Cơ duyên phiên dịch cho cầu thủ Công Vinh
Năm lớp 2, Lê Thanh Hiền (SN 1994) theo mẹ sang Nhật Bản định cư. Đó cũng là biến cố lớn nhất cuộc đời cô gái trẻ bởi khi đó cha mẹ Hiền ly hôn. Ít lâu sau, bà đi bước nữa với người chồng thứ hai có quốc tịch Nhật Bản.
Mặc dù sống ở xứ anh đào từ khi còn rất nhỏ, song Hiền khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi tinh thần tự học, không từ bỏ ước mơ. Cô gái 28 tuổi giao tiếp thành thạo tiếng Anh lẫn tiếng Nhật và từng là trợ lý ngôn ngữ đắc lực cho cầu thủ Lê Công Vinh khi ở Nhật Bản.
Lê Thanh Hiền từng làm phiên dịch cho cầu thủ Lê Công Vinh
Hiền chia sẻ, thời gian đầu cô gặp nhiều khó khăn khi phải làm quen môi trường mới. Trước khi sang Nhật, Hiền từng có quãng thời gian theo mẹ sống ở Nga, Hungary. Tuy nhiên khi đến xứ hoa anh đào, cô gặp nhiều cú sốc về văn hóa, ẩm thực. Hiền không ăn được sashimi, những món ăn sống. Khí hậu lạnh nơi đây cũng khiến da mặt cô nổi mụn liên tục.
"Khi ở Praha, mình không biết nói, người xung quanh họ sẽ dạy cho mình từng điều một. Nhưng khi sang Nhật Bản không ai dạy cho mình cả. 20 năm trước, Hokkaido rất ít người nước ngoài. Đi học mình không có bạn, lực học cũng không thể theo kịp mọi người.
Mình buồn vì luôn có cảm giác thua họ nhưng không dám nói với mẹ. Trên đường đi học về mỗi ngày mình đều khóc, khóc rất nhiều. Nhưng trước khi về đến nhà mình phải lau hết nước mắt vì sợ mẹ nhìn thấy, mẹ lo lắng. Lúc đó mình nghĩ có lẽ mình stress nặng quá, nghĩ mọi thứ đều không tốt", Hiền tâm sự.
Hiền đăng ký học tại một ngôi trường bình thường ở Nhật Bản, giáo viên ở đây không nói tiếng Anh. Cô gái trẻ tự đặt ra mục tiêu sẽ giao tiếp thuần thục như người bản địa. "Mình muốn nói tới mức để người ta nhầm mình là người Nhật", Hiền tự nhủ.
Hiền tham gia là phiên dịch cho nhiều sự kiện
Lần đầu tiên, Hiền dâng cao tinh thần tự giác học. Cô duy trì thói quen bằng việc tập viết chữ, nghe nhạc, xem tivi, xem chương trình dành cho trẻ con. Ở trên trường, Hiền khó kết bạn nhưng cô lại rất dễ làm quen với những người hàng xóm lớn tuổi. Hiền tìm cách nói chuyện mỗi ngày với họ. Những lúc rảnh, cô thu âm giọng mình bằng điện thoại, nếu chưa ổn sẽ tập luyện lại từng câu. Nỗ lực của Hiền đã được đền đáp khi cô dần dần leo lên vị trí cao trong lớp.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô gái 28 tuổi là quãng thời gian làm phiên dịch viên cho cầu thủ Lê Công Vinh. Khi đó, Hiền đang hỗ trợ cho một chương trình của VTV tại Nhật Bản.
"Mình có duyên gặp Lê Công Vinh khi anh sang Nhật Bản. Hồi đó, anh Vinh cũng có vài người phiên dịch rồi. Nhưng hôm đó, phiên dịch của Công Vinh lại gặp vấn đề gì mình không rõ, stream Hokkaido bị trống vị trí phiên dịch. Có ai đó đã giới thiệu mình. Khi ấy mình đang quay chương trình của VTV, có một chú chạy đến hỏi ekip rằng muốn 'mượn' Hiền Shino.
Và mình cứ đi theo thôi, mở mắt ra đã ở cạnh Công Vinh rồi. Và từ lần sau đó, họ gọi mình thuờng xuyên. Sau này, đám cưới của Công Vinh - Thủy Tiên mình cũng được mời. Lần nào gia đình mình về Việt Nam cũng được mời đi ăn, tới thăm gia đình anh chị Thủy Tiên", Hiền tự hào kể.
Không quên ngôn ngữ mẹ đẻ
28 tuổi, Hiền có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ ở Nhật Bản. Cô hiện đang làm người mẫu ảnh, kiêm phát thanh viên, thông dịch viên tài năng. Với gương mặt xinh xắn, khả năng giao tiếp tốt, Hiền được tham gia các sự kiện ngoại giao lớn ở cả Việt Nam lẫn Nhật Bản. Cô cũng giúp đỡ những du học sinh, thực tập sinh người Việt khi qua đây học tập, làm việc.
Nói về nguồn gốc biệt danh Hiền Shino, cô gái 28 tuổi kể: "Hồi mới sang Nhật bản mình học tại một ngôi trường bình thường, không phải trường quốc tế. Ba mẹ lo con gái sẽ bị bắt nạt nên mẹ đặt cho mình cái tên trong trường là Shino - dịch ra cũng có nghĩa là Hiền.
Đến năm 18 tuổi, mình phải quyết định quốc tịch. Mình yêu Việt Nam và vẫn muốn mang gốc người Việt nên mình vẫn giữ nguyên tên là Lê Thanh Hiền. Nhưng đến khi có cơ hội làm cho một công ty người mẫu ở Hokkaido, họ hỏi mình muốn lấy tên gì để tiện làm việc. Thôi thì cuộc sống mình có 2 tên, nên mình quyết định gắn cả 2 tên vào với nhau luôn".
Xa quê hương từ nhỏ song Thanh Hiền vẫn ý thức được việc trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ. Cô sợ một ngày nào đó, về thăm quê sẽ không thể nói chuyện được với những người thân yêu.
"Tiếng Việt của mình, tiếng nước mình mà mình lại quên, như thế thì không được. Thế nên khi đi học, đi ra ngoài đường, mình giao tiếp với người Nhật Bản bằng tiếng Nhật. Đến khi về nhà, mình nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt", Hiền bày tỏ.
Tiếng Nhật đã giúp Hiền tìm ra được đam mê học ngoại ngữ, mở ra cho cô cơ hội được thử sức nhiều công việc khác nhau. Tiếng Nhật giúp cho bản thân Hiền có thể thay đổi, để nhận ra rằng hoá ra mình có thể làm được và làm tốt nếu cố gắng kiên trì không bỏ cuộc.
Hiện tại, cô cho biết mình vẫn đang sống rất vui vẻ. Trước mắt Hiền lên kế hoạch sẽ sớm kết hôn, xây dựng gia đình nhỏ. Song song đó là nỗ lực hơn trong sự nghiệp, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa Nhật Bản tới nhiều bạn trẻ.
Nguồn: Người Kết Nối