Chuyên gia Nga: "Thợ săn đêm" Mi-28N và "Cá sấu" Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào?

Hoài Giang | 05-06-2022 - 15:15 PM

(Tổ Quốc) - Thông qua bài viết được Topwar đăng tải, nhà phân tích Roman Skomorokhov cho rằng đã có "kết luận cuối cùng" về trực thăng vũ trang nào tốt hơn - Mi-28N hay Ka-52?

Cuộc tranh cãi 10 năm về "Thợ săn đêm" và "Cá sấu"

Cuộc thảo luận "mèo nào cắn mỉu nào" giữa hai trực thăng tấn công trong trang bị của Quân đội NgaMi-28N "Thợ săn đêm" và Ka-52 "Cá sấu" đã diễn ra trong hơn 10 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để bắt đầu so sánh, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ động cơ của 2 trực thăng. Cả Mi-28N và Ka-52 đều trang bị động cơ Klimov VK-2500.

Do Mi-28N phải phân bổ một phần năng lượng từ động cơ cho cánh quạt đuôi, điều này giúp Ka-52 có thể leo cao hơn "đối thủ" 500 mét.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 1.

Động cơ Klimov VK-2500 (Nguồn: Topwar.ru).

Nhưng điều này có thực sự là ưu điểm của Ka-52 hay không?

Các phi công trực thăng đã từng bay cả hai trực thăng cho biết rằng khác biệt trong thiết kế giúp Mi-28N nhẹ hơn và dễ bay hơn Ka-52.

Về thiết kế khí động học, Ka-52 chiều dài nhỏ hơn còn Mi-28 có chiều cao thấp hơn.

Điều đó có nghĩa là Mi-28N ổn định hơn khi gặp gió xoáy nhưng - không giống như Ka-52 - các phi công của nó không thích thú gì với càng luồng gió từ hai phía khi hạ cánh và bay lơ lửng, đặc biệt là từ bên phải.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 2.

Trực thăng vũ trang Mi-28N "Thợ săn đêm" (Nguồn: Topwar.ru).

Ka-52 lại có một nhược điểm rất lớn.

Đó là trong trường hợp cơ động cao, có thể xảy ra hoạt động "chồng chéo" giữa 2 cánh quạt nâng đồng trục và dẫn đến thảm họa - điều đã từng xảy ra trong thực tế.

Thêm vào đó, do 2 cánh quạt của Ka-52 được bố trí đồng trục là điển hình của một hệ thống khí động học cân bằng hoàn hảo nên việc chỉ 1 cánh quạt hư hỏng sẽ dẫn đến hư hỏng và sau đó có thể là tai nạn.

Và việc có 2 cánh quạt nâng đồng trục rõ ràng là tăng gấp đôi nguy cơ thiệt hại do phòng không đối phương.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 3.

Trực thăng vũ trang Ka-52 "Cá sấu" (Nguồn: Topwar.ru).

Mi-28N thừa hưởng khả năng sống sót đáng kinh ngạc từ "tổ tiên" của nó là Mi-24. Ở Afghanistan và Chechnya, những chiếc Mi-24 bị tấn công và mất cánh quạt thậm chí đã "lết" được về tới căn cứ và hạ cánh.

Phi hành đoàn của Ka-52 có lẽ chỉ có thể trông đợi vào hệ thống cứu hộ phi hành đoàn được đánh giá là rất tốt.

Mi-28N được bọc thép mạnh mẽ hơn nhưng Ka-52 cơ động hơn nhiều.

Phi công và xạ thủ được bố trí ngồi cạnh nhau trong buồng lái của Ka-52 giúp họ tương tác tốt hơn trong chiến đấu khi các kênh liên lạc vô tuyến bị quá tải hoặc chế áp - bù lại cách bố trí buồng lái Mi-28N giúp phi hành đoàn của nó có khả năng quan sát tốt hơn.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 4.

Mi-28N khai hỏa pháo 30 mm 2A42.

Về vũ khí, cả 2 trực thăng đều được trang bị pháo 30 mm 2A42 với tầm bắn khoảng 4 km.

Pháo được bố trí tại mũi của Mi-28N giúp nó có thể xoay 220 độ sang trái và phải - còn ở Ka-52, pháo được bố trí ở bên hông khiến nó khó bắn chính xác hơn. Bù lại cơ số đạn 30 mm trên Ka-52 là 460 viên, nhiều hơn so với 250 viên của Mi-28N.

Về nguyên tắc, vũ khí của cả 2 trực thăng tương tự nhau, nhưng Ka-52 có nhiều mấu cứng hơn - cụ thể là 6 - cho phép mang tới 2 tấn vũ khí nếu so với 4 mấu và 1,6 tấn của Mi-28N.

Ngoài ra vũ khí chủ lực của Mi-28N hiện tại được cho là chỉ dừng ở Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) 9M120 Ataka-V với tầm bắn khoảng 6 km còn Ka-52 được trang bị ATGM 9K121 Vikhr, có thể hoạt động ở cự ly tới 10 km.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 5.

Pháo 2A42 trên Ka-52.

Tuy nhiên, 9M120 có thể được điều khiển bằng vô tuyến - khiến đối phương có ít cơ hội áp sát hơn nếu so với việc dẫn đường bằng tia lazer trên 9K121.

Mi-28 có tới 16 ống phóng Ataka-V, nhiều hơn đáng kể nếu so với 12 ống Vikhr của Ka-52. Ka-52 lại được trang bị tên lửa phòng không Igla-V như vũ khí tiêu chuẩn khiến nó có thể tự vệ trước các đối thủ trên không.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 trực thăng có lẽ nằm ở hệ thống máy tính điều khiển, định vị và ngắm bắn.

Nhìn chung Ka-52 có thiết bị hiện đại và nhỏ gọn hơn, nhưng các thiết bị trên Mi-28 phức tạp hơn và cho phép nhận thông tin trinh sát trực quan hơn, thuận tiện hơn cho phi hành đoàn xác định trực thăng hoặc khí tài khác của đối phương.

Ngoài ra, radar của Ka-52 được lắp ở mũi, tức là về cơ bản trực thăng "nhìn" được phía trước còn radar của Mi-28N được lắp ở mũi và phía trên cánh quạt giúp nó "nhìn" ở 360 độ và thậm chí là có thể "nhìn trộm" từ phía sau nơi ẩn nấp để xuất hiện nhanh chóng và khai hỏa.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 6.

Một chiếc Ka-52 với 2 cụm ống phóng rocket B-8V20A, 6 ATGM Vikhr và 6 Ataka-V cùng 4 tên lửa Igla-V.

"Kết luận cuối cùng"

Sau nhiều năm thực chiến, hóa ra các trực thăng vũ trang Nga đang hoạt động theo cặp và sự kết hợp giữa Mi-28N và Ka-52 hóa ra rất hiệu quả. Mi-28N thường bay trước đóng vai trò trinh sát và ở một khoảng cách ngắn phía sau là Ka-52.

Chiến thuật này khá hợp lý vì Mi-28N có lớp giáp và hệ thống phát hiện mục tiêu tốt hơn. Ngoài ra, pháo 30 mm của Mi-28N cho góc bắn lớn hơn mà không bị thay đổi hướng đi và giảm tốc độ.

Do vậy Mi-28N phù hợp hơn với vai trò trinh sát - cung cấp dữ liệu mục tiêu cho Ka-52 cũng như đóng vai trò "mở bài" tấn công. Ka-52 sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ - kể cả với các nguy cơ từ trên không - và "kết bài" với số vũ khí ấn tượng mà nó trang bị.

Kết quả là chúng ta có thể nói rằng 2 trực thăng có vai trò gần như ngang nhau. Ưu điểm của chiếc này sẽ bù đắp nhược điểm của chiếc còn lại và nhìn chung cho đến khi trực thăng trinh sát Ka-60 "ra lò", Mi-28N và Ka-52 vẫn sẽ là một "cặp đôi" rất cân bằng.

Và với việc Mi-28NM và Ka-52M với lớp giáp được gia cố, radar hiện đại hơn và động cơ mạnh hơn sẽ sớm được đưa vào sản xuất, cặp đôi này vẫn sẽ tung hoành dài dài.

Chuyên gia Nga: Thợ săn đêm Mi-28N và Cá sấu Ka-52 - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 7.

Hình minh hoạ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM