính người dùng và 2 là cơ cấu doanh thu. Với câu hỏi đầu tiên, Denise cho biết việc xác thực danh tính đang được thực hiện thủ công với 40 nhân viên làm công việc này. Ngay lập tức, Shark Bình nhận xét rằng cách làm này không tối ưu vì đã có nhiều thuật toán trí tuệ nhân tạo tự động xác minh danh tính. Khi nữ CEO giải thích FIKA muốn phát triển công nghệ xác thực riêng, Shark Bình tiếp tục phản đối vì cho rằng việc này không cần thiết.
Về cơ cấu doanh thu, Denise cho biết FIKA kinh doanh quảng cáo và có thu phí đăng ký để tạo ra doanh thu. Ban đầu người dùng sẽ được sử dụng miễn phí nhưng nếu muốn sử dụng các gói cao hơn, người dùng phải đăng ký và trả phí.
"Với những ứng dụng hẹn hò, tầm 10 - 15% người dùng thực đang trả tiền cho các gói đăng ký. FIKA đưa ra mức 150.000 VND/tháng và mức này thấp hơn Tinder tại Việt Nam. Và giả sử rằng FIKA có 100.000 người dùng tích cực hàng tháng và 10% của con số đó là 10.000 người trả phí đăng ký. Tương đương 50.000USD nhân cho 12 tháng. Đây là một mô hình kinh doanh rất có lợi nhuận" - Denise nói rõ hơn.
Shark Hùng Anh băn khoăn về chuyện công ty chưa tạo ra doanh thu nhưng CEO lại định giá đến gần 150 triệu USD, Denise tiếp tục lấy các ứng dụng hẹn hò khác làm ví dụ và giải thích thêm: "Nếu bạn có 1,5 triệu lượt tải xuống và nhân 10, nó sẽ trở thành 150.000.000 USD".
Shark Bình tiếp tục đưa ra điểm mẫu chốt là các ứng dụng kia đã tạo ra doanh thu còn FIKA thì chưa, Denise phản biện rằng Tinder đã mất 2 năm để tạo ra doanh thu, Facebook, YouTube và Twitter mất 3 - 5 năm không tạo ra doanh thu nên FIKA cũng cần thời gian tạo ra doanh thu.
Trong khi đó, Shark Liên lo ngại về chuyện phụ nữ bị lừa đảo cả tình lẫn tiền khi xài app hẹn hò. Trả lời điều này, nữ CEO cho biết người dùng FIKA khi tìm người phù hợp sẽ có 3 bước: tìm hiểu mình là ai, tìm hiểu mình muốn gì và tìm được một người phù hợp nhất trong FIKA bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận, mình không thể kiểm tra một người đã có vợ hoặc có chồng lên ứng dụng hẹn hò này.
Nữ CEO "trắng tay" ra về và nhận xét của Shark Bình
Shark Liên là người từ chối đầu tiên. "Chị rất yêu những người phụ nữ dấn thân và con đường làm công nghệ. Nhưng rất tiếc em đang đánh giá giá trị của công ty em chị không thể hình dung ra được và nó chưa có gì cả nên vì vậy chị không đầu tư" - "Cá mập bà ngoại" cho biết.
Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư vì nhận thấy mô hình của FIKA có quá nhiều lỗ hổng và rủi ro.
Tương tự, Shark Phú cũng lắc đầu vì định giá công ty quá cao trong khi mô hình kiếm tiền không dễ.
Cả 5 Shark đều từ chối đầu tư cho FIKA
Shark Hưng không đầu tư nhưng đưa ra nhận xét cụ thể hơn cho FIKA. Phó Chủ tịch HĐQT Cen Land cho rằng Denise đến Shark Tank khá sớm vì FIKA chưa có doanh thu, chưa có điều gì chắc chắn cho sự thành công. Shark Hưng khuyên Denise nên cần thêm một chút thời gian hoặc có thể tìm kiếm nhà đầu tư thiên thần.
Người đưa ra quyết định cuối cùng là Shark Bình. Vị "cá mập" cho biết mình ước chừng tổng chi phí hút khách hàng của FIKA tầm 200.000 USD. Và nếu đưa ra ước tính lợi nhuận 20 lần, Shark Bình định giá của FIKA không hơn 4 triệu USD. Shark Bình cũng tiết lộ, mình từng thẩm định một số ứng dụng hẹn hò và hầu hết đã biến mất sau một vài năm. "Vì vậy tôi đánh giá cao bạn là một người phụ nữ, nhưng nếu bạn là nam thì tôi nói rằng đó là ngáo giá. Đây là một trong trong những lời đề nghị ngáo giá nhất tại Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay trong suốt 5 mùa. Thành thật mà nói vì vậy tôi sẽ không đầu tư" - Shark Bình kết luận.
Ảnh: BTC