CNN: Trung Quốc báo cáo thiếu hàng nghìn ca mắc Covid-19
Vào ngày 10/2, nhà chức trách Trung Quốc báo cáo xác nhận 2.478 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tính đến thời điểm đó lên hơn 40.000, trong khi số ca mắc bên ngoài Trung Quốc Đại lục vẫn chỉ dưới 400.
Tuy nhiên, CNN cho hay trong một báo cáo đề "tài liệu nội bộ, bảo mật", giới chức ngành y tế địa phương ở tỉnh Hồ Bắc - nơi virus corona SARS-Cov-2 được phát hiện đầu tiên - liệt kê danh sách 5.918 ca nhiễm ghi nhận ngày 10/2, gấp hơn hai lần so với số liệu công bố thực tế và các bệnh nhân được phân loại vào nhiều nhóm khác nhau.
Số liệu kể trên là một trong nhiều thông tin từ bộ tài liệu rò rỉ gồm 117 trang từ Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hồ Bắc, mà CNN cho biết họ được chia sẻ và đã xác thực.
Đây là số tài liệu rò rỉ lớn nhất từ Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc từ Mỹ cùng các nước phương Tây rằng Bắc Kinh cố tình che đậy thông tin liên quan đến virus, khẳng định nước này đã hành động nhanh chóng, minh bạch và có trách nhiệm kể từ giai đoạn đầu dịch bệnh.
Theo các tài liệu, quy trình xác nhận ca nhiễm tiến hành chậm khiến việc báo cáo thiếu số ca mắc trở nên nghiêm trọng hơn. Một trong số báo cáo cho thấy vào đầu tháng 3, khoảng thời gian trung bình từ khi một người xuất hiện triệu chứng cho đến khi có thể xác nhận nhiễm Covid-19 lên tới 23.3 ngày.
Virus SARS-Cov-2 được cho là đã xuất hiện tại "ổ dịch" ban đầu Vũ Hán từ tháng 12/2019 và tháng 1/2020, trước khi bùng phát thành dịch bệnh từ một chợ hải sản tại thành phố này.
Một ga tàu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Thành phố được dỡ bỏ phong tỏa vào tháng 4/2020 sau giai đoạn chống dịch (Ảnh: Liu Yan, CC BY-SA)
Giai đoạn đầu Covid-19 ở Trung Quốc trùng với dịch cúm bùng phát
Bộ dữ liệu không hoàn chỉnh - được rò rỉ tới CNN bởi một "người thổi còi" tự nhận là làm việc trong hệ thống y tế Trung Quốc - cung cấp số lượng lớn dữ liệu trong các ngày 10/2 và 7/3, hai mốc thời gian trong giai đoạn dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ra thế giới.
Đến ngày 7/3, giới chức y tế Trung Quốc dường như vẫn báo cáo số ca tử vong thấp hơn đáng kể so với thực tế. Tài liệu của CNN tiết lộ số ca tử vong ở tỉnh Hồ Bắc là 3.456, trong khi số liệu Bắc Kinh công bố là 2.986 trường hợp.
Tài liệu rò rỉ cũng hé lộ giai đoạn đầu của dịch Covid-19 diễn ra trùng với đợt bùng phát dịch cúm tại tỉnh Hồ Bắc, với số ca nhiễm cao hơn 20 lần so với năm trước. Dịch cúm được xác định bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 cùng các thành phố khác của tỉnh là Nghi Xương và Hàm Ninh.
Không có bằng chứng nào trong các tài liệu thể hiện các quan chức Trung Quốc tìm cách cố ý che giấu mức độ bùng phát thực tế của đại dịch. Tuy nhiên, những thông tin mới lộ ra sẽ "thêm dầu vào lửa" cho những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn cho rằng Trung Quốc tìm cách che đậy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu và để cho virus lây lan ra toàn cầu.
Báo cáo ngày 1/5/2020 của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho rằng giới chức lãnh đạo Trung Quốc "che giấu mức độ nghiêm trọng [của Covid-19] một cách cố ý]" hồi tháng 1. Báo cáo cũng cho rằng Bắc Kinh đã không kịp thời thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nhiều tuần vào tháng 1, khi virus corona lây lan ở mức cao, nhưng đồng thời gia tăng nhập khẩu đáng kể khẩu trang cùng áo choàng phẫu thuật dùng trong điều trị bệnh nhân lây nhiễm.
Bắc Kinh bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên, chỉ trích đây là "sự phỉ báng có toan tính" từ Washington.Tình báo Mỹ hồi tháng 8 báo cáo rằng việc Trung Quốc phản ứng chậm với đại dịch cũng có thể là hệ quả của cơ chế trao đổi thông tin nghèo nàn giữa các quan chức.
Tờ New York Times dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ, nói rằng giới chức y tế địa phương tại Vũ Hán đã cố ý báo cáo giảm nhẹ về tình hình dịch cho cấp trên tại Bắc Kinh bởi lo sợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus