Bạn có để ý rằng, phần lớn những giấc mơ gần đây có hình ảnh thường hình dung rõ ràng hơn từ khi dịch COVID-19 bùng ra không?
Tại Mỹ, số lượng tìm kiếm câu hỏi: "Tại sao gần đây tôi hay có những giấc mơ kỳ lạ?" tăng lên gấp bốn lần trong tuần qua. Ai cũng muốn biết tại sao tình hình thực tế có thể ảnh hưởng đến những cả trạng thái vô thức như vậy.
Chất lượng của giấc ngủ là một phần nguyên nhân. Nếu ngủ sâu, khả năng nhớ lại nội dung giấc mơ là rất thấp. Bạn càng căng thẳng, càng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khả năng khơi gợi lại giấc mơ tăng lên.
Nhiều cuộc khảo sát chỉ ra rằng, nội dung tiêu cực trong giấc mơ là sự phản ảnh những căng thẳng, mệt mỏi tích tụ trong ngày, đặc biệt vào giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.
Emily Anhalt - một nhà tâm lý học lâm sàng và đồng sáng lập của Coa-phòng gym cho sức khỏe tinh thần chia sẻ: "Giấc mơ thể hiện những gì con người không nghĩ hoặc cảm nhận trong trạng thái tỉnh táo. Thêm vào đó là cảm giác sợ hãi, tội lỗi khi số lượng người nhiễm và tử vong ngày càng tăng. Những suy nghĩ đó có thể không được chúng ta chú ý, vì vậy nó len lỏi vào trong giấc mơ dưới hình thức tượng trưng, qua hình ảnh ẩn dụ".
Điều thú vị là, mọi người thường có chung giấc mơ về những hình ảnh, nội dung trừu tượng. Các chuyên gia đã phân loại những giấc mơ thành 5 dạng phổ biến, phân tích và đưa ra ý nghĩa:
Những buổi tụ họp đông người
"Tôi có giấc mơ về những địa điểm chúng tôi từng tới: Disneyland, rạp chiếu phim… Tôi phải chạy đuổi theo các con đang tản ra xung quanh và chạm tay vào mọi thứ".
"Chồng tôi tổ chức bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho một người bạn mà tôi không hề quen biết. Bữa tiệc ngày một đông người tham dự khiến tôi lo lắng vì khả năng lây nhiễm cao hơn. Trong một giấc mơ khác, chúng tôi đang tổ chức đám cưới nhưng không thể nhận ra đây là đâu, tôi hét toáng lên: ‘Không thể tổ chức được, nhiều người sẽ bị bệnh mất".
"Tôi đang ở Disneyland thì nhận ra quên mặc quần nên chạy vội vào một cửa hàng để mua, sau đó nhận ra tôi cũng không đeo khẩu trang nên ngay lập tức muốn chạy về nhà".
Nhà tâm lý học Anjhula Mya Singh Bais phân tích: "Đám cưới và tiệc sinh nhật đều là những sự kiện liên quan đến nhiều người. Người mơ về chúng thường xuyên lo lắng đến tác động của dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng đến mọi người như thế nào. Thay vì mơ đến việc được thăng chức, họ không chỉ suy nghĩ cho bản thân mình nên sẽ có giấc mơ liên quan đến các sự kiên đông người như vậy".
Cả hai sự kiện đều tượng trưng cho sự sống và cái chết.
Singh Bais cho biết: "Sinh nhật là kỉ niệm ngày ta chào đời và tuổi tác dần tăng lên cho đến lúc lìa đời. Đám cưới liên quan đến lời thề ‘không gì có thể chia xa cho đến khi chết’."
Với giấc mơ về Disneyland, địa điểm tương tự như vậy thường gắn bó với hình ảnh ngây thơ, hồn nhiên, nơi vui chơi và có những kỉ niệm đẹp đẽ, khiến mọi người nhớ lại những ngày tháng vui vẻ. Chạy xung quanh ở đây gắn với việc họ nhớ sự tự do thoải mái mà thường ngày ít để ý, khi mà bậy giờ bị bó buộc trong nhà.
Còn giấc mơ quên mặc quần? Thay vì mơ về thiếu áo hay mũ, những người có giấc mơ này đang phải đối mặt với sự thật trần trụi, dễ cảm thấy bị tổn thương".
Trải qua những cuộc chiến sinh tử, là người sống sót cuối cùng
"Tôi có một giấc mơ sinh tồn. Tôi thấy nhiều cơn bão lốc kéo đến từ mọi hướng tàn phá thành phố. Khi đó, tôi có đủ trang bị để bảo vệ bản thân nhưng những người khác thì không. Tôi đã cố để giúp đỡ nhưng có quá nhiều người nên tôi phải đưa ra quyết định tốt nhất cho mình".
"Giấc mơ của tôi như một kịch bản kết hợp từ hai bộ phim ‘1984’ và ‘Đấu trường sinh tử’. Mười gia tộc giàu nhất thế giới đã phát tán một loại virus để tìm ra nước nào tìm ra phương thuốc nhanh nhất. Báo chí khắp nơi đưa tin thay vì là một chương trình phát song trực tiếp như ‘Đấu trường sinh tử’, cuộc sống ở đó thì tương tự ‘1984’. Đó là một giấc mơ rất kỳ quặc".
Nhà tâm lý học nói: "Cơn bão lốc là hiện thân cho sự hủy diệt và cuộc sống trắc trở. Thế giới đang phải đối mặt với tình huống khó khăn như những kịch bản phim giả tưởng, giấc mơ đến những viễn cảnh sinh tồn giúp có thêm hi vọng, sự chuẩn bị và nhắc nhở họ hãy bình tĩnh".
Chuyên viên phân tích giấc mơ Jane Teresa Anderson cho biết: "Với giấc mơ kết hợp hai bộ phim, coi đại dịch như một cuộc thi đấu giúp họ giải tỏa cảm xúc có và cái nhìn khách quan hơn. Cách để sống sót và chiến thắng trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, là luôn giữ bản thân trong trạng thái bình tĩnh, có cái nhìn đa chiều. Người có giấc mơ như vậy hẳn đang tìm kiếm cho mình một phương thuốc giải quyết các rắc rối trong đời sống thực tại do tác động Covid-19 gây nên".
Đồ ăn
"Một đội quân đang kiểm soát khu phố chỗ tôi và thu giữ những chai Pepsi bởi họ cho rằng đó là thành phần chế tạo ra vắc xin cho vi rút corona. Họ đập cửa và bắt tôi giao nộp dù tôi chắc rằng mình không uống loại nước này từ rất lâu rồi".
"Tôi thường xuyên mơ về đồ ăn và ăn hết đống đồ ăn vặt chỉ trong tuần đầu tiên ở nhà".
Carla Marie Manly – tác giả cuốn sách "Joy from Fear: Create the Life of Your Dreams by Making Fear Your Friend" (Tạm dịch: Tìm kiếm niềm vui từ nỗi lo lắng) chia sẻ: "Mơ đến đồ ăn là phép ẩn dụ cho tình trạng thiếu thốn, cạn kiệt sức lực và tinh thần. Bị lấy đi mất lương thực phản ảnh nỗi sợ bị tước đi những điều quan trọng trong cuộc sống".
Nhân vật bí ẩn
"Khi đang dỗ con tôi đi ngủ thì tôi cũng ngủ quên theo. Trong giấc mơ đó, tôi ở trong một khán phòng lớn, có tấm màn đỏ. Xung quanh khá tối, có một vài người cũng đứng tham quan. Bỗng tối chợt thấy có ai đó từ trong góc phòng, đội một chiếc đầu thỏ, mặc bộ quần áo sọc đen trắng đứng lặng lẽ quan sát. Tôi cảm thấy rất sợ hãi, tôi nghĩ đó là biểu tượng cho con vi rút ẩn nấp mọi nơi".
"Tôi đang ngồi trong phòng khách xem tivi, bỗng có thứ gì đó xông đến và đập tan bờ tường. Đó là một con quái vật to lớn với tiếng gào hung dữ. Chẳn hẳn tâm trí tôi đã hình dung vi rút trong hình dạng hữu hình".
"Mỗi đêm, tôi đều mơ mình ở một biệt thự bỏ hoang với những người mà tôi không nhớ mặt. Tôi đi khám phá các gian phòng và ngắm nghía đồ đạc. Bỗng mọi thứ chuyển động, cửa đột ngột đóng rầm và tiếng piano phát lên. Tôi hoảng sợ choàng tỉnh dậy, nhưng rồi những đêm tiếp theo tôi vẫn mơ về chúng như phần tiếp diễn của câu chuyện. Tôi chỉ cho những người không rõ mặt về căn phòng tôi tìm thấy. Có một điều rất kỳ lạ là họ chỉ quấn một chiếc khăn quanh người như vừa bước ra khỏi phòng tắm".
Lauri Loewenberg – tác giả cuốn sách "Dream on It: Unlock Your Dreams, Change Your Life." (tạm dịch: Giải mã giấc mơ, thay đổi cuộc đời) phân tích: "Trong giấc mơ thứ nhất, khán phòng có ý nghĩa khá đặc biệt, người mơ chúng đang cảm thấy tình hình hiện tại như một vở kịch hơn là sự thực. Họ mong muốn tình hình này sớm kết thúc để vén tấm rèm đỏ xuống. Xung quang tối tăm biểu hiện cho tâm trạng cảm xúc của người mơ đang gặp bất ổn hoạc có vấn đề khó xử lý trong cuộc sống.
Trong trạng thái vô thức, tâm trí họ đã hình dung con vi rút dưới hình thù cụ thể. Người bí ẩn đội chiếc đầu thỏ thể hiện suy nghĩ lo lắng vì mức độ lây lan của vi rút tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong giấc mơ thứ hai, một con quái vật xông vào phòng khách – nơi tượng trưng cho cuộc sống thường ngày. Dịch bệnh bỗng ập đến kéo họ ra khỏi những sinh hoạt, nề nếp thông thường.
Ngôi nhà ở giấc mơ thứ ba có ý nghĩa quan trọng. Ngôi nhà là biểu tượng cho chính bản thân chủ nhân giấc mơ. Tình trạng của ngôi nhà thể hiện trạng thái của người đó. Trong câu chuyện này, đó là một căn biệt thự thể hiện sự tự hào về bản thân của người mơ chúng. Biệt thự bị bỏ hoang và họ vui vẻ đi khám phá từng căn phòng cho thấy họ có thể từng quên chăm sóc bản thân, song giờ có thêm thời gian dành cho chính mình. Tuy nhiên, những giấc mơ tiếp theo trở nên đáng sợ bởi người mơ chúng có vẻ gặp khó khăn khi thích nghi với lối sống mới khi giãn cách ở nhà. Những người không rõ mặt rõ mặt là một bản thể khác thể hiện tính cách của họ. Trông họ như vừa bước ra khỏi phòng tắm như lời nhắc nhở hãy gội rửa hết những lo lắng và quay về với sự háo hứng, thích thú khám phá như trước".
Quay về với tuổi thơ
"Tôi thấy mình ở trở về quá khứ khi 9 tuổi như đứa con trai của tôi bây giờ. Tôi gặp lại cha mẹ còn trẻ của mình, cả hai đều khỏe mạnh và yêu thương tôi. Có thể do nỗi lo lắng của bản thân mà tôi đã mơ về quãng thời gian tươi đẹp đó. Mẹ tôi giờ 74 tuổi, sống một mình ở quê và càng ngày càng ốm yếu. Giờ tôi không còn trẻ nữa mà đã trở thành một người mẹ chăm lo cho con cái và gia đình nhỏ. Nhờ có giấc mơ đó, tôi cảm thấy rất biết ơn những gì tôi đã và đang có".
Anderson phân tích: "Người có giấc mơ này tìm thấy sự bình yên cho những vấn đề cuộc sống trong tuổi thơ của cô ấy, nơi được bao bọc bởi cha mẹ. Điều thú vị là cô ấy quay về quãng thời gian 9 tuổi, bằng tuổi với con trai hiện giờ. Chúng ta thường quay về tuổi thơ tương ứng với độ tuổi hiện tại của con cái, có thể bởi muốn trải nghiệm lại thời gian đó lần nữa. Hoặc cô ấy có gì đó quan trọng khi ở lứa tuổi đó, tôi thấy cô ấy nói về việc bố mẹ "còn trẻ, khỏe mạnh và yêu thương", hình ảnh bố mẹ tượng trưng cho khả năng làm mẹ của chính cô ấy bây giờ, và tất nhiên, phiên bản cô ấy 9 tuổi trong giấc mơ đại diện cho đứa con đang muốn có sự bao bọc quan tâm của bố mẹ".
* Theo Huffpost