Làm sao để vay được 700 triệu?
Tôi lấy chồng từ đầu năm 2018, một năm sau tôi mang bầu, và nuôi ước mong sớm mua được một căn hộ nhỏ trước khi con chào đời. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm sau nhiều năm chỉ được 250 triệu đồng, nên ước mơ về một căn hộ có vẻ xa tầm tay. Tôi đem khát khao của mình kể với chị đồng nghiệp thì chị khuyên bảo: "Ngày xưa chị có 50 triệu đồng, vẫn vay tiền đi mua căn hộ.
Em có số tiền 250 triệu không hẳn ít, nên quyết tâm "gọi sự trợ giúp từ người thân" để mua nhà ngay đi, vì giá nhà chỉ tăng lên mà không hạ xuống". Một người anh đồng nghiệp khác cũng thúc giục, "hồi vợ chồng anh mua nhà cũng chỉ 200 triệu, cố lên em gái, anh tin em làm được". Không chỉ là lời động viên, hai anh chị dạy tôi phương án mua nhà mà không có tiền thì... cách duy nhất là "mặt dày" soạn một danh sách đi mượn nợ người thân, bạn bè, rồi tìm cách tăng thu nhập trả nợ sau.
Để tạo động lực cho tôi mua nhà, chị đồng nghiệp đã cho tôi mượn 100 triệu đồng với lộ trình trả góp không lãi trong 3 năm. Còn anh đồng nghiệp nọ cũng cho tôi mượn 10 triệu, với lời hẹn, cầm đi khi nào có thì trả sau. Thừa thắng xông lên, tôi xin bố mẹ ở quê thế chấp sổ đỏ, vay 200 triệu đồng, số tiền còn lại, tôi đi vận động người thân cho mượn nợ từ mẹ đẻ, đến anh chị em ruột, bạn bè, đồng nghiệp. Tổng tiền nợ là 700 triệu đồng, trong đó có khoảng 200 triệu đồng vay từ bạn bè với yêu cầu "phải trả bất cứ lúc nào bạn cần".
Nhờ sự động viên từ mọi người, đôi vợ chồng trẻ vay mượn để mua được căn hộ rộng 50m2 tại Q.12, Tp.HCM
Do số tiền ít ỏi, nên chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Nhiều lần đi xem nhà, nhưng giá tiền ngoài tay với. Chúng tôi quyết định mua căn hộ đã sử dụng 7 năm, rộng 50m2, ở quận 12 với giá hơn 1 tỷ đồng. Ngày 9/9/2019 là một ngày đặc biệt khi chúng tôi chính thức dọn vào căn hộ của chính mình.
Đêm đó, 2 vợ chồng không thể ngủ được vì quá vui, sau bao cố gắng chắp vá một danh sách dài "đi mượn", chúng tôi mới sở hữu một mái ấm của riêng mình. Do không có tiền trang trí nội thất, nên vợ chồng lại tiếp tục nhận "quyên góp" từ bạn bè, người tặng sofa, người tặng máy nóng lạnh và…Tôi liều lĩnh đến mức dồn hết đồng tiền cuối cùng để mua nhà, không còn tiền dự phòng để sinh nở. Chỉ một tháng sau khi về nhà mới, tôi sinh con đầu lòng, hoàn thành "mục tiêu kép" bao lâu ấp ủ.
Áp lực nuôi con nhỏ, trả tiền vay ngân hàng mùa dịch
Để tiết kiệm chi phí, tôi chỉ có thể đi xin đồ cũ từ bạn bè, giỏ đồ đi sinh được hội bạn thân tặng, sử dụng thẻ BHYT, nên chi phí đi sinh tại bệnh viện công lập của tôi chỉ loanh quanh chưa tới 2 triệu đồng. Tôi nhận ra, mua nhà rất đơn giản, nhưng trả nợ là một câu chuyện dài và đầy rẫy áp lực. Chúng tôi phân công rõ rệt, lương của chồng lo trả nợ, lương vợ lo chi tiêu gia đình.
Trước khi mua nhà tôi đã tính sẵn bài toán thu nhập/trả lãi, nhưng khi con chào đời, tôi nhận ra bài toán có quá nhiều sai số. Tiền phát sinh tăng lên theo cấp số nhân. Áp lực lớn nhất có lẽ từ việc cháu bé sinh bị dị ứng đạm sữa bò, phải sử dụng loại sữa chuyên dụng cho trẻ dị ứng nhập khẩu, vô cùng đắt đỏ. Khó khăn nối tiếp nhau, khi hết chế độ thai sản, mẹ ruột chỉ vào thành phố trông hộ cháu ngoại 2 tháng, sau đó bà phải về quê lo công chuyện. Vợ chồng tôi phải thuê người trông trẻ. Mỗi tháng khi vừa lĩnh lương, tài khoản tôi đã cạn chỉ mới trả tiền sữa, tiền thuốc, tiền giúp việc đã bay mất 15-20 triệu đồng. Áp lực tiền bạc và vô số lần đòi nợ bất chợt khiến tôi "choáng váng" và từng rơi vào stress.
Để tiết kiệm chi phí, dồn tiền mua nhà, tôi chỉ có thể đi xin đồ cũ từ bạn bè, giỏ đồ đi sinh được hội bạn thân tặng
Tôi nảy ý định bán nhà trả nợ để giải phóng bản thân sau gần 1 năm sở hữu. Nếu như ý định mua nhà cần chuẩn bị 8 tháng trời, thì việc bán nhà tôi quyết định trong vòng một ngày. Tôi lên mạng đăng cần bán gấp căn hộ, mức giá chỉ chênh với giá mua ban đầu 100 triệu đồng, với mục tiêu bán thật nhanh để quẳng gánh lo đi. Chỉ sau 1 ngày đăng tải, đã có khách kéo đến mua và đòi đặt cọc ngay.
Khi ấy, tôi phải chạy vào nhà vệ sinh để khóc, cảm giác như mình sắp bị đuổi ra khỏi nhà. Rửa trôi đi nước mắt, tôi điềm tĩnh quay ra tiếp chuyện cùng khách mua rồi biện lý do chưa nhận đặt cọc liền vì chồng công tác xa, nếu thu xếp được ngày về ký giấy tờ sẽ thông báo ngày nhận cọc sau. Đêm đó, lại là một đêm tôi khó ngủ, đầu óc tôi trống rỗng, vừa mừng vừa nuối tiếc công sức, kỷ niệm với căn nhà yêu dấu. Sau một đêm đấu tranh tư tưởng, tôi thay đổi suy nghĩ, và nhận ra mình quá yêu căn hộ bé nhỏ nên bất kỳ khó khăn nào cũng sẽ cố gắng vượt qua.
Thấm thoắt, đã gần 2 năm trôi qua, tôi mua nhà cùng với thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài, thu nhập của tôi giảm đi ¾. Đổi lại, công việc của chồng tôi cũng thuận lợi hơn, anh tăng ca liên tục ở công trình để gánh gồng trả nợ. Chấp nhận sống xa vợ con đằng đẵng nên chồng có thêm những khoản trợ cấp, khoản thưởng nóng từ tập đoàn, vì thế tài chính gia đình may mắn vẫn giữ được mức ổn định.
Tuy nhiên, khác với nguồn vay từ ngân hàng trả lãi ổn định, những ai "vay nóng" nguồn tiền từ người thân và bạn bè với " thỏa thuận" trả tiền ngay khi họ cần sẽ chịu áp lực gấp bội. Chuyện trả tiền cho "chủ nợ" nào trước cũng khiến tôi phải chau mày, bởi ai ai cũng cần tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, những người trẻ "liều mình" mua nhà như chúng tôi rơi vào bế tắc, khó khăn. Nhiều người bạn tôi quen biết đã tạm hoãn ý định mua nhà, hoặc chuyển nhượng dự án mua nhà trả góp.
Vì quá áp lực, đã có lúc tôi nảy ý định bán nhà trả nợ để giải phóng bản thân sau gần 1 năm sở hữu
Trải qua với nhiều sóng gió từ việc con ốm, công việc giảm thu nhập vì đại dịch Covid-19, tôi đúc kết được kinh nghiệm cho mình, thời điểm mua nhà chúng tôi đã không dự trù được những bất trắc ấy. Chính vì thế, dù thu nhập vẫn ở mức ổn định, nhưng chúng tôi cũng "lao đao" khi liều lĩnh mua nhà với đồng vốn ít ỏi. Theo tôi, vợ chồng trẻ, thu nhập thấp nên chọn thời điểm mua nhà trước hoặc sau khi sinh con khoảng 3-5 năm.
Nếu chọn "mục tiêu kép" vừa mua nhà vừa sinh con như vợ chồng tôi sẽ rất vất vả. Có thời điểm con tôi nằm viện gần 1 tháng, cả hai vợ chồng cùng nghỉ để việc để chăm con, mất thu nhập mà ví tiền cứ cạn dần rồi...kiệt quệ. Sau cơn mưa, trời lại sáng, nền kinh tế sẽ phục hồi, tôi nghĩ chỉ cần cầm cự được trong 1-2 năm tới, thì việc trả nợ đối với vợ chồng tôi sẽ trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khoảng 2 năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kéo theo nền kinh tế Việt Nam phát triển. Khi đó, các dự án bất động sản tiếp tục phát triển, và nhiều người sẽ sẽ có thêm nguồn cung căn hộ phù hợp để tiếp tục nuôi ước mơ mua nhà trả góp.