Là một nhà khoa học thần kinh, Charan Ranganath, giáo sư tại Trung tâm Khoa học thần kinh và Khoa Tâm lý học UC Davis, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Trí nhớ Động (Hoa Kỳ), đã nghiên cứu khoa học về trí nhớ trong 25 năm qua.
Ông cho biết một câu hỏi thú vị mà mọi người thường hỏi là: "Có phải càng có tuổi tôi càng đãng tí đi không?". Ranganath nói: "Tôi không trách ai đã hỏi câu hỏi đó. Thời gian trôi qua, nhiều người trong chúng ta càng thấy mình quên mất những điều quan trọng hơn và thường xuyên hơn".
Charan Ranganath (áo trắng), giáo sư tại Trung tâm Khoa học thần kinh và Khoa Tâm lý học UC Davis, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Trí nhớ Động (Hoa Kỳ). (Ảnh: The New York Times)
Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ từng đăng bài viết cho rằng, bộ não con người nhìn chung bắt đầu lão hóa ở độ tuổi 30, sau 40 tuổi, quá trình trao đổi chất trong cơ thể dần chậm lại, chức năng của tế bào não cũng giảm sút; sau tuổi 60, não co lại với tốc độ 15% mỗi năm.
Ngoài ra, căng thẳng, xúc động hay thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Nếu bạn bị căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone gây căng thẳng, thậm chí là rối loạn nội tiết hoặc thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ.
Viết trên trang CNBC, Ranganath cho biết tin tốt là bạn có thể ngăn ngừa tình trạng mất trí nhớ bằng cách tránh 4 thói quen phổ biến có thể làm hỏng trí nhớ khi bạn già đi.
1. Đa nhiệm quá nhiều
Ranganath cho biết con người dựa vào một vùng não gọi là vỏ não trước trán để chú ý đến thế giới xung quanh. Thật không may, chức năng vỏ não trước trán và khả năng tập trung của con người có xu hướng suy giảm theo thời gian.
Ông nói: "Làm nhiều việc cùng lúc khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Nó làm suy giảm trí nhớ, gây căng thẳng cho vỏ não trước trán và làm cạn kiệt các nguồn lực thường giúp chúng ta hình thành những ký ức mạnh mẽ".
Vậy làm thế nào để cải thiện trí nhớ? Ranganath khuyên bạn nên đặt điện thoại ở chế độ tập trung và dành thời gian trong lịch trình để thực hiện các tác vụ cụ thể. Bao gồm thiền, mơ mộng, đi dạo hoặc bất kỳ hoạt động thư giãn nào giúp bạn trẻ lại. Đừng cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc.
2. Không chú ý đến chất lượng giấc ngủ
Số lượng và chất lượng giấc ngủ của con người có xu hướng giảm khi họ già đi vì nhiều lý do. Chất kích thích, rượu và căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Ranganath viết: "Trong khi bạn ngủ, não của bạn làm việc chăm chỉ. Nó loại bỏ các chất thải trao đổi chất tích tụ trong ngày. Ký ức cũng được kích hoạt, tạo ra mối liên hệ giữa các sự kiện khác nhau mà chúng ta đã trải qua".
Vì vậy, thiếu ngủ có thể tàn phá vỏ não trước trán và dẫn đến sự phân mảnh trí nhớ. Ông khuyên mọi người nên cố gắng tránh xa màn hình, ăn nhiều, uống cà phê và rượu trước khi đi ngủ.
Nếu bạn khó ngủ vào ban đêm, ngủ trưa vào ban ngày cũng có thể hữu ích.
Ai cũng biết tầm quan trọng của giấc ngủ nhưng mất ngủ là vấn đề phổ biến của nhiều người, nó không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ mà còn khiến việc học tập, làm việc kém hiệu quả.
3. Hoạt động quá đơn điệu
Mọi người có xu hướng ghi nhớ các sự kiện bằng cách liên kết các thông tin như những điều liên quan đã xảy ra, thời gian và địa điểm chúng xảy ra, điều này được gọi là trí nhớ phân đoạn.
Những tín hiệu gắn liền với một địa điểm và thời gian cụ thể, chẳng hạn như một bài hát bạn chưa từng nghe kể từ thời trung học hoặc mùi nấu ăn cũ của bà bạn, có thể gợi lên những ký ức sống động theo từng giai đoạn.
Ranganath nói: "Điều này chỉ hiệu quả nếu trải nghiệm của bạn phù hợp với bối cảnh tương đối đa dạng. Nó sẽ kém hiệu quả hơn đối với những trải nghiệm đơn điệu".
Mọi người thường nhận thấy rằng trong một tuần khi họ gần như đắm chìm hoàn toàn vào bàn làm việc, làm việc với email hoặc xem video trên mạng xã hội, bộ não của họ hầu như không còn ký ức về những trải nghiệm trong tuần.
Ranganath khuyên bạn nên xem xét đa dạng hóa thói quen hàng ngày của mình, chẳng hạn như đi dạo thay vì ăn uống ở nhà hàng, dành thời gian với nhiều người, đi đến những nơi khác nhau và thử những trải nghiệm mới, tất cả sẽ xây dựng nên mối quan hệ của bạn.
4. Quá tự tin vào trí nhớ của mình
Ranganath viết: "Tôi đã có những khoảnh khắc khi gặp ai đó, tôi chắc chắn rằng mình đã nhớ tên của họ, nhưng sau đó lại bối rối vì không thể nhớ được".
Ông nói thêm rằng nếu bạn muốn làm điều gì đó liên quan đến trí nhớ, chẳng hạn như khi bạn được giới thiệu với một nhóm người hoặc cố gắng học ngoại ngữ, trước tiên hãy chấp nhận rằng bạn có thể đang đánh giá quá cao khả năng ghi nhớ mọi thứ của mình.
"Bước tiếp theo là cho phép bản thân phạm sai lầm," ông nói.
Làm thế nào để cải thiện trí nhớ? Cách học hiệu quả nhất không phải là học thuộc lòng một điều gì đó mà là kiểm tra xem bạn có thể nhớ được bao nhiêu sau khi học điều gì đó trong vài phút; rồi làm bài kiểm tra khác một giờ sau đó...
Nguồn: CNBC