Trong cuộc sống thường ngày, những đôi giày tương tự như quần áo, là trang phục không thể thiếu của mỗi người. Tuy nhiên khác với quần áo, người dùng thường "ngại" giặt giày hơn.
Thay vì giặt sạch ngay sau khi sử dụng, những đôi giày thường chỉ được làm sạch khi trông đã quá bẩn hoặc bốc mùi khó chịu. Việc làm này vô tình khiến cho vết bẩn bám vào giày hình thành lâu ngày, dẫn đến khó vệ sinh hơn.
Người dùng thường để đôi giày khi đã cực kỳ bẩn thì mới chú ý đến làm sạch. (Ảnh minh họa)
Phương pháp vệ sinh thường thấy được áp dụng vào những đôi giày đó chính là dùng bàn chải đánh, cọ, hoặc giặt bằng tay. Nhiều người dùng nghĩ rằng, máy giặt không thể giặt được giày và có thể gây ra hỏng hóc cho đôi giày.
Tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm. Khi đôi giày đang có tình trạng bẩn nặng hoặc nặng mùi, cách làm sạch tốt nhất là với máy giặt. Giày được xử lý với máy giặt không những được làm sạch hiệu quả mà chính bản thân con người cũng sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức.
Giày hoàn toàn có thể được vệ sinh bằng máy giặt. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, máy giặt cũng sẽ có chế độ vắt khô hơn, tiết kiệm thời gian phơi đáng kể.
Những loại giày có thể giặt bằng máy
Đa phần các loại giày đều có thể giặt bằng máy giặt. Từ giày người lớn hay giày cho trẻ em, các loại giày làm từ cotton, nylon, polyeste hay một số các chất liệu phổ thông khác.
Các loại giày từ da, cho dù là da giả hay da thật, giày từ vải satin hay lụa thì không phù hợp để làm sạch bằng máy giặt. Bởi trong quá trình quay vắt, hệ thống có thể không may làm trầy xước hoặc hỏng lớp vải trên bề mặt giày.
Giày da hay giày lụa satin không phù hợp để làm sạch với máy giặt. (Ảnh minh họa)
Vì vậy trước khi cho giày vào máy giặt, cần kiểm tra kỹ chất liệu của chúng. Thêm vào đó là các ký hiệu ghi ở nhãn mác, hộp giày, cho biết giày có phù hợp với việc giặt máy hay không, nên ở nhiệt độ và chế độ giặt như thế nào cho phù hợp.
Các bước giặt giày bằng máy giặt
Một chuyên gia, nhà sáng lập của một công ty giày Canada, với hơn 25 năm kinh nghiệm chăm sóc giày đã đưa ra lời khuyên cho người dùng khi muốn làm sạch giày bằng máy giặt trên chuyên trang WikiHow.
Theo đó, không chỉ đơn thuần là cứ cho giày vào máy giặt, chọn chế độ và cứ thế là xong. Chúng ta cũng cần chuẩn bị các bước cơ bản trước khi thực hiện công đoạn cho vào máy.
Trước khi cho giày vào máy
Đầu tiên đó là loại bỏ sơ lược các mảnh vụn trên bề mặt giày. Nếu giày của bạn dính nhiều bụi, các hạt sạn, cỏ hay bùn đất, hãy dùng bàn chải hoặc khăn ẩm lau toàn bộ chúng đi. Nếu những chất bẩn, mảnh vụn có kích thước lớn này được đưa trực tiếp vào máy giặt có thể khiến tình trạng giày của bạn tồi tệ hơn, ngoài ra tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn đường ống của thiết bị.
Nếu phần đế giày quá bẩn, bạn cũng có thể xử lý qua bằng cách dùng bàn chải và dung dịch xà phòng ấm để chà cọ. Cuối cùng là gõ, đập giày vào thành thùng rác để bụi bẩn bên trong giày đi ra bớt.
Nếu giày có những mảnh vụn, bụi bẩn kích thước lớn, hãy làm sạch qua trước khi cho vào máy giặt. (Ảnh minh họa)
Bước tiếp theo là tháo dây giày và các miếng lót giày bên trong ra. Những phần nhỏ này của đôi giày nên được giặt riêng hoặc giặt tay. Xong các bước chuẩn bị, lúc này ta đã có thể cho giày vào máy giặt.
Cho giày vào máy
Một mẹo nhỏ khi cho giày vào máy giặt đó là bạn có thể sử dụng những chiếc túi lưới để bảo vệ đôi giày. Nếu không có, có thể sử dụng những chiếc áo gối để thay thế. Cách làm này có thể bảo vệ giày của bạn khỏi những vòng xoay mạnh của thiết bị.
Ngoài ra, để giảm thiểu tiếng ồn phát ra khi máy giặt hoạt động, bạn cũng có thể cuốn thêm một lớp khăn xung quanh giày trước khi cho vào máy giặt.
Có thể cho giày vào những túi lưới hoặc vỏ gối để giày được bảo vệ tốt hơn trong quá trình giặt. (Ảnh minh họa)
Tháo dây giày nếu cần thiết, cho vào bên trong máy giặt vài lớp khăn để giảm tiếng ồn khi giặt giày. (Ảnh minh họa)
Khi cho giày vào máy giặt, hãy chọn chế độ giặt nhẹ với nước lạnh (nhiệt độ dưới 30 độ C). Việc làm này sẽ giúp hạn chế sự phai màu của vải và bảo vệ các hình in nếu có. Nước nóng sẽ khiến các hình in bị nứt, vỡ, màu của giày phai nhanh chóng.
Giày khi xử lý với máy giặt chỉ nên dùng bột, nước giặt chuyên dụng. Không nên sử dụng kết hợp thêm nước xả vải bởi chúng có thể để lại cặn trên giày của bạn.
Về chế độ vắt, cũng chỉ nên chọn chế độ vắt qua để giày đảm bảo được ráo nước. Sau khi kết thúc chu trình với máy giặt, ta vẫn phải lấy giày ra và phơi khô như bình thường.
Từ chương trình giặt cho đến chế độ vắt, chỉ nên chọn mức độ nhẹ khi giặt giày. (Ảnh minh họa)
Để giày khô nhanh hơn cũng như giữ được dáng giày, khi phơi có thể cho vào trong một ít giấy báo. Giày nên được phơi khô dưới nắng và ánh sáng tự nhiên. Đừng vì vội vàng mà cho giày vào máy sấy quần áo, điều này có thể gây hỏng đôi giày của bạn.
Giày nên được phơi dưới ánh nắng tự nhiên, tuyệt đối không cho vào máy sấy quần áo với nhiệt độ cao. (Ảnh minh họa)
Làm sạch giày bằng máy giặt sẽ giúp đôi giày của bạn được vệ sinh triệt để từ trong ra ngoài, đem lại vẻ ngoài trắng sáng và loại bỏ toàn bộ vi khuẩn bên trong giày. Vì vậy, hãy duy trì thói quen vệ sinh giày khoảng 1 tháng/lần, tùy vào tần suất sử dụng.
Thói quen này không chỉ bảo vệ đôi giày mà còn là bảo vệ chính sức khỏe của bạn.