Ừ thì, ai chẳng có lúc phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Mà khi dùng, có lẽ ai cũng đều tỏ ra rất cẩn trọng, từ việc lau bệ ngồi, kiểm tra đủ giấy hay vòi xịt không, rồi xem có... vật thể lạ ở đó không nữa.
Nhưng rủi ro khi dùng nhà vệ sinh công cộng không chỉ có vậy đâu. Theo một nghiên cứu mới đây, ngay cả việc giật nước thôi cũng mang theo một sự thật rất kinh khủng: các giọt nước khi đó sẽ bắn lên rất nhiều (và rất xa nữa), đồng thời có nguy cơ mang theo hàng loạt vi khuẩn và mầm bệnh.
Bạn biết đấy, các mầm bệnh thường rất dễ ẩn náu trong chất lỏng - từ nước đọng, nước tiểu, phân cho đến các bãi nôn. Trùng hợp thay, đó đều là những hành động có thể làm trong nhà vệ sinh. Và theo như mô hình nghiên cứu mới thì khi giật nước để tống khứ những thứ đó, các giọt bắn mang theo vi khuẩn có thể phát tán xa tới hàng mét vào không khí xung quanh.
Mầm bệnh trong các dịch lỏng này cũng rất đa dạng - từ Ebola, khuẩn gây ngộ độc, thậm chí có nghiên cứu còn xác nhận Covid-19 cũng tồn tại trong đó.
Để có được thành quả này, nhóm nghiên cứu từ ĐH Florida Atlantic (Mỹ) đã đặt một số máy đếm hạt ở các độ cao khác nhau xung quanh bệ toilet của một nhà vệ sinh công cộng. Mật độ khí dung (aerosol) của nước thải sẽ được tính trước và sau thí nghiệm.
"Sau khoảng 3h xét nghiệm với hơn 100 lần xả nước, chúng tôi xác định được mật độ aerosol tăng đáng kể, với số giọt bắn được tính lên đến hàng vạn," - trích lời Siddhartha Verma, giáo sư cơ khí từ ĐH Florida Atlantic.
Theo kết quả tính toán, các giọt bắn có thể bật lên cao đến 109cm trên bệ ngồi toilet, và 69cm quanh bệ tiểu đứng, đồng thời sẽ ở trong không khí khoảng 20s. Kích cỡ các giọt bắn khác biệt qua từng lần xả, dao động từ 0,3 - 3 micromet.
Các chuyên gia cho biết có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng giọt bắn ra qua mỗi lần xả nước, như áp lực nước trong toilet, thiết kế của bệ ngồi, lực xả nước... Việc đóng bệ ngồi xuống trước khi xả nước có thể phần nào ngăn được giọt bắn nhưng không nhiều, vì khí dung vẫn lọt qua được các khe hở.
"Do có kích cỡ nhỏ, những giọt bắn này có thể lơ lửng trong thời gian khá dài," - Verma cho biết thêm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đây là một trong những vấn đề đáng để lưu tâm. Bởi lẽ, các WC công cộng thường nhỏ, thông khí kém và khá nhiều người sử dụng, cộng thêm khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 ở môi trường trong nhà là khá hiệu quả. Dù chưa có bằng chứng nào về khả năng lây Covid-19 từ toilet, rủi ro là vẫn có - ít nhất là về mặt lý thuyết.
Theo các chuyên gia, cách để giải quyết câu chuyện này là cải thiện khả năng thông khí trong toilet công cộng. Đây cũng là giải pháp nên được áp dụng cho các tòa nhà lớn hiện nay. Nhưng nhìn chung thì với kết quả nghiên cứu này, nếu có phải sử dụng toilet công cộng thì hãy cố gắng làm thật nhanh rồi rời khỏi đó càng sớm càng tốt - Verma cảnh báo.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physics of Fluids.
Nguồn: Science Alert