Đánh dấu thanh xuân bằng những chuyến phiêu du khắp Việt Nam
Không có quá nhiều tiền, cũng chẳng thảnh thơi đến độ hở tí là bỏ việc đi chơi, nhưng lòng ham đi đã thôi thúc Kaze đánh dấu thanh xuân của mình bằng những chuyến phiêu du khắp Việt Nam. Động lực thôi thúc cô đi chơi cũng rất đơn giản, vì sống mãi ở Hải Phòng, sau này đi làm ở Hà Nội, trông đâu cũng chỉ thấy xe cộ, bê tông, cô luôn mơ về những cảnh trí mới, những con đường vắng thênh thang màu xanh, những gương mặt lạ, thế là phải đi.
Nếu bạn bè cùng trang lứa dành dụm cho những khoản chi tiêu mua nhà, mua xe thì với Kaze, du lịch luôn là khoản mà cô ưu tiên. Cô gái Hải Phòng bắt đầu đi du lịch từ năm 18 tuổi, “đấy là nếu không tính chuyến “phượt” lên thăm thú Hà Nội hồi mình học lớp 9”, Kaze đùa.
Vừa vào Đại học, Kaze đã đi làm thêm ở một cửa hàng quần áo. Mức lương 1,5 triệu khi đó khá ổn để cô tiêu vặt và có chút tiết kiệm để dành cho những chuyến đi. Vài tháng một lần, Kaze sẽ gom hết vốn liếng để đi chơi một chuyến. Ngay cả khi đã tốt nghiệp, đi làm, cô cũng vun vén thời gian để vài tháng đi chơi một lần xa xa, và luôn ưu tiên đi trong nước.
Sau 10 năm đi chơi, cô nàng gần như không có tiền dành dụm, nhưng bù lại, có một gia tài trải nghiệm khi được ngắm nhìn đất nước ở nhiều chiều kích, nhiều thời điểm khác nhau. “Mình ít đi nước ngoài nên cũng không so sánh được, nhưng mình chắc chắn là Việt Nam không thiếu chỗ tuyệt vời. Hùng vĩ, choáng ngợp cũng có mà tinh tế, duyên dáng cũng có. Quan trọng là bạn chọn cho mình cách đi để có thể khám phá và trải nghiệm, thì dù đến một nơi rất quen bạn cũng thấy nó tuyệt vời chứ chẳng phải tẻ nhạt hay chẳng có quái gì”.
Thường thì, khi đến một tỉnh, đầu tiên Kaze sẽ tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng không thể bỏ qua ở đó, để cho biết đã. Sau đó, cô sẽ nhờ “thổ địa” ở đó hướng dẫn chỗ chơi vui, ăn ngon, khám phá những ngõ ngách mà không quá nhiều người biết đến.
Ví dụ như đi Đà Nẵng, Kaze đến làng Vân - nằm trên eo biển từ phía Huế vào Đà Nẵng, có thể nhìn thấy trên đèo Hải Vân. Nơi đó trước là trại phong, giờ thành một nơi bỏ hoang, chỉ có hai cách vào: đi bộ theo đường mòn hoặc đi thuyền. Hoặc đi Tây Bắc, thay vì ở resort, homestay trong thị trấn, cô đi vào bản ăn ở chung với người dân.
Những chuyến đi đầu tiên tuổi 18, do chưa có nhiều tiền, Kaze nghĩ ra đủ cách để tiết kiệm chi phí nhất như vẫy xe ven đường xin đi nhờ, rồi mon men vào sâu trong bản. Lần đi Mù Căng Chải đầu tiên, khi nơi đây mới chỉ lác đác khách du lịch, sau khi chơi với lũ trẻ trong bản, Kaze đánh bạo hỏi chúng có thể dẫn mình về nhà ở được không. Thế mà cô được một em dẫn về cho ngủ nhờ thật và vô tình đó lại là nhà giàu nhất bản (cười).
Kaze bảo càng đi du lịch cô càng yêu hơn Việt Nam, bởi nơi nào cô đặt chân qua cũng đẹp và có nét độc đáo riêng. Cô nhớ cảm giác chạy xe dọc cung đường biển Ninh Thuận, nắng nóng nhễ nhại là thế nhưng trên con đường một bên là biển xanh ngắt, bên kia là đồi núi nhấp nhô hoang sơ nắng gió, cô cảm nhận rõ trái tim và đầu óc mình được “thả rông”...
Dù vậy nơi Kaze mê nhất lại là Hà Giang. Kaze lần đầu đến mảnh đất địa đầu vào năm 2013 và trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, năm nào cô cũng đi vào thời điểm hoa đào, hoa mận và cả hoa dại nở tưng bừng trên những cung đường lắt léo.
Đi nhiều, cô gái 9X tự thú có những chuyến đi “đến già chắc vẫn chưa quên nổi”. Như chuyến Tây Bắc hồi 2014, khi đi từ Sìn Hồ lên Nậm Tăm, đường đi đáng lẽ rất đẹp, nhưng một người trong đoàn nảy ra ý muốn thử thách bản thân một tí, nên tất cả đi thử một lối khác. Nhưng đường khác vừa lầy lội vừa đang sửa chữa vì một quả đồi mới bị sụp nên cả nhóm phải lội bùn quay về Lai Châu.
“8 giờ tối, cả con đường tối om, trên đầu có ánh sáng mờ mờ của sao trời, dưới là đèn xe máy. Trời bắt đầu có mưa và sương mù, chúng mình nín thở đi qua con đèo bị sạt, chỉ có một lối bé tí đủ lọt thân xe, bên này là đất đá, bên kia là vực thẳm, hẫng chân một cái chắc là mất mạng. Khoảng 10 giờ, về đến điểm dừng chân, nhìn xuống phía dưới là ánh đèn của thành phố Lai Châu, cả lũ không ai bảo ai, hú ầm lên sung sướng”, Kaze nhớ lại.
Hay lần cùng bạn thân thuê xe máy đi Mường Tè thì vớ trúng xe lởm khởm, đi đến đèo thì thủng săm. Chở bạn đi bằng vành xe gần 20km đường đèo, hơi gió nóng của vùng biên viễn giáp Lào phả vào mặt, Kaze vừa đi vừa cầu mong chiếc xe trụ được đến lúc tìm được hàng sửa xe. Ngó thái độ của ông chú sửa xe hết nhìn vào cái vành xe muốn cong lại nhìn sang hai đứa con gái, Kaze biết mình vừa thoát chết.
Dù đi du lịch “bụi” hay nghỉ dưỡng, Việt Nam vẫn là lựa chọn đầu tiên
Mục tiêu của Kaze khi đi du lịch là để thoát khỏi cảnh ồn ào, đi tìm cảm hứng về sống tiếp nên cô thường chú ý đến cảnh đẹp trước nhất, sau mới là đồ ăn, cuối cùng mới là văn hóa của điểm đến. Cô đặc biệt yêu thích việc du lịch nội địa, vì nhiều lẽ. Với cô, rẻ, tiện và sự đồng cảm về văn hóa chỉ là một phần lý do. Quan trọng hơn là nước mình rất đa dạng các địa hình: rừng núi, biển, cao nguyên, đồng bằng...
So với thời còn sinh viên, vừa ra trường bay nhảy và hiện tại, khi đã có một công việc ổn định, cách du lịch và tận hưởng chuyến đi của Kaze cũng có chút thay đổi. Thay vì bào sức, cô bắt đầu đi du lịch theo hướng nghỉ dưỡng nhiều hơn.
Ngay cả khi chuyển dần sang du lịch kiểu nghỉ dưỡng, thăm thú vẻ đẹp cảnh quan, nội địa cũng là lựa chọn ưu tiên của Kaze. “Việt Nam có vô vàn cảnh quan đẹp, resort khách sạn đẹp, sang xịn vào hàng top của thế giới cũng rất nhiều. Bạn bè thế giới còn chi cả đống tiền để sang nước mình tận hưởng thì tội gì mình không canh sale, tận hưởng những chuyến nghỉ dưỡng giá mềm”.
Thêm vào đó, nếu như trước kia cô thường mang vác lỉnh kỉnh lens, chân máy, thân máy phim đi để chụp ảnh mọi nơi mình qua, thì bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại có chế độ chụp ảnh tốt, chụp ảnh lưu niệm tạm ổn là được. Quần áo cũng chỉ cần xếp vài bộ đơn giản, váy vóc nhẹ nhàng. Chỉ mỹ phẩm, kem chống nắng và laptop để làm việc từ xa là thứ không thể thiếu.
“Mình bỏ luôn sở thích chụp ảnh bằng máy ảnh những nơi mình đã qua. Một phần vì giờ đây, sức khỏe của mình không còn như xưa để mang vác ba lô 15kg đủ máy móc theo nữa. Một lý do khác đó là mình nhận ra, có những khung cảnh ngắm nhìn bằng mắt đẹp hơn là chụp. Máy ảnh đôi khi bất lực trước vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên".
Chỉ còn 4 nơi chưa đặt chân tới là đi trọn vẹn dải đất hình chữ S, nhưng với Kaze, khám phá Việt Nam như thế vẫn là chưa “đã”. Trước việc có người đi du lịch Việt mà vỡ mộng, kêu Việt Nam chán, chẳng có gì hay ho (?!), Kaze trầm tư: “Nhưng mình nghĩ có thể do họ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, và so sánh với thực tế ảnh chụp không chuyên nghiệp của chính mình. Mình nghĩ đó không phải tinh thần đi du lịch. Với mình, du lịch đó là cách bạn tận hưởng chuyến đi, địa điểm theo cách của mình, chứ không phải đi để chụp ảnh đăng phây, khoe khoang với người khác”.
Kinh nghiệm đi chơi vui, lạ mà không tốn quá nhiều tiền
- Hạn chế đi tour thiết kế sẵn, nên tự đi theo lịch trình riêng phù hợp sở thích
- Ưu tiên đi bằng xe máy hơn máy bay hay tàu hỏa, ô tô, để cơ động hơn, dễ tạt vào chỗ này chỗ kia
- Đi theo nhóm để tiết kiệm chi phí, có người chụp ảnh và hỗ trợ nhau trên đường
- Với những chuyến đi xa hơn 1.000km, hoặc đến đảo, nên săn vé máy bay rẻ, đặt từ sớm để có giá tốt
- Chú ý thời tiết và thời điểm du lịch. Mùa hè - mùa cao điểm du lịch vé máy bay sẽ rất đắt. Mùa hè cũng là thời điểm Tây Bắc hay mưa, có thể có lũ, lở đất nguy hiểm.
- Nghiên cứu trước các địa điểm ăn uống có tiếng hoặc hỏi bạn bè là dân địa phương để không bị hớ. Nên đến những quán có nhiều xe khách dừng đỗ. Ẩm thực trong các chợ bản địa, chợ phiên cũng rất phong phú.