Chuyên gia giấc ngủ Craig Canapari, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa Yale tại Mỹ chia sẻ cách thức giúp cha mẹ có thể luyện ngủ thành công cho các bé đã lớn tuổi.
Nếu con bạn được chuyển từ ngủ cũi sang ngủ giường nhưng liên tục có những giấc ngủ chập chờn, tôi có thể chắc chắn hai điều. Điều đầu tiên, bạn sẽ chán ngấy và mệt mỏi. Điều thứ hai, các phương pháp luyện ngủ cho con nổi tiếng như "Cry It Out" (Tạm dịch: "hãy để bé khóc") cũng đều sẽ thất bại.
Lúc này con bạn đã khá lớn, có cá tính riêng, khá bướng bỉnh, nhưng đừng vội thất vọng! Là giám đốc của Trung tâm Nhi khoa Yale, chuyên gia về giấc ngủ của trẻ, tôi sẽ chia sẻ cho các bạn giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Cho dù bố mẹ lựa chọn phương pháp luyện ngủ nào thì cũng đều sẽ cần phải hạn chế để con nhìn thấy mặt mình nhiều nhất trong giờ đi ngủ, đầu tiên có thể bố mẹ chỉ cần vắng mặt 1 lúc, nhưng sau đó hãy tăng dần số lần bố mẹ vắng mặt trong giờ ngủ của con.
Ngoài ra, khi bố mẹ quay lại phòng con sau một hồi lâu vắng mặt, hãy dành lời khen thật tích cực cho con, như thể con đã làm được một điều thật vĩ đại, tuyệt vời. Bố mẹ có thể nói với con: "Ngủ trên giường này trông con như thiếu nữ rồi", "Nhìn con ngủ thoải mái chưa kìa! Mẹ rất tự hào vì con có thể tự ngủ 1 mình như một người lớn rồi"… Sự quan tâm và khen ngợi thật tích cực chính là động lực to lớn cho con trẻ.
Bắt đầu bằng diễn tập
Việc thử thay đổi 1 lịch trình đi ngủ mới có thể giúp cả bố mẹ và trẻ (vốn đang sợ hãi với việc phải ngủ 1 mình) thiết lập được thói quen ngủ tốt hơn. Dưới đây là một số cách để tập cho trẻ ngủ riêng thành công:
- Mô phỏng một giấc ngủ ngắn: Không nhất phải đánh răng và đọc truyện trước khi ngủ, nhưng cần tập cho làm quen với các bước của quá trình luyện ngủ, cho trẻ đi ngủ đúng giờ và biểu dương trẻ sau khi trẻ đã có một giấc ngủ ngon.
- Hãy biến giấc ngủ thành điều vui vẻ: Bố mẹ có thể cùng con đóng kịch, bố mẹ sẽ đóng vai trẻ và trẻ sẽ đóng vai bố mẹ (nếu có thể thì mặc thêm đồ ngủ nhé), hoặc bố mẹ có thể gợi ý con đóng kịch cùng gấu bông. Hãy biến việc trẻ tự ngủ 1 mình thành điều thú vị, trẻ sẽ hào hứng và nhanh chóng thích nghi.
- Diễn tập cho trẻ vài lần mỗi tuần: Với các bậc cha mẹ còn bận bịu đi làm tối về chỉ muốn một giấc ngủ yên tĩnh thì điều này khá khó khăn, nhưng tin tôi đi là càng luyện tập nhiều thì sẽ càng tốt, nhưng nếu quá bận bạn chỉ có thể tập cho con ngủ 1 mình vào cuối tuần cũng không sao.
- Diễn tập vài giờ trước giờ ngủ chính thức: Nếu bạn không muốn phải tập cho con vào sát giờ cần đi ngủ, đó thường là khoảng thời gian trẻ khá quấy thì có thể tập cho con ngủ vào buổi sáng hoặc buổi chiều.
Phương pháp luyện ngủ Take a Break
Phương pháp luyện ngủ Take a Break (tạm dịch là "Nghỉ giải lao") là một trong những phương pháp luyện ngủ yêu thích của tôi vì nó khá nhẹ nhàng. Để bắt đầu thì bạn cần nắm được con mình sẽ mất bao nhiêu thời gian để chìm vào giấc ngủ sau khi tắt đèn.
Giả sử bạn tắt đèn lúc 8h tối và con bạn sẽ chìm vào giấc ngủ lúc 8h20. Trong khoảng thời gian 20 phút đó, bố mẹ nên rời khỏi phòng và nghỉ giải lao (Take a Break) trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó quay trở lại.
Đây là cách thức để việc luyện ngủ diễn ra hiệu quả:
- Lặp lại quy trình một hoặc hai lần trong ngày để con biết điều gì sẽ xảy ra.
- Tạo thành thói quen trước khi đi ngủ, hãy nói với con những câu như sau: "Mẹ yêu con. Đến giờ đi ngủ rồi. Chúc con ngủ ngon". Sau đó yên lặng ở trong phòng.
- Vào khoảng 8h10, hãy nói với trẻ bạn cần ra ngoài nghỉ 1 lát, sau đó ra khỏi phòng con và hứa sẽ quay lại sớm.
- 1 phút sau, quay trở lại phòng con, dành thật nhiều lời khen ngợi cho con như: "Nhìn con lớn thật rồi! Con đã ở trên giường và làm rất tốt!". Bố mẹ cũng có thể dành cho con những cái ôm và nụ hôn.
- Bố mẹ ở lại cho đến khi con ngủ.
Vào đêm hôm sau bố mẹ lặp lại cách thức tương tự, nhưng tăng thời gian rời phòng con lên lâu hơn thành 2 phút, rồi đêm sau đó lên 3 phút…
Thời gian rời phòng tăng dần, con bạn sẽ từ từ tăng khả năng thích nghi với việc ở một mình vào ban đêm, mục tiêu là để con ngủ trong giờ bố mẹ ra ngoài nghỉ giải lao. Nếu con nghe lời, điều quan trọng vẫn là bố mẹ phải tuân thủ lời hứa trở về phòng của con sau đó.
Cho đến khi con có thể tự ngủ 1 mình trong một tuần (hoặc trong thời gian bố mẹ nghỉ giải lao (Take a Break)) thì việc luyện ngủ hoàn thành.
Phương pháp luyện ngủ Excuse-Me Drill
Phương pháp luyện ngủ Excuse-Me Drill (tạm dịch là "diễn tập lời xin lỗi") là một biến thể khác của phương pháp luyện ngủ Take a Break, rất ngắn và phù hợp với những trẻ có xu hướng khóc, la hét hoặc dậy đi theo khi bố mẹ đi ra khỏi phòng dù chỉ thời gian ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ yêu cầu bố mẹ phải tốn công sức hơn.
Hãy luyện tập phương pháp luyện ngủ này một hoặc hai lần trong ngày để con bạn biết qua điều gì sẽ xảy ra.
- Vẫn thực hiện đầy đủ các thói quen trước khi đi ngủ cùng con, nói lời chúc ngủ ngon với con
- Sau khi tắt đèn được 1 lúc, hãy nói với trẻ rằng bố/mẹ cần ra ngoài để làm điều gì đó một lúc. (Đây được gọi là phương pháp luyện ngủ bằng lời xin lỗi vì các câu nói của bố mẹ nói với con sẽ đều bắt đầu bằng từ "Xin lỗi" – Ví dụ: "Xin lỗi con, mẹ cần ra ngoài kiểm tra điểm/tỉ số trận bóng rổ, giá của Bitcoin… một lúc")
- Bố mẹ ra ngoài trong khoảng thời gian 30 - 60 giây (khoảng thời gian đủ để trẻ kiên nhẫn chờ đợi mà không bước ra khỏi giường), sau đó quay lại và khen ngợi con bằng nhiều câu khen tích cực nhất.
- Một chút sau, lại xin lỗi con để bước ra ngoài trong một khoảng thời gian rất ngắn.
- Đêm đầu tiên luyện ngủ, bố mẹ hãy thực hiện điều này từ 20 đến 30 lần. Mỗi khi quay lại phòng, hãy dành tình cảm và sự quan tâm để củng cố bản lĩnh của trẻ khi xa bạn.
Vào đêm thứ hai, bố mẹ hãy tăng dần thời gian ra khỏi phòng. Mỗi đêm, thời gian ra ngoài sẽ ngày càng dài hơn cho đến khi con bạn bắt đầu buồn ngủ và ngủ mà không cần có bố mẹ ở đó. Đến khi nào trẻ có thể tự ngủ như vậy được một tuần, bạn đã luyện ngủ thành công cho trẻ.