Chuyện lạ mà có thật: Các nhà khoa học từng dùng đỉa để dự báo thời tiết?

Thiên Long | 14-02-2020 - 21:20 PM

(Tổ Quốc) - Trong những năm 1800, các nhà khoa học đã sử dụng những con đỉa đặt trong một lọ thủy tinh để dự đoán thời tiết trong ngày.

Ngày xưa, con người có rất nhiều cách khác nhau để dự báo thời tiết trong ngày dựa vào những đặc điểm của tự nhiên, bao gồm các loài thực vật, động vật, côn trùng,…Do đây là những thứ khá nhạy cảm với thời tiết nên có thể dự báo sớm về những hiện tượng sắp xảy ra. Ví dụ khi ếch kêu to hay chim bay theo đàn về tổ là có dấu hiệu giông sắp tới.

Chuyện lạ mà có thật: Các nhà khoa học từng dùng đỉa để dự báo thời tiết? - Ảnh 1.

Thậm chí vào những năm 1800, người ta còn sử dụng cả đỉa để dự báo thời tiết trong ngày. Tiến sĩ George Merryweather, một bác sĩ người Anh sống ở thế kỷ 19 chính là người đã tìm ra cách dự báo thú vị này.

Do là một bác sỹ nên Merryweather có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loài sinh vật, trong đó có đỉa. Và sau một thời gian quan sát loài đỉa, Merryweather nhận ra rằng, những con đỉa cũng thay đổi "lối sống" dựa theo thời tiết.

Cụ thể khi thời tiết bình thường, ví dụ như ngày nắng, những con đỉa sẽ chỉ ở dưới đáy một lọ thủy tinh. Nhưng chỉ vài giờ trước khi có một cơn giông ập tới, những con đỉa lập tức ngoi lên khỏi mặt nước và bắt đầu bị kích động. Chúng thậm chí còn cuộn mình thành những quả bóng và cứ như thế sau khi cảm nhận thấy cơn giông qua đi. Sau khi trải qua khoảng thời gian sóng gió, những con đĩa sẽ lại duỗi mình ra và thư giãn.

Chính phản xạ nhanh như một chiếc máy tính của những con đỉa đã mang đến những ý tưởng cho Merryweather. Ông đã chế tạo một thiết bị có tên "Atmospheric Electromagnetic Telegraph conducted by Animal Instinct", tạm hiểu là một thiết bị dự báo thời tiết dựa vào động vật. Nó có khả năng dự báo sớm những cơn bão và nhiều hiện tượng thời tiết khác.

Thiết bị dự báo thời tiết này được tạo thành từ 12 chai thủy tinh, mỗi chai có một con đỉa sống bên trong và nước được đổ cao khoảng 4cm. Ở cổ chai có gắn một phiến sừng hàm cá voi. Phiến sừng được gắn với một cây búa nhỏ có nhiệm vụ gõ vào chuông kim loại để cảnh báo.

Chuyện lạ mà có thật: Các nhà khoa học từng dùng đỉa để dự báo thời tiết? - Ảnh 2.

Khi phát hiện sớm có giông bão, những con đỉa sẽ di chuyển khỏi mặt nước và trèo lên miệng chai. Tuy nhiên chúng sẽ bị chặn lại ở cổ chai. Mặc dù vậy khi những con đỉa vùng vẫy để thoát khỏi chai, chúng có thể đẩy phiến sừng bật ra và tạo ra tiếng chuông. Merryweather có thể dựa vào số tiếng chuông vang lên liên tiếp để tiên lượng về cơn bão.

Bác sỹ người Anh mất khoảng 1 năm để hoàn thiện thiết bị và gửi thư cho Hiệp hội Triết học để giới thiệu chiếc máy dự báo thời tiết bằng đỉa. Ông thậm chí còn vận động các nhà cầm quyền sử dụng thiết bị trên trong các chuyến đi biển.

Thật đáng tiếc khi đó, Vương quốc Anh đã sử dụng phát minh có tên "storm glass", một dụng cụ khí tượng dùng loại dung dịch đặc biệt để dự báo thời tiết từng được giới thiệu vào năm 1750 thay vì máy dự báo thời tiết bằng đỉa của Merryweather.

Chuyện lạ mà có thật: Các nhà khoa học từng dùng đỉa để dự báo thời tiết? - Ảnh 3.

Thiết bị dự báo thời iteets bằng đỉa được trưng bày tại một viện bảo tàng tại Anh

Kể từ đó tới nay, công trình của Merryweather đã trôi vào dĩ vãng. Hiện tại vẫn có một bản sao chiếc máy dự báo thời tiết bằng đỉa được trưng bày tại Bảo tàng thị trấn Whitby ở Vương quốc Anh.

Tham khảo Interesting Engineering

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM