Đó là vấn đề quan trọng được chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn (hiện đang công tác tại ĐH Worcester - Anh) rút ra trong một bài viết về chủ đề phát triển chiều cao cho trẻ nhỏ dưới đây:
Yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Như chúng ta đã biết, chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: gen di truyền và môi trường.
Gen di truyền: là nguyên liệu di truyền từ bạn và chồng bạn. Nó gần như cố hữu và khó kiểm soát.
Môi trường bao gồm các yếu tố như dinh dưỡng, ngủ, vận động, bệnh...
Nghiên cứu của nhóm TS. Polderman, ĐH VU Amsterdam (Hà Lan) đã tìm thấy 20 tính trạng liên quan đến nhóm tuổi, và vai trò của gen di truyền ảnh hưởng đến chiều cao có tác động nhiều hơn ở độ tuổi từ 12-17 so với độ tuổi 0-11 tuổi. Một phân tích khác tiến hành trên gần 200.000 trẻ song sinh từ 20 quốc gia bởi TS. Jelenkovic, ĐH Hensinski (Phần Lan), đã nhận ra các nhân tố môi trường ảnh hưởng khá quyết định trong 11 năm đầu đời. Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa rằng chúng ta nếu muốn đầu tư chiều cao cho trẻ thì nên đầu tư sớm và ngay giai đoạn này vì phần lớn các yếu tố môi trường ở giai đoạn này đều có thể kiểm soát.
Đầu tư phát triển chiều cao cho con như thế nào?
1. Đầu tư vào vận động, hơn là để các con nằm dài chơi điện thoại hay xem TV
Vận động hợp lý sẽ giúp kích thích sự phát triển chiều cao. Lối sống năng động cũng giúp hoat động của lợi khuẩn đường ruột trẻ tốt hơn, thèm ăn, và giảm nguy cơ thừa cân béo phì.
Do đó, các bé dưới 5 tuổi khuyến khích nên có lối sống năng động mỗi ngày. Để đạt được điều này, trẻ cần tránh sử dụng thiết tử điện tử (TV, Ipad, điện thoại) không quá 60 phút/ngày.
Trẻ từ 5-11 tuổi có thể giới thiệu để tham gia 1 loại hình thể thao bài bản thích hợp như bơi lội, đá bánh, học võ… Chỉ cần duy trì ít nhất 60 phút/tuần (5-10 tuổi), 90 phút/tuần (trẻ trên 10 tuổi).
2. Hạn chế tình trạng thừa cân béo phì sau 2 tuổi
Thừa cân béo phì sẽ làm trẻ tích trữ mỡ trong cơ thể, tăng nguy cơ tim mạch, gan nhiễm mỡ và hơn hết làm trẻ giảm vận động và hấp thu vitamin D kém.
3. Trẻ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng theo độ tuổi.
Trẻ nên bú sữa mẹ ngay sau sinh và duy trì nó lâu nhất có thể sau đó. Trẻ nên được tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi, bắt đầu từ cháo nghiền rây nhuyễn rồi đến các thức ăn khác để trẻ quen dần vị thức ăn tự nhiên. Sau đó tăng độ thô dần. Đến hơn 1 tuổi trẻ cần làm quen với kĩ năng nhai và ăn được cơm nát.
Chế độ ăn cần cân bằng và đầy đủ vitamin khoáng quan trọng cho chiều cao như vitamin D, sắt, canxi... Canxi nên đến từ thực phẩm để hấp thụ tốt và an toàn nhất. Nguồn đạm cũng quan trọng cho tăng trưởng. Nên đa dạng nguồn đạm cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày và trong tuần. Ví dụ mỗi tuần, trẻ cần 2 ngày thịt bò, heo, 2 ngày cá và hải sản, 2 ngày thịt gà, gia cầm hay trứng và 1 ngày trẻ có thể lấy đạm từ những nguồn khác như các loại đậu, đậu hủ hoặc hải sản.
4. Chế biến thức ăn cho trẻ hợp vệ sinh và tránh để trẻ bệnh, đặc biệt các vấn đề rối loạn tiêu hóa. Có thể dùng sữa chua hay sữa uống lên men có bổ sung lợi khuẩn từ 6 tháng tuổi để gia tăng lợi khuẩn đường ruột cho trẻ.
5. Ngủ là một phần quan trọng của tuổi nhỏ vì phần lớn thời gian trẻ ngủ (12-14 tiếng/ngày) trước 5 tuổi. Giờ ngủ nên thiết lập sớm khi trẻ bước sang 10 tháng tuổi để trẻ quen với việc tự đưa cơ thể vào giấc ngủ. Thiết lập giờ ngủ bằng việc tạo lập lại 3 bước bên dưới cho đến khi trẻ quen với giờ ngủ:
Bước 1: Giờ lên giường cho hugging time: cha hoặc mẹ cùng bé có hoạt động trên giường như đọc sách, vui chơi, nói chuyện... không nên có các hoạt động liên quan đến màn hình điện tử.
Bước 2: Hôn hoặc nói 1 câu nào đó để trẻ nhận ra đến giờ ngủ, tắt đèn (nếu được).
Bước 3: Trong thời gian ngủ, trẻ có cựa quậy hay khóc, thậm chí ngồi dậy, bạn đợi 3-5 phút để trẻ tự rơi vào giấc ngủ, hơn là ôm vỗ bé liền, điều này là thông thường và hầu hết trẻ sẽ quay lại ngủ. Trẻ khỏe mạnh bú đêm sau 1 tuổi là không khuyến khích vì chỉ là do thói quen chứ không phải là nhu cầu đòi sữa, nên giảm cữ bú đêm và đẩy về 4-5 giờ sáng trong 2 tuần, điều này có lợi ích cho giấc ngủ của trẻ.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.