Theo điều tra gần đây nhất của Forsa thì có tới 55 % dân Đức giảm tiêu thụ thịt - để sống khoẻ hơn, thân thiện với môi trường hơn và bền vững hơn. Bild: REUTERS
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Làm ăn cẩu thả ở các lò mổ, sự bùng phát-virus corona, mầm bệnh trong thịt cốt lét – ngành công nghiệp thịt đang bị dư luận chỉ trích nặng nề. Điều này có thể hiện trên các quầy hàng ở các siêu thị không, thưa bà?
Ulrika Brandt: Có đấy, thị trường về các sản phẩm đơn thuần thực vật tăng nhanh. Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen thì tháng ba và tháng tư vừa qua trên thị trường Hoa kỳ nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật tăng vọt tới 268% , thậm chí đối với sữa yến mạch tăng tới trên 400%. Trong khi đó nhu cầu đối với thịt gia súc chỉ tăng 40%. Tình hình ở Đức cũng như vậy.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Tất cả chỉ vì Corona thưa bà?
Ulrika Brandt: Trước đại dịch corona nhu cầu đối với các sản phẩm thực vật đã bỏ xa các loại sản phẩm động vật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: ai cũng nhận thấy khí hậu thay đổi rất rõ rệt, nhiều báo cáo về lượng tiêu thụ tài nguyên nước và chiếm dụng ruộng đất quá lớn đối với sản xuất thịt và sữa, chăn nuôi gia súc, gia cầm phi đạo đức, thêm vào đó là ý thức bảo vệ sức khoẻ của con người được cải thiện.
Đại dịch này lần đầu tiên làm cho đông đảo người dân thấy mối quan hệ giữa chăn nuôi theo kiểu công nghiệp và Zoonosen, tức là tình trạng truyền nhiễm bệnh từ con vật sang người, như trong vụ Covid-19 này.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): ...điều này đặc biệt thường diễn ra tại các khu chợ ở châu Á, nơi người ta giết mổ con vật tại chỗ .
Ulrika Brandt: Không, điều này không phải chỉ diễn ra ở những khu chợ xa xôi nào mà nó xảy ra tại tất cả những nơi tiến hành chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, nơi con vật phải sinh sống trong môi trường vô cùng chật hẹp.
Ở Đức cũng vậy. Thí dụ đại dịch cúm Tây ban nha năm 1918 làm chết hơn 50 triệu người trên toàn thế giới là do lây nhiễm từ động vật. Cúm lan truyền từ lợn sang người. 75% các bệnh tuyền nhiễm mới đều có cội nguồn từ động vật, tức Zoonosen.
Ulrika Brandt là chuyên gia về thị trường thực phẩm thực vật thuộc Tổ chức quốc tế về dinh dưỡng ProVeg có trụ sở tại Berlin, chuyên đề cao thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Ảnh: WirtschaftsWoche (M)
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Thưa bà, với sản phẩm thực vật điều này sẽ không xảy ra?
Ulrika Brandt: Việc sản xuất sản phẩm thay thế thịt từ thực vật hay do nuôi cấy là an toàn. Công thức đơn giản là: không dùng thịt động vật – không có nguy cơ bị Zoonosen.
Từ nhận thức này cho đến khi cự tuyệt thịt tuy vậy vẫn là một đoạn đường dài.
Theo một cuộc điều tra gần đây của Forsa thì 55% dân Đức muốn hạn chế tiêu dùng thịt - để sống khoẻ mạnh hơn, thân thiện với môi trường hơn và bền vững hơn. Nhiều người cũng thật sự quan tâm đến đời sống của con vật. Để thực sự thay đổi hành vi trong cuộc sống nhiều khi phải đoạn tuyệt với những thói quen tồn tại từ lâu, điều này về cơ bản không hề dễ dàng.
Tất nhiên tiền đề phải là, những thực phẩm thay thế này phải được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng .
Hoàn toàn đúng. Hương vị là điều then chốt. Sau đó là cấu trúc, điều này có nghĩa là có vừa miệng người ta hay không. Hai yếu tố quan trọng nữa là các phụ gia tự nhiên và vấn đề giá cả. Những điều này đều có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại lâu dài của sản phẩm. Ngày nay trên thị trường đã có những loại sản phẩm thay thế thịt có hương vị thơm ngon nhưng cạnh đó trên các kệ hàng ở siêu thị không thiếu những sản phẩm "ghê rợn".
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Liệu các sản phẩm thay thế thịt có thật sự bước ra khỏi các siêu thị chuyên về sản phẩm Bio để trở thành sản phẩm đại chúng?
Ulrika Brandt: Trong năm năm tới thị trường đối với các sản phẩm thay thế thịt sẽ tăng hơn gấp đôi, năm 2019 khối lượng thị trường trên toàn thế giới đã lên đến 12,1tỷ đôla Mỹ. Năm 2025 sẽ lên tới gần 28 tỷ.
Một ví dụ nổi bật về sức hấp dẫn của thức ăn chay hiện nay, đó là tại lễ trao giải thưởng Oscar năm ngoái, thức ăn chay là chủ yếu và rất được ngợi khen.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Không biết các thực khách quen các món thịt có phát khóc?
Ulrika Brandt: Tôi nghĩ rằng không. Thức ăn rất đa dạng và phong phú và đều thực sự ngon lành.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Nhưng vấn đề là các loại thức ăn thay thế thịt này có thực sự tốt cho sức khoẻ, có hơn Burger hay Hack ? Gần đây chúng tôi nghe nói, theo Cục Môi trường thì trong các thức ăn chay đó chứa một số phụ gia, có thể có vấn đề đối với sức khoẻ?
Ulrika Brandt: Rất tiếc đó chỉ là những tin đồn hoặc ý kiến mang tính cá nhân và không có cơ sở. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Chúng tôi luôn khuyên các nhà sản xuất ngành công nghiệp thực phẩm chú ý tới Clean Label. Điều này có nghĩa là hạn chế sử dụng tối đa các chất phụ gia và phụ gia từ thiên nhiên. Nói chung các sản phẩm này có nhiều ưu điểm hơn thịt động vật.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Thí dụ ?
Ulrika Brandt: Những sản phẩm này chứa nhiều protein thực vật quý hiếm, phần lớn ít chất béo và chứa rất ít axit béo bão hoà. Cholesterol, có trong thịt, thì ở đây hoàn toàn không. Khác với thức ăn bằng thịt, thức ăn chay có nhiều chất độn cực kỳ quan trọng có ích cho sức khoẻ của ruột. Và, nhất là: chúng không gây ung thư.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Đáng ra con người cần xuất phát từ điều này.
Ulrika Brandt: Ngay từ năm 2015 Tổ chức Sức khoẻ Thế giới đã xác định thịt chế biến có thể gây ung thư thuộc nhóm 1. Điều này có nghĩa là, người ta có đủ bằng chứng từ các nghiên cứu về dịch tễ học, rằng các loại thực phẩm như thịt xông khói, xúc xích, và giăm bông gây ung thư. Thịt đỏ, như thịt bò, thịt bê, thịt cừu và thịt lợn thuộc nhóm 2A, có nghĩa là, các loại thực phẩm này có khả năng gây ung thư .
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Vậy mà xưa nay luôn nói, thịt tăng cường cơ bắp, làm cho con người khoẻ mạnh hơn.
Ulrika Brandt: Đây là một định kiến lâu đời. Cho rằng đạm động vật như thịt, sữa có ý nghĩa quyết định đến thành tích về thể thao hoặc là nền tảng cho sức mạnh. Thực ra ngược lại mới đúng. Chúng gây chua hoá và tăng cường nguy cơ viêm nhiễm. Liệu các bạn có biết các võ sỹ cổ La Mã là những người chuyên ăn chay? Cần có một sự quảng bá rộng rãi cho các sản phẩm thực vật như người ta đã tiến hành nhiều chục năm qua cho ngành công nghiệp chế biến thịt và công nghiệp sữa, tiện đây xin nói thêm, các chiến dịch này được tiến hành bằng tiền của EU.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Bà định đề cập đến chiến dịch như "Sữa làm nên điều đó!"?
Ulrika Brandt: Đúng thế, và đó chỉ là Slogan cho chiến dịch tiến hành trong những năm tám mươi. Từ lâu trước đó, từ những năm 50 cho đến bây giờ ngành kinh tế sữa đã đầu tư nhiều triệu euro, để phục vụ cho tiêu thụ sữa. Người ta luôn cho rằng, sữa bổ, có lợi cho sức khoẻ và cần uống hàng ngày.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Và điều đó là sai?
Ulrika Brandt: Bên cạnh chất béo động vật sữa bò còn chứa đường và các gien gây dị ứng chất hooc môn tăng trưởng IGF1. Nếu tiêu thụ nhiều và thường xuyên chất này làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Nhiều nhà khoa học dinh dưỡng nói hết sức rõ ràng rằng sữa bò không nhất thiết phải có trong chế độ dinh dưỡng của chúng ta. Nếu đúng là như vậy thì hai phần ba nhân loại không thể tồn tại. Họ không thể uống sữa bò mà không bị khó chịu, vì cơ thể họ thiếu loại Enzym để tiêu hoá đường sữa.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Liệu có khôn ngoan hơn không khi các nhà sản xuất thực phẩm thực vật cố tình phân biệt rạch ròi với các sản phẩm làm từ thịt thay vì tiếp tục nói về Hack hay Burgern ?
Ulrika Brandt: Không, các khái niệm như thịt, phômai, cá đều đã được học. Bất kỳ ai cũng hiểu, đó là cái gì. Và nếu trên bao bì chỉ ghi "hoàn toàn bằng thực vật", "wie" Gyros hay "V-Label", có nghĩa là sản phẩm chay hoặc thuần chay, điều đó sẽ rõ ràng với người tiêu dùng.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Tuy nhiên dường như còn nhiều người chưa thật hiểu rõ. Theo khảo sát của Viện Hàn lâm Đức về khoa học kỹ thuật và Quỹ - Körber có tới một phần tư số người được hỏi không coi thịt trong phòng thí nghiệm là sản phẩm thay thế.
Ulrika Brandt: Đây là vấn đề liên quan đến thịt được nuôi cấy. Đại đa số người tiêu dùng chưa am hiểu thực chất về vấn đề này. Và khi thịt được phát triển từ nuôi cấy tế bào, tương tự như sản xuất bia trong các thùng bia khổng lồ, nếu gọi đây là thịt trong phòng thí nghiệm, điều này tất nhiên tạo nên một sự phản cảm. Các nhà sản xuất hiểu rõ điều đó vì thế trước đó phải giới thiệu rõ về các ưu điểm của loại thịt này. Vấn đề này cũng đòi hỏi phải có thời gian cho đến khi được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên sự phát triển hiện nay có nhiều hứa hẹn.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Nhưng liệu có xẩy ra tình trạng người tiêu dùng sau vụ đại dịch Corona này lại trở về với thói quen cũ – và lại tái diễn mua thịt giá rẻ để cho lên lò nướng?
Ulrika Brandt: Không, bởi vì những vấn đề lớn vẫn tồn tại trong ngành công nghiệp: cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn điều đó gây áp lực trên thị trường vốn buộc các doanh nghiệp phải xác định về phát triển bền vững.
Dân số thế giới tiếp tục tăng và người ta ý thức được rằng với kiểu sản xuất thịt, sữa như hiện nay thì không thể đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Theo tính toán của công ty tư vấn doanh nghiệp Kearney thì đến năm 2030 sản phẩm thịt thay thế trên cơ sở thực vật và nuôi cấy tế bào sẽ xấp xỉ 30 % thị trường thịt toàn cầu.
WirtschaftsWoche (Tuần kinh tế): Vậy các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ như thế nào?
Ulrika Brandt: Các nhà sản xuất thịt và các doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp thực phẩm nếu không chịu thay đổi, không thâm nhập thị trường protein thay thế, sẽ kết thúc như tập đoàn ảnh Kodak, tập đoàn này đã ngủ quên bỏ buột mất máy ảnh kỹ thuật số và sớm muộn gì cũng biến mất khỏi thị trường.
Theo .wiwo.de