Ngày hôm qua, Đan Mạch đã công bố trường hợp đầu tiên, Bồ Đào Nha đã điều chỉnh con số tổng số người nhiễm bệnh lên 37 trường hợp, Ý báo cáo thêm một trường hợp nhiễm và Anh thêm 37 trường hợp nữa.
Các quan chức y tế Hoa Kỳ cho biết nước này đã ghi nhận một trường hợp được xác nhận mắc đậu mùa khỉ ở bang Massachusetts, và 4 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh (2 trường hợp ở Utah, 1 ở Florida và 1 ở thành phố New York).
Trong khi đó, quan chức y tế cấp cao của Madrid cho biết thủ đô Tây Ban Nha có 30 trường hợp được xác nhận nhiễm đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ lây lan mạnh qua đường tình dục?
Tiến sĩ David Heymann, người trước đây đứng đầu Bộ phận Cấp cứu của WHO trả lời phỏng vấn tờ Associated Press (AP) rằng lý thuyết hàng đầu để giải thích cho sự lây lan của căn bệnh đậu mùa khỉ là sự lây truyền qua đường tình dục tại các bữa tiệc được tổ chức ở Tây Ban Nha và Bỉ.
Ông Heymann cho biết: "Chúng tôi biết bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây lan khi tiếp xúc gần với vết thương của người bị nhiễm bệnh và có vẻ như quan hệ tình dục đã khuếch đại sự lây truyền đó.
Điều đó đánh dấu một sự khác biệt đáng kể so với mô hình lây lan điển hình của căn bệnh này ở Trung và Tây Phi, nơi con người chủ yếu bị lây nhiễm bởi các loài động vật như động vật gặm nhấm và linh trưởng hoang dã và dịch bệnh chưa tràn qua biên giới".
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở Châu Âu là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Các nhà chức trách ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho biết đa số các trường hợp được xác định cho đến nay là ở nam thanh niên bị nhiễm trùng được phát hiện khi đi khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục.
Cận cảnh các tổn thương đậu mùa khỉ trên tay của một bệnh nhân ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Ông Heymann đưa ra giả thuyết: "Rất có thể ai đó đã bị nhiễm trùng, phát triển các tổn thương trên bộ phận sinh dục, bàn tay hoặc một nơi nào khác, sau đó lây lan sang người khác khi có quan hệ tình dục hoặc gần gũi, tiếp xúc cơ thể. Và sau đó là những sự kiện quốc tế đã gieo mầm cho sự bùng phát trên khắp thế giới, sang Hoa Kỳ và các nước Châu Âu khác".
Tại một phiên họp công khai hôm 23/5, các quan chức của WHO cho biết các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ được phát hiện dường như có liên quan đến một loại virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trong các trường hợp xuất khẩu từ Nigeria sang Anh, Israel và Singapore vào năm 2018 và 2019.
Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm nếu tiếp xúc gần người bệnh
Mike Skinner, nhà virus học tại Đại học Imperial London, cho biết: "Về bản chất, hoạt động tình dục liên quan đến tiếp xúc thân mật, hoạt động được cho là sẽ làm tăng khả năng lây truyền bệnh, bất kể khuynh hướng tình dục của một người và bất kể phương thức lây truyền".
Ngày 23/5 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu Andrea Ammon cho biết "khả năng lây lan virus khi tiếp xúc gần gũi, đặc biệt là khi có các hoạt động tình dục giữa những người có nhiều bạn tình sẽ cao hơn hẳn".
Tuy nhiên, WHO nhận định bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần với người bệnh, quần áo hoặc ga trải giường của họ. Các nhà khoa học cho biết sẽ rất khó để phân biệt được liệu sự lây lan có phải là do quan hệ tình dục hay chỉ đơn thuần là tiếp xúc gần gũi.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Theo CBS News, bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus được tìm thấy ở động vật hoang dã như loài gặm nhấm và khỉ. Khi nó lây nhiễm sang người, các triệu chứng bao gồm:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Nhức mỏi và đau nhức.
- Mệt mỏi.
- Sưng hạch bạch huyết.
Trong vòng vài ngày, phát ban điển hình phát triển, tiến triển thành các mụn nước nổi lên và đóng thành vảy. Bệnh thường kéo dài 2-4 tuần.
Dịch bệnh ''có thể được kiểm soát'', người mắc đều nhẹ
Các ca bệnh đậu mùa khỉ ở người được phát hiện cho đến nay đều ở tình trạng nhẹ, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Thông thường, virus gây sốt, ớn lạnh, phát ban và các tổn thương trên mặt hoặc bộ phận sinh dục. Hầu hết mọi người hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần nhập viện.
Thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa, một bệnh liên quan, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ và một số loại thuốc kháng virus đang được phát triển. Trong những năm gần đây, căn bệnh này đã gây tử vong lên đến 6% các trường hợp nhiễm trùng.
Ông Heymann đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp nhóm cố vấn của WHO về các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm vào hôm 20/5 để đánh giá sự bùng phát và cho biết không có bằng chứng cho thấy bệnh đậu mùa khỉ đã biến đổi thành một dạng truyền nhiễm khác.
WHO đã mô tả đợt bùng phát là "có thể kiểm soát được" và khẳng định không nên kỳ thị nhóm người bị nhiễm bệnh (nam giới có quan hệ đồng giới) bởi căn bệnh này có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai.
Ông Heymann cho biết thêm đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ có thể là một sự kiện ngẫu nhiên có thể được xác định từ một bệnh nhiễm trùng đơn lẻ. Bệnh đậu mùa khỉ trước đây đã không gây bùng phát rộng rãi bên ngoài Châu Phi, nơi nó là dịch bệnh lưu hành ở động vật.
Ông nhấn mạnh rằng căn bệnh này không có khả năng gây lây truyền trên diện rộng.
"Đây không phải là COVID, chúng ta cần làm chậm nó lại, nhưng nó không lây lan trong không khí và chúng ta có vắc xin để bảo vệ chống lại nó".
Ông Heymann nói thêm các nghiên cứu cần được tiến hành nhanh chóng để xác định xem bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan cho những người không có triệu chứng hay không và các quần thể có nguy cơ mắc bệnh nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ mình.
Nguồn: AP, CBS News