Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan "hiến kế" cải thiện tầm vóc người Việt

Quang Vũ | 02-12-2024 - 14:30 PM

Một số chuyên gia đến từ Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan cho rằng, bữa ăn học đường chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ em, từ đó góp phần cải thiện tầm vóc.

4 gánh nặng dinh dưỡng của người Việt

Tại Hội thảo Quốc tế Dinh dưỡng người Việt (lần II) - Dinh dưỡng học đường, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã chỉ ra 4 gánh nặng dinh dưỡng mà người Việt đang phải đối mặt, bao gồm: suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng; thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là thiếu kẽm ở các đối tượng phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi.

Cùng với đó là sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng (cao huyết áp, bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch) do thói quen sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Để giải quyết 4 gánh nặng trên, các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, trước hết cần tập trung cải thiện dinh dưỡng ở lứa tuổi học đường.

Dinh dưỡng học đường: "Chìa khóa" cải thiện tầm vóc

PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan nhận định: Học sinh thường dành phần lớn thời gian sinh hoạt và học tập tại trường. Điều này khiến trường học trở thành một môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe đại chúng ở quy mô lớn.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 1.

GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cũng chỉ ra bữa ăn học đường chính là chìa khoá để cải thiện dinh dưỡng.

Sau Thế chiến thứ II, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản. Chiều cao trung bình của người Nhật chỉ ở mức: nam là 1m50, nữ là 1m49.

Để giải quyết vấn đề, người Nhật lựa chọn cải thiện bữa ăn trước hết là tại trường học chứ không phải trong mỗi gia đình. Các chuyên gia dinh dưỡng được bố trí tại tất cả các trường tiểu học. Bữa trưa học đường không đơn thuần là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, mà còn giáo dục cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, góp phần thay đổi thói quen ăn uống tại gia đình.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 2.

Bữa ăn học đường ở Nhật được triển khai từ năm 1945, lúc đó chỉ có sữa. Đến năm 1951, nước này mới triển khai bữa trưa hoàn chỉnh, gồm protein (thịt), bánh mì, rau quả. Cho tới nay thì luôn có sữa tươi trong khẩu phần bữa trưa hàng ngày.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 3.

Hình ảnh so sánh bữa trưa học đường của Nhật Bản ở từng giai đoạn

Hiện tại, tỷ lệ triển khai bữa trưa học đường ở Nhật Bản đạt 99% tại các trường tiểu học và 91,5% tại các trường trung học cơ sở. Kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023 cho thấy: Chiều cao trung bình của người Nhật thay đổi mạnh với nam đạt 1m72; nữ đạt 1m58, tình trạng suy dinh dưỡng cũng giảm đáng kể.

Từ câu chuyện của nước Nhật và thực trạng dinh dưỡng người Việt, GS. Nakamura đưa ra lời khuyên cần tập trung vào bữa ăn học đường. Theo ông, đây là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng ngừa suy dinh dưỡng và béo phì ở trẻ em.

Bên cạnh đó, cần chú trọng sữa tươi trong bữa ăn học đường. Bữa ăn của người Việt hiện nhiều chất béo, đạm, bột đường, ít rau xanh, nhiều muối; sữa vẫn chưa trở thành một thành phần "phải có". Trong khi đó, sữa tươi là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ Nhật Bản.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 4.

Th.s Josselyn Neukom, đến từ trường Đại học Princeton, Mỹ cũng đưa ra khuyến khích cần tập trung vào dinh dưỡng học đường. Bà nhấn mạnh: "Trường học là môi trường lý tưởng để khuyến khích trẻ em duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vì đây là nơi các em dành phần lớn thời gian hàng ngày".

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 5.

Theo thông tin từ Ths. Josselyn, tại Mỹ, tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa sáng và bữa trưa học đường rất nghiêm ngặt. Các bữa ăn phải đáp ứng mức tối thiểu và tối đa phù hợp với độ tuổi, ví dụ quy định của năm 2024 là 350-500 kcal cho học sinh giai đoạn từ mẫu giáo đến lớp 5, 400-550 kcal cho lớp 6-8 và lên đến 750-850 kcal cho lớp 9-12.

Ngoài ra, bữa sáng và bữa trưa tại trường phải cung cấp ít nhất một cốc đầy trái cây hoặc rau củ, ưu tiên các loại rau màu xanh đậm, rau củ màu đỏ/cam và đậu, ít nhất 80% lượng ngũ cốc cung cấp trong các bữa ăn phải là nguyên hạt. Các bữa ăn cũng phải chú ý giảm lượng muối, giới hạn lượng đường bổ sung, giới hạn chất béo không lành mạnh, cung cấp đầy đủ nước uống.

Giống như Nhật Bản, Mỹ cũng rất chú trọng đến sữa học đường. Mỗi bữa sáng và bữa trưa của học sinh Mỹ đều có 1 cốc sữa tươi ít béo (1%) hoặc không béo.

Ngoài các bữa ăn, học sinh Mỹ cũng được giáo dục về dinh dưỡng thông qua các bài giảng tích hợp vào chương trình học chính khóa. Điều này giúp các em nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.

Luật Dinh dưỡng học đường để chuẩn hóa bữa ăn học đường

Cả GS. Nakamura, Th.s Josselyn và PGS.TS Nguyễn Phương Mai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Luật Dinh dưỡng học đường.

Tại Nhật Bản, một trong những quyết sách giúp người Nhật phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực, là "Luật Bữa trưa học đường" được ban hành năm 1954, với các hạng mục chính gồm Tiêu chuẩn về bữa trưa; Tiêu chuẩn dinh dưỡng; Xác định tiêu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng cần thiết; Tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh bữa trưa.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 6.

Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng" (Shokuiku Basic Act), đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp các thực phẩm đạt chuẩn và nâng cao hiểu biết người dân về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng. Có thể thấy, Luật Dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với thực trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội.

Còn tại Mỹ, nhiều đạo luật về dinh dưỡng học đường cũng được ban hành, như Đạo luật Bữa trưa Học đường Quốc gia năm 1946, Đạo luật Dinh dưỡng Trẻ em năm 1966, Đạo luật Trẻ em khỏe mạnh, không đói năm 2010.

Theo Ths. Josselyn, một chương trình dinh dưỡng học đường đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu là sự kết hợp tổng hòa giữa nhiều bên. Đó là chính sách và nguồn lực từ Chính phủ, trường học, sự hợp tác của quản lý nhà trường, chương trình giảng dạy, môi trường xã hội và cả dịch vụ y tế,... Để nâng cao dinh dưỡng học đường thì cần phải có phương pháp tiếp cận hệ thống.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Mai cho rằng, một bộ luật về dinh dưỡng học đường chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước.

Với những can thiệp dinh dưỡng phù hợp, những lợi ích gặt hái được có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động

Trước những bài học của thế giới, các chuyên gia đều nhận định, việc sớm có Luật Dinh dưỡng học đường ở Việt Nam là rất cần thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo Thể chất, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, các nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường; đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học".

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, GS.TS Lê Thị Hợp, Nguyên Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cũng chỉ ra: Luật hóa vấn đề dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.

Chuyên gia Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan hiến kế cải thiện tầm vóc người Việt - Ảnh 7.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động đồng hành trong lĩnh vực sức khỏe học đường, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH cho rằng, việc xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường rất quan trọng, là cơ sở chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam, giúp trẻ phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực.

"Tôi cho rằng, để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định về luật pháp đủ rộng và bao trùm. Hiện đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn rồi, thì chúng ta đưa ra Luật Dinh dưỡng học đường, như Nhật Bản, là bao trùm nhất. Luật này quy định cả về dinh dưỡng, hoạt động thể chất, nhân lực, giáo dục dinh dưỡng…",  bà Thái Hương đề xuất.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Quan hệ công chúng: Ngành học của những phù thủy nâng tầm thương hiệu

Trong số những ngành học về xây dựng và phát triển hình ảnh doanh nghiệp, Quan hệ công chúng (Public Relations - PR) đang trở thành lựa chọn làm say lòng nhiều Gen Z. Nếu bạn yêu thích hoạt động kết nối, giao tiếp và quản trị thương hiệu thì hãy dành một chút thời gian tìm hiểu, vì rất có thể đây chính là ngành học dành cho bạn.