Chuyện nhà hàng Sài Gòn đóng cửa thời Covid-19: Tụi em kiệt sức rồi, 400 nhân viên và gia đình họ rồi sẽ đi đâu…

Huỳnh Tịnh Hoài Nhân | 27-03-2020 - 11:01 AM

(Tổ Quốc) - Quyết định tạm ngừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club,... của TP.HCM đã khiến nhiều người mất đi miếng cơm, chốn ở và thậm chí cả gia tài. Nhưng chúng ta hãy cùng cố gắng, để chờ đợi ngày trở lại, mạnh mẽ hơn!

Theo quyết định của UBND TP.HCM, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP sẽ tạm dừng hoạt động kể từ 18h ngày 24/3 đến hết 31/3, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch.

Sau quyết định này, các nhà hàng, vốn đã hoạt động cầm chừng, "thoi thóp" vì vắng khách, nay không còn lựa chọn nào khác, buộc phải tạm đóng cửa. Đối với nhiều doanh nhân, gia tài tích góp cả đời nay có nguy cơ mất trắng. Còn với nhiều người lao động, đó là nỗi lo miếng cơm, chốn ở qua từng ngày.

Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ lại bài viết của chị Huỳnh Tịnh Hoài Nhân, một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, hy vọng đưa đến góc nhìn chân thực tới độc giả.


Mấy hôm trước, gần nửa đêm em mình về tới nhà, nó ngồi gục xuống dưới chân cầu thang: "Tụi em kiệt sức rồi, giờ ở nhà hàng không còn ai cười với khách nữa, trừ em". Nói xong câu đó, nó nhăn mặt và bật khóc.

Em mình nằm trong ban quản lý một nhà hàng ở Quận 1, cái nhà hàng "gánh team" cho một chuỗi 7 quán. Khách giảm còn 20-30% mùa dịch, mỗi tháng qua, chuỗi nhà hàng bay sạch ít nhất hơn mười mấy tỷ. Mỗi ngày, em mình phải làm một công việc mà nó bảo là nặng nề hơn tất thảy mọi nhiệm vụ nó từng phải làm: Là ra quyết định nghỉ việc cho các nhân viên và báo tin đó với từng người. Trong đó có nhiều người từng là đồng đội gắn bó với nó, có những người làm ở nhà hàng cả chục năm. Để tự nguyện nghỉ thì mọi người buồn bã câm lặng. Chọn ai cho nghỉ trước, cũng là một cái gì đó gây tổn thương ngấm ngầm khó nói.

Mỗi ngày đi làm với nó là một cuộc chiến với những con số từng đồng ra vô, những cuộc họp nóng liên tục, với đủ mọi cách để nỗ lực làm khách hàng yên tâm phần nào, và tính toán con số thiệt hại (bên cạnh những quyết định sa thải). Có những cái ngày đến nhân viên lau dọn vệ sinh cũng nghỉ, không khí như tê liệt. Nó và trưởng ban quản lý của nó, một người bước lên đi dọn hồ cá, một người bước vào dọn nhà vệ sinh, khi không còn đủ sức mở miệng kêu gọi tinh thần của nhân viên phục vụ nữa.

Hôm đó mình động viên bảo, thôi lỡ thất nghiệp vài tháng thì về với chị, chị lo hết cho (mình nói cứng thôi, chứ ngày thường mình đòi nợ nó rất đều...). Rồi với tinh thần vô sản cực đoan "không đứng về phe nhà giàu", mình bảo chủ nhà hàng người ta chắc là vốn lớn, hết cái này người ta làm cái khác không sao đâu... Với dịch bệnh thế này thậm chí nên dừng quán luôn cho an toàn. 

Nó bảo, em cũng biết vậy nhưng tình thế rất khó, tụi em phải ráng cầm cự. Vấn đề không phải là chỉ chuyện của riêng em thất nghiệp hay tiền của chủ đầu tư. Cả chuỗi nhà hàng hơn 400 người, đa phần là dân lao động, nếu đóng cửa luôn, là bao nhiêu gia đình đằng sau, tiền ăn tiền trọ của họ mỗi ngày, rồi người ta đi đâu? Ráng được chút nào hay chút nấy, trang trải được người nào thì đỡ cho người nấy.

(Mà chuỗi nhà hàng cũng là tích cóp tài sản cả đời của chị chủ, chị đang khủng hoảng vì cú sốc này, nó giải thích với mình như vậy)

Chuyện nhà hàng Sài Gòn đóng cửa thời Covid-19: Tụi em kiệt sức rồi, 400 nhân viên và gia đình họ rồi sẽ đi đâu… - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chiều tối hôm qua, có tin chính thức các nhà hàng phải đóng cửa khẩn cấp. Coi như đã có câu trả lời cho câu hỏi đó, nó bảo mình: Nhiều người sẽ về quê, vì làm gì còn tiền mà ở trọ, ăn uống ở đây vài tháng nữa.

Nói AQ như mình, thôi coi như mọi người đỡ phải căng mình chống chọi nữa, có thể về nhà. Coi như em mình sẽ dừng được chuỗi ngày gầy rộc phờ phạc tái xám mỗi nửa đêm về đến chân cầu thang. Nó không còn phải dựa vai mình, mắt đỏ hoe và bảo: "Em mệt lắm, em muốn được về nhà, mà em không làm được, không thể bỏ nhà hàng...". (Tết vừa rồi nó vốn không hề được ăn Tết ở nhà)

Có điều, những chuyến về nhà này của nhiều nhân viên nó không có gì yên ả (hãy nhớ tới những cánh đồng hạn mặn kiệt cùng của miền Tây lúc này), sự dừng lại này của nó không có mấy thanh thản. Nó đã luôn tâm huyết với nhà hàng hơn vai trò của một kẻ làm công ăn lương rất nhiều.

Với nhiều người, một đợt "lockdown" có thể là cơ hội để mọi người cảm nhận sự bình yên, "tập trung vào những điều quan trọng hơn của đời mình": đọc sách, học đàn, ngồi thiền, nấu ăn, chăm sóc gia đình, đọc các bài luận tuyệt vời của Yuval Noah Harari... Nhưng xin đừng đánh giá thấp những lớp người hoảng loạn lo buồn "thiếu an yên" ngoài kia. Đôi khi những điều quan trọng với họ, chỉ là có đủ tiền thuê trọ tháng này, có đủ tiền lo ăn uống cho gia đình vài ngày tới, kịp hạn trả nợ tiền lãi chợ đen... Chúng ta có thể tranh thủ thời gian để chăm sóc những thứ nhu cầu thượng tầng, là chúng ta đang may mắn hơn mà thôi. Xin hãy trân trọng.

Và chắc là cũng với tinh thần xét lại của Yuval Noah Harari, rất nhiều thứ thuộc về hệ thống này có lẽ cần phải đổi thay. Có điều chúng ta hãy còn quá ít hiểu biết và yếu ớt trước biến cố dạng này.

Chuyện nhà hàng Sài Gòn đóng cửa thời Covid-19: Tụi em kiệt sức rồi, 400 nhân viên và gia đình họ rồi sẽ đi đâu… - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngày trước là Vũ Hán cố lên, Hà Nội cố lên, Bình Thuận cố lên, giờ sẽ là Sài Gòn cố lên - Các y bác sĩ, các tình nguyện viên đang chiến đấu, các nhà quản lý chính quyền nơm nớp với những con số, các chủ doanh nghiệp đang mất ngủ, và những người lao động mất việc, những kẻ không nhà, hay đơn giản là những thanh niên nhập cư như chúng ta, bỗng chốc lang thang cả buổi để kiếm một chỗ ăn vì ở trọ không biết nấu nướng thế nào… và chợt có thể thấm hơn một chút cái thế bơ vơ mơ hồ của tuổi trẻ tha hương những ngày loài người biến động.

Em chị cố lên! Chúng ta cố lên! Chúng ta còn đây sinh mệnh!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM