“Trong năm vừa qua, bạn đã phải chịu đựng bao nhiêu stress?” và “Bạn có tin rằng stress có hại cho sức khoẻ của bạn không?” là 2 câu hỏi được chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Đại học Stanford - Kelly McGonigal đặt ra cho tất cả khán giả trong buổi diễn thuyết của mình trên TED Talks. Đây đồng thời cũng là 2 câu hỏi quan trọng nằm trong nghiên cứu của Kelly McGonigal về stress.
Kelly McGonigal là nhà tâm lý học và giảng viên sức khỏe tại Đại học Stanford.
Nhiều người khi nghe câu hỏi đã đồng tình với ý kiến và cho rằng stress hay còn được biết đến là những căng thẳng mệt mỏi có tác hại rất lớn tới sức khoẻ của mỗi người. Cụ thể, việc chịu áp lực căng thẳng trong thời gian dài dễ dẫn tới suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dạ dày…
Vì vậy có không ít người nhận định stress là “kẻ thù” và cần tìm cách tiêu diệt hoặc thoát khỏi nó. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Kelly McGonigal lại khiến nhiều người bất ngờ và thay đổi nhận thức của mình về stress.
Trong bài diễn thuyết thu hút hơn 13 triệu lượt xem của mình trên TED Talks, Kelly McGonigal lần đầu tiên chia sẻ và trình bày cho mọi người hiểu về “bản chất thực sự của stress”. Đồng thời thông qua nghiên cứu của mình, chuyên gia đã đưa ra các tiếp cận mới của mình với stress. Liệu những áp lực, căng thẳng mệt mỏi này có thực sự là “kẻ thù” của chúng ta hay không?
Theo đó, chuyên gia tâm lý Kelly McGonigal đã chia sẻ về cuộc nghiên cứu theo dõi 30.000 người trưởng thành tại Mỹ trong 8 năm. Kết hợp với đó là kết quả tổng kết từ hồ sơ tử vong chung (Public Death Records) cho thấy, những người trải qua nhiều áp lực, căng thẳng mệt mỏi trong năm có nguy cơ tử vong tăng 43%.
Tuy nhiên qua thống kê, chuyên gia cho biết điều này chỉ đúng với trường hợp những người chịu áp lực căng thẳng tin rằng stress có tác động tiêu cực tới sức khoẻ của mình. Ngược lại, những người chịu stress nhưng không nghĩ nó có hại thì lại được xếp nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong thấp nhất.
Theo đó, số liệu chỉ ra, ước tính trong 8 năm tại Mỹ có 182.000 người qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ. Nguyên nhân dẫn tới việc những người này tử vong không phải vì stress mà là vì họ tin rằng stress có hại cho họ.
Từ kết quả bất ngờ này, nhiều người hoài nghi và cho rằng: “Nếu thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về stress thì bạn có khoẻ mạnh hơn không?”. Và câu trả lời mà khoa học đưa ra là “Có”!
Theo đó, chuyên gia Kelly McGonigal cho biết, thái độ cùng cách tiếp cận của mỗi cá nhân với stress là chìa khoá quan trọng trong việc biến áp lực, căng thẳng mệt mỏi trở thành “đồng minh” của mình, thậm chí stress còn có ích cho sức khoẻ mỗi người. Tuy nhiên trước khi biến stress thành “đồng minh” chúng ta cần phải có kiến thức về cách mà stress “vận hành” và hiểu về nó một cách đúng đắn nhất.
Theo các chuyên gia cho biết, căng thẳng mệt mỏi (stress) là trạng thái bất ổn về mặt cảm xúc, tinh thần. Khi chịu áp lực, căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng tương tự như khi chúng ta gặp tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Lúc này, nồng độ hormon cung cấp năng lượng tăng lên, mọi giác quan trở nên nhạy cảm hơn hẳn, tim đập mạnh, hơi thở cũng nhanh hơn. Thông thường những thay đổi thể chất này chính là sự lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.
Tuy nhiên, theo 1 nghiên cứu từng được thực hiện bởi Đại học Harvard chỉ ra, những người học cách coi phản ứng với stress là có ích cho sự thể hiện của họ. Cụ thể, họ tin rằng việc tim đập nhanh là để chuẩn bị cho bạn hành động, hơi thở gấp giúp tăng oxy cho não và tăng khả năng tập trung. Khi đó phản ứng với stress của những người này lại giống phản ứng khi ta được tiếp thêm can đảm, sự tự tin.
Từ nghiên cứu này cho thấy, việc ta nghĩ sao về stress có vai trò rất quan trọng và nó thậm chí còn đem lại nhiều lợi ích mà không phải ai cũng biết.
Stress giúp chúng ta hoà nhập hơn
Chúng ta vẫn cho rằng những thay đổi thể chất này sẽ có hại cho cơ thể nhưng ít ai biết rằng căng thẳng mệt mỏi (stress) lại khiến chúng ta hòa nhập hơn.
Bởi tuyến yên của chúng ta sẽ tiết ra chất oxytoxin (được gọi ví là hormon ôm ấp hay hormon tình yêu) là một phần của phản ứng với căng thẳng, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng stress của bạn như adrenalin khiến tim bạn đập nhanh.
Khi oxytocin được giải phóng trong phản ứng với stress, nó thôi thúc bạn tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ, tâm sự cảm xúc của mình với ai đó. Điều này giúp chúng ta hoà nhập và kết nối tốt hơn với mọi người xung quanh.
Stress giúp chúng ta khoẻ mạnh hơn
Bên cạnh đó, chuyên gia cho biết oxytocin không chỉ tác động lên não của mỗi chúng ta, mà nó tác động lên toàn bộ cơ thể và có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch của chúng ta rất tốt. Có thể coi nó là một loại kháng sinh tự nhiên, giúp các mạch máu của chúng ta dãn ra sau khi gặp căng thẳng.
Theo đó, trái tim của chúng ta có những cơ quan thụ cảm với hormon này và oxytocin giúp tế bào tim tái sinh bằng cách chữa lành những tổn thương mà stress gây ra. Hormon stress này giúp tim của chúng ta khoẻ hơn sau mỗi lần hồi phục sau stress, và nó được tăng lên bằng giao tiếp.
Bên cạnh đó trong cơ chế phản ứng căng thẳng tự nhiên, khi mối đe dọa qua đi, hệ thống thần kinh phó giao cảm được thư giãn, giúp cơ thể trở lại trạng thái phục hồi và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho thử thách tiếp theo. Điều này khiến cơ thể chúng ta có thêm nhiều “kinh nghiệm” vượt qua những áp lực khó khăn hơn trong cuộc sống sau này.
Sự hồi đáp với stress của chúng ta trở nên khỏe mạnh hơn và bản thân chúng ta hồi phục nhanh chóng hơn sau stress. Và nó giống như một loại kháng sinh tự nhiên giúp chúng ta tự bảo vệ cơ thể của mình vậy.
Biến stress thành “đồng minh”
Từ chính những lợi ích kể trên, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ tiêu cực khi nghĩ tới stress và từ đó học cách “làm bạn” với nó.
Theo chuyên gia tâm lý Kelly McGonigal khuyên chúng ta xem stress như một điều tích cực. Ngược lại, nếu chúng ta chìm đắm trong cảm xúc lo lắng sợ hãi và coi stress là “kẻ thù” gây hại cho cơ thể, thì những phản ứng của cơ thể như tim đập nhanh, thở gấp lại khiến mạch máu của chúng ta sẽ co hẹp lại làm tuần hoàn máu chậm đi, gây ra sự căng thẳng và tác động xấu đến tim. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ tử vong về tim mạch tăng cao.
Từ đó chúng ta hiểu và nhìn thấy mặt tích cực của stress sẽ khiến chúng ta không còn đối đầu và cho nó là “kẻ thù” nữa. Làm như vậy giúp mỗi chúng ta tạo ra “lòng can đảm sinh học”. Và khi chúng ta kết nối với người khác dưới tác động của stress tự bản thân chúng ta đã tạo ra sự phục hồi. Vậy làm thế nào để biến stress thành "đồng minh"? Dưới đây là một số phương pháp đơn giản và hiệu quả chúng ta đều có thể thực hiện được.
1. Học cách bao dung với bản thân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta stress trong cuộc sống, tuy nhiên một trong những nguyên nhân chính là việc chúng ta chưa hiểu được như cầu và cảm xúc của bản thân và người khác, ngoài ra còn có áp lực từ cơm áo gạo tiền thường nhật... Những điều này khiến chúng ta mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể xác, cảm giác tiêu cực khi thấy mình yếu kém khiến chúng ta thấy tự ti.
Lúc này chúng ta cần học cách bao dung và làm hoà với chính mình, đồng thời theo đuổi những thứ được cho là thế mạnh của mình để củng cố sự tự tin. Ngoài ra nên trang bị kiến thức kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xã hội và chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt.
2. Học cách khiến bản thân thư giãn
Chúng ta có thể khiến bản thân thư giãn bằng việc học cách hít thở sâu, thiền, nghe nhạc, đi du lịch hoặc nói chuyện tâm sự với bạn bè.
Những hành động tưởng chừng vô cùng đơn giản này lại đem lại rất nhiều lợi ích trong việc đẩy lùi cảm giác căng thẳng mệt mỏi.
3. Học cách nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, tích cực
Việc này cũng tương tự với chuyên gia tâm lý Kelly McGonigal đã chia sẻ, việc tránh những suy nghĩ tiêu cực về stress giúp chúng ta có một cái nhìn đa chiều. Chúng ta không coi những vấn đề khó khăn là áp lực mà coi đó là động lực giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua nhiều thử thách sau này.
Mong rằng sau bài viết này các bạn có thể rút ra cho mình cách tiếp cận stress với góc nhìn lạc quan và tốt đẹp hơn.