5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ di động không dây, với những đặc tính nổi bật như tốc độ cao, độ trễ thấp và khả năng kết nối nhiều thiết bị hơn so với các công nghệ trước đó, với hiệu suất từ 10-100 lần. Đặc biệt, tốc độ của 5G cao hơn rất nhiều so với 4G, với tốc độ lý thuyết có thể lên tới 10 Gbps. Trong thực tế, 5G mang lại cho người dùng tốc độ dưới 1 Gbps, tức là nhanh gấp 10 lần so với 4G.
Tại hội thảo diễn ra vào sáng 24/10 với chủ đề “Nền tảng công nghệ khai thác mạng lưới 5G Viettel, các ứng dụng và giải pháp kinh doanh mạng 5G tại Việt Nam”, Viettel - nhà mạng đầu tiên thương mại hóa 5G tại Việt Nam cho biết hiện nay, 5G Viettel đang hướng đến xây dựng một mạng 5G xanh, tiết kiệm năng lượng và bền vững.
Cụ thể, mạng 5G của Viettel có thể tiết kiệm 200 triệu Kwh điện mỗi năm, giúp giảm 50% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Ngoài ra, Viettel còn áp dụng các tính năng tiên tiến giúp giảm 70% điện năng tiêu thụ khi các trạm 5G hoạt động ở chế độ tải thấp. Đặc biệt, có thể đưa trạm 5G vào trạng thái ngủ đông, giúp tiết kiệm tới 95% điện năng.
Đồng thời, Viettel cũng rất chú trọng đến việc bảo mật thông tin. Để đảm bảo an toàn và an ninh, Viettel sử dụng các công nghệ mã hóa tiên tiến và thiết bị từ những nhà cung cấp đáng tin cậy.
Để sử dụng 5G, khách hàng cần đảm bảo 1 số yêu cầu sau: Là thuê bao của nhà mạng có cung cấp 5G, trong đó có Viettel; ở khu vực có sóng 5G; sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G, bật chế độ 5G trên điện thoại và sử dụng SIM từ 4G trở lên (không cần đổi SIM 5G).
“Với chiến lược của Viettel là ai ai cũng có thể dùng 5G nếu đảm bảo có máy 5G, trong vùng phủ 5G mà không cần đổi sim hay đăng ký gói cước; khách hàng hoàn toàn không mất thêm phí phát sinh”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom cho biết. Do đó, người dùng không bị trừ tiền khi dùng gói 4G nhưng bắt được sóng 5G.
Thực tế, “5G không tốn data hơn so với 4G nếu sử dụng các tác vụ và nội dung với cùng 1 chất lượng, đặc biệt các nhu cầu cơ bản như lướt facebook, xem youtube, xem tiktok, tải tài liệu… Khách hàng có cảm giác 5G tốn nhiều data hơn do được sử dụng chất lượng cao hơn so với 4G, đặc biệt khi sử dụng các nhu cầu mới cần tốc độ siêu nhanh mà 4G không đáp ứng, bao gồm: xem video livestream 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR có độ phân giải lớn…”, ông Sơn cho biết thêm.
Nhìn chung, 5G được ứng dụng trong 3 lĩnh vực chính, bao gồm: dịch vụ di động siêu băng rộng, dịch vụ độ trễ thấp và thời gian thực, dịch vụ IoT. Mạng 5G được thiết kế có khả năng hỗ trợ linh hoạt các dịch vụ mới trong tương lai.
Với dịch vụ di động siêu băng rộng, ngoài việc cải thiện dịch vụ trên Smartphone, 5G mở ra trải nghiệm nhập vai mới trên VR/AR với tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và chi phí phải trả cho mỗi GB thấp hơn; xem video chất lượng 4K/8K không gián đoạn, giật lag.
Bên cạnh đó, dịch vụ độ trễ thấp, 5G hỗ trợ các dịch vụ với độ tin cậy và bảo mật cao, độ trễ thấp, điều khiển từ xa đối với ngành vận tải, cơ khí, y tế, hạ tầng trọng yếu…. Và dịch vụ IoT, 5G có khả năng kết nối liền mạch một số lượng lớn các thiết bị, tùy chỉnh theo tốc độ data, tính di động và các tài nguồn khác, qua đó cung cấp giải pháp kết nối hiệu quả.