Ngày nay, thông tin Internet phát triển vượt trội cùng với sự bao phủ rộng rãi của nhiều kiến thức khoa học khác nhau đã dẫn đến hiện tượng nhầm lẫn kiến thức sức khỏe đáng báo động. Có rất nhiều người tin vào những phương pháp điều trị sức khỏe không khoa học như giảm cân không cần ăn tối; một cốc nước đậu xanh vào buổi sáng có thể chữa khỏi bách bệnh hay cụ thể như giải độc cơ thể bằng phương pháp nhịn ăn.
Trước nhiều thông tin sức khỏe trên Internet, chúng ta phải biết chọn lọc. (Ảnh: Money sense)
“Cơm là một độc dược trong bữa ăn hiện nay. Ăn cơm tương đương với uống thuốc độc!”
“Muốn giải độc thì không nên ăn nhiều đồ. Mỗi ngày chỉ cần uống 8 ly nước ép trái cây, trong vòng 5-7 ngày các bệnh mãn tính có thể chữa khỏi; kéo dài 10 ngày, ung thư cũng có thể chữa khỏi!”
Đây là những nhận xét kinh điển của Lâm Hải Phong, “Chuyên gia sức khỏe - Bậc thầy về liệu pháp tự nhiên” ủng hộ phương pháp nhịn ăn để giải độc. Anh được đông đảo người dân Trung Quốc biết đến qua Sina Weibo với tư cách là chủ tịch Mạng lưới Y tế và Dinh dưỡng Trung Quốc; thành viên Ủy ban Chuyên gia Y tế của Hiệp hội Thực phẩm Y tế Trung Quốc; thuộc nhóm các chuyên gia dinh dưỡng của Nhóm chuyên gia trường thọ Trung Quốc...
Lâm Hải Phong ở các chương trình diễn giải. (Ảnh: Sohu)
Vào khoảng năm 2000, Lâm Hải Phong sử dụng các đài truyền hình cùng nhiều phương tiện truyền thông khác để tuyên bố về nghiên cứu "Liệu pháp tự nhiên giải độc" do mình sáng lập với chủ trương "nhịn ăn để giải độc". Tuy nhiên vào năm 2019, Lâm Hải Phong đã đột ngột qua đời ở Vân Nam bởi chính lý do ngộ độc mà ngày đêm anh đang nghiên cứu.
Vài ngày trước khi tai nạn xảy ra, Lâm Hải Phong nói rằng anh đã ăn một gói chà là đỏ hết hạn sử dụng, sau đó cảm thấy cơ thể tê cứng khó chịu nhưng vẫn gắng gượng, nhất quyết không đến bệnh viện. Không ngờ chỉ qua vài ngày tiếp theo, anh tái phát cơn tê cứng, đột ngột ngã quỵ, cuối cùng vẫn không thể qua khỏi. Một người bạn của Lâm Hải Phong chia sẻ rằng: “Anh ấy đang tự làm thuốc chữa bệnh cho mình. Có thể anh ấy nghĩ mình tự khỏi được nên đã không đến bệnh viện chữa trị”.
Giữ gìn sức khỏe là trách nhiệm của mỗi chúng ta, mỗi người sẽ có những cách sống khác nhau để bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên, trước nhiều sai lầm giữ gìn sức khỏe một cách mù quáng như hiện nay, chúng ta nên nghiêm túc suy ngẫm để tìm ra đáp án bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe.
Bảo vệ sức khỏe là hữu ích, nhưng người bình thường không cần GIẢI ĐỘC
Giáo sư Ngũ Học Diễm từ Khoa Nội tiết của Bệnh viện Đại học Y Công đoàn Bắc Kinh nhắc nhở: Cái gọi là “giải độc” chỉ là một khái niệm nhằm tiếp thị các sản phẩm, và hoàn không có khái niệm này trong lý thuyết y học.
Chất thải của cơ thể con người không cần dựa vào ngoại lực vẫn có thể tự đào thải ra ngoài cơ thể bằng hệ thống bài tiết hiệu quả của chính mình. Ví dụ: hệ thống hô hấp, hít vào oxy, thải ra carbon dioxide, không có khí độc nào được lưu trữ trong cơ thể.
Cơ thể của chúng ta tự có thể thải độc. (Ảnh: Bupa)
Những phác đồ GIẢI ĐỘC sai lầm cần sửa ngay!
1. Nhịn ăn có thể giải độc, có thể sống lâu hơn?
Sự thật: Nhịn ăn không thể giải độc mà còn nguy hiểm đến tính mạng
Giáo sư Trương Quốc Tỷ từ Bệnh viện Xiyuan thuộc Học viện Y học Trung Quốc đã bác bỏ tin đồn rằng liệu pháp nhịn ăn, không sử dụng ngũ cốc sẽ đạt được mục đích giữ gìn sức khỏe và giải độc cơ thể. Giáo sư nói rằng liệu pháp điều trị này vẫn chưa được các thí nghiệm khoa học xác nhận, nếu chúng ta cứ ăn chay mù quáng có thể mang lại tình trạng xấu đến cơ thể.
Vào những năm 1990, Nghệ Luân, người ủng hộ Bilu, một đạo giáo ăn chay nổi tiếng Trung Quốc đã đồng ý tham gia một cuộc kiểm tra của bệnh viện với tuyên bố mình có thể gắn bó với kỹ thuật ăn Bilu trong một tuần.
Tuy nhiên chỉ sau 48 giờ thí nghiệm, anh đã xuất hiện nhiều triệu chứng xấu như huyết áp giảm và mất nước, đến ngày thứ 4 có dấu hiệu giãn đồng tử. Cuối cùng, bài kiểm tra đã phải kết thúc.
Tuyệt đối không nhịn ăn để giải độc hay tập ăn theo các phương pháp chưa được nghiên cứu rõ ràng. (Ảnh: Ask the scientists)
2. Làm sạch phân để giải độc
Sự thật: Phân không gây độc cho cơ thể, uống thuốc nhuận tràng “giải độc” phân một cách mù quáng mới nguy hiểm đến sức khỏe
Đại tiện là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, thức ăn đưa vào từ miệng qua thực quản xuống dạ dày và cuối cùng ra ngoài trong ít nhất 24 giờ. Thành phần chủ yếu của phân còn lại trong ruột là nước, chất xơ, chất béo,…có chứa một số vi khuẩn nhưng không gây độc cho cơ thể người.
Đối với những người táo bón, quá trình hấp thụ nước và cặn phân sẽ lâu hơn dẫn đến hiểu lầm phân nhiễm độc và sử dụng các sản phẩm nhuận tràng để giải độc.
Trên thực tế hiện tượng này không tổn hại đến sức khỏe mà ngược lại, nếu chúng ta uống một cách mù quáng các sản phẩm được gọi là “giải độc – nhuận tràng” sẽ gây rối loạn nước điện giải, mất cân bằng dinh dưỡng, rối loạn chức năng đường ruột, nhiễm khuẩn đường ruột và giảm tế bào thần kinh thành ruột. Không những không cải thiện tình trạng táo bón mà nguy cơ ung thư còn tăng cao.
3. Làm sạch ruột có thể giải độc
Sự thật: Ruột không cần tắm, liệu pháp ở ruột có nhiều rủi ro
Điều trị đường ruột là một phương pháp phổ biến để cải thiện đường tiêu hóa. Nó được thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ khoa học công nghệ với thuốc gây dựng hoặc nước để làm sạch ruột.
Theo lời khuyên của Trạch Hưng Hồng, viện trưởng Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh, ở điều kiện bình thường, ruột già không cần làm sạch vì bản thân nó đã có chức năng bài tiết.
Hiện nay có nhiều người không đủ hiểu biết thường đến các cơ sở ngoài y tế để trị liệu đường ruột sẽ rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột hoặc các bệnh truyền nhiễm do khử trùng không đúng cách. Nếu thao tác không đúng cách, có thể bị chảy máu ruột, thủng ruột hoặc thậm chí là vỡ, nguy hiểm đến tính mạng.
Mọi cơ chế làm sạch bên trong cơ thể đều đã được lập trình sẵn. (Ảnh: Mayo clini chealth system)
4. Xoa bóp hạch bạch huyết có thể giải độc
Sự thật: Giải độc không cần phải bấm huyệt, ngược lại có thể phản tác dụng
Lưu Hiểu Đông, giám đốc Khoa Phẫu thuật Y học Cổ truyền thuộc Đại học Y học Cổ truyền Thượng Hải, giới thiệu rằng hạch bạch huyết rất mạnh và là tế bào bạch cầu nhỏ nhất trong cơ thể con người.
Nó được ví như “bức tường lửa” của cơ thể, một khi bị thế giới bên ngoài tác động sẽ phản ứng nhanh chóng và sưng lên. Do đó, các hạch bạch huyết không cần xoa bóp để có thể phát huy hết chức năng miễn dịch của chúng.
Nếu hạch viêm và sưng to thì việc xoa bóp sẽ không làm giảm sưng mà ngược lại còn làm viêm lan rộng. Trong trường hợp xấu nhất, nếu người bệnh bị ung thư hạch hoặc ung thư hạch di căn, việc xoa bóp cũng khiến tế bào ung thư di chuyển và bệnh tình trở nên nặng hơn.
Theo Toutiao