Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu: Đưa những gì từng "Vang Bóng Một Thời" trở lại ánh sáng hoàng kim

Tô Lệ Trân | 17-04-2022 - 20:06 PM

(Tổ Quốc) - Chuyển thể kiệt tác văn học thành kịch diễn trên sân khấu đòi hỏi sự chắc tay của đạo diễn, biên kịch để giữ trọn "hồn cốt" tác phẩm, nhưng cũng cần nét "phiêu" và sáng tạo vượt bậc khi biến con chữ thành hình, sắc, âm hưởng. Như vậy, tác phẩm mới đủ lắng đọng trong lòng người, và "sống lại" một lần nữa trong tâm trí khán giả nhiều thế hệ.


Tác phẩm văn học: Khai phá "ngọc" cũng lắm công phu!

Cổ nhân có câu: "Ngọc càng mài càng sáng", ý chỉ những gì có giá trị, càng được mài giũa càng thêm phần sáng rực rỡ, bởi cốt cách, khí chất sẵn có. Câu nói này phần nào đúng với những gì đã, đang diễn ra trong lĩnh vực sân khấu. Trong hàng chục năm trở lại đây, câu chuyện "thổi hồn" vào các tác phẩm nghệ thuật là xu hướng của thời đại và được nhiều đơn vị nghệ thuật triển khai, thậm chí thử nghiệm nhiều ý tưởng mang tính đột phá nhằm đưa "ngọc sáng" tiếp cận tới công chúng, đặc biệt là người trẻ.

Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu: Đưa những gì từng Vang Bóng Một Thời trở lại ánh sáng hoàng kim - Ảnh 1.

Kiệt tác Vang Bóng Một Thời của nhà văn Nguyễn Tuân được chuyển thể đưa lên sân khấu kịch.

Nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu", tạo tác "ngọc sáng" càng cần sự chỉn chu, tỉ mỉ, tinh kỳ gấp bội. Thực tế cho thấy, các tác phẩm văn học sở hữu cốt truyện vốn đã hấp dẫn, kịch tính, đã được công nhận với kết cấu vững chắc, văn phong sắc nét và đặc biệt thân quen với công chúng từ lâu.

Tuy nhiên, khai phá "mỏ ngọc" này chưa từng là việc đơn giản, dễ dàng. Nếu như những áng văn gây ấn tượng mạnh mẽ bằng ngôn từ thì trên sân khấu kịch, lời thoại cần cô đọng hơn, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với yếu tố thị giác và âm thanh. Lẽ đương nhiên, biên kịch không thể nào đưa toàn bộ tác phẩm lên sân khấu mà cần có bước chuyển thể, cân đối sao cho vừa giữ được tinh tuý, của bản gốc, lại vừa phù hợp với thời lượng của một vở kịch, dành "đất diễn" cho những cử chỉ, hành động, diễn biến "bất thành văn", những mảng miếng đặc thù. Đơn vị chuyển thể càng phải tránh sa đà vào việc lồng ghép ý tưởng chủ quan, chạy theo trào lưu, làm mất đi "linh khí, hồn cốt" của ngọc, tránh trả cho khán giả những "viên đá thô" không còn giá trị.

Sân Khấu Lệ Ngọc: Dày công vì tâm huyết lưu giữ "kho báu" cho nhiều thế hệ

Ngay từ khi phát triển với mô hình sân khấu "xã hội hóa", Sân Khấu Lệ Ngọc đã chọn một lối đi riêng không trải hoa hồng khi tự đứng trên đôi chân của mình, giới thiệu tới khán giả những tác phẩm có sức nặng cả về chất lượng lẫn tầm vóc, quy mô. Kế thừa tinh thần lao vào chỗ khó, để "ló" cái hay, đội ngũ Sân Khấu Lệ Ngọc chọn khai thác những kiệt tác văn học nghệ thuật trong kho tàng đồ sộ của Việt Nam, từ đó mang tới cho công chúng những giờ phút thăng hoa, khóc cười cùng tác phẩm.

Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu: Đưa những gì từng Vang Bóng Một Thời trở lại ánh sáng hoàng kim - Ảnh 2.

Trong 2 năm đại dịch "càn quét" (2020, 2021) và tới nay 2022, Sân Khấu Lệ Ngọc đã và đang thể hiện sức mạnh nội lực đáng nể khi liên tục ra vở, "sáng đèn", bất chấp những khó khăn từ duy trì đoàn, nhân sự tới chuẩn bị địa điểm, tổ chức sản xuất, thu hút người xem… Đặc biệt, sân khấu xã hội hóa hàng đầu này đã giới thiệu 3 vở kịch chuyển thể từ danh tác nổi tiếng của nền văn học Việt Nam: Thị Nở - Chí Phèo (từ tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao), Dế Mèn (từ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký) và Vang Bóng Một Thời (từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân).

Với mỗi một tác phẩm, Sân Khấu Lệ Ngọc tìm được lối đi riêng để cân bằng giữa văn học và kịch nghệ, giữa những bối cảnh thời đại khác nhau, để chạm tới trái tim của người xem mà không đánh mất tinh thần của bản gốc.

Cụ thể, vở Thị Nở - Chí Phèo làm thổn thức tâm can khán giả từ Bắc chí Nam bởi lối thể hiện đặc sắc, kết nối hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, nhân vật Thị Nở được đẩy lên thành một trong hai tuyến chính, khắc họa sắc nét không chỉ thân phận của người nông dân Bắc Bộ mà cả tâm sự của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Thị Nở có thêm nhiều "đất diễn" và được thể hiện đầy ấn tượng với phần nhập vai của NSND Lệ Ngọc. Cụ thể, NSND thể hiện cùng lúc hai vai hoàn toàn đối lập: Thị Nở ngây ngô nhưng đầy thiên lương, và bà Ba - đại diện cho tầng lớp áp bức, bóc lột, sống tha hóa và là nguồn cơn của những đau khổ. Với nét diễn cuốn hút, khắc họa rõ hiện thực xã hội và vẫn mang hơi thở thời đại, Thị Nở - Chí Phèo đã chinh phục không chỉ khán giả Việt Nam mà còn vượt ra ngoài biên giới, và từng "xuất ngoại" đến Pháp, Ý, Hàn Quốc…

Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu: Đưa những gì từng Vang Bóng Một Thời trở lại ánh sáng hoàng kim - Ảnh 3.

Thị Nở - Chí Phèo, chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Trong khi đó, Dế Mèn của Sân Khấu Lệ Ngọc "thổi hồn" vào kịch bản thân quen với mọi thế hệ thông qua thể nghiệm với hình thức múa rối trên sân khấu kịch. Ở đó, các nhân vật thân thương trong tiềm thức tuổi thơ xuất hiện và đưa khán giả qua mọi tầng bậc cảm xúc: háo hức trước những chuyến phiêu lưu khám phá thế giới rộng lớn, bao la; hào hùng, sảng khoái của những "anh hùng nhí": Dế Mèn, Dế Trũi trên hành trình trưởng thành. Xúc cảm sâu sắc được đẩy cao, tới nhiều chiều kích khác nhau khi biên kịch khéo léo đưa vào tác phẩm hình ảnh mẹ Dế Mèn, từ đó nhấn mạnh thông điệp về tình mẫu tử vô bờ, đủ chạm tới tâm can mọi người.

Chuyển thể tác phẩm văn học lên sân khấu: Đưa những gì từng Vang Bóng Một Thời trở lại ánh sáng hoàng kim - Ảnh 4.

Những kiệt tác văn học được Sân Khấu Lệ Ngọc chuyển thể thành những vở kịch thành công, lay động lòng người.

Đặc biệt, đầu năm 2022 vừa qua, Sân Khấu Lệ Ngọc đã tạo ra một hiện tượng trong nền kịch nghệ Việt Nam khi chuyển thể kiệt tác Vang Bóng Một Thời của nhà văn Nguyễn Tuân. Lựa chọn 3 truyện ngắn Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất và Chữ người tử tù, tác phẩm được trau chuốt tinh kỳ, lay động lòng người với triết lý về cái đẹp và thiên lương. Đặc biệt, lời văn của nhà văn Nguyễn Tuân - từng được đánh giá là "những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc sắc sảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ" (Tạ Tỵ) - được gìn giữ, trân quý trong thoại kịch, giữ được trọn vẹn "tinh thần Nguyễn Tuân" không thể nào trộn lẫn.

Xuyên suốt tác phẩm, NSƯT Bùi Như Lai và ê kíp Sân Khấu Lệ Ngọc cũng đã tìm ra lối xử lý thông minh từ chọn lựa diễn viên tới thể hiện các tình tiết đắt giá thông qua sân khấu, phục trang, lời thoại, âm thanh, ánh sáng…

Tác phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả yêu kịch nghệ, đặc biệt, trong đó có cả những bạn trẻ. "Vở kịch giữ được tinh thần mà vẫn có sự sáng tạo", "tái hiện được hồn cốt, khí phách của trí sĩ yêu nước", "dựa trên truyện đã học từ cấp 3 nhưng sinh động hơn", thậm chí "hay nổi da gà" vì những giá trị nhân văn, sâu sắc. Đó chính là những lời tưởng thưởng xứng đáng cho một kiệt tác sinh ra từ kiệt tác, một viên "ngọc ẩn trong ngọc" phát lộ tinh hoa, tỏa sáng rực rỡ.

Cùng với Thị Nở - Chí Phèo, Dế Mèn, Vang Bóng Một Thời một lần nữa cho thấy rõ nét tinh thần của một đơn vị nghệ thuật tâm huyết, và hứa hẹn còn cho ra mắt nhiều kiệt tác chuyển thế làm nức lòng khán giả Việt Nam trong tương lai.

(Ảnh: fanpage Sân khấu Lệ Ngọc)


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM