Nếu hỏi phụ huynh hiện nay quan tâm nhất nội dung gì khi nuôi dạy con, hẳn nhiều người sẽ trả lời đến các vấn đề như: Tăng cường tiếng Anh; trau dồi các kỹ năng... Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng nhưng hầu hết đều bỏ qua hoặc dạy qua loa, đó chính là chuyện quản lý tiền nong, tài chính cá nhân. Trên thực tế, sự thành công của con cái chúng ta không chỉ phụ thuộc vào mức sống của gia đình mà còn ảnh hưởng rất nhiều từ những bài học về tài chính cha mẹ dạy hàng ngày.
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Giáo dục tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái, cũng giống như tiền bạc là trọng tâm của gia đình".
Là chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận CFEI, tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt", chị Lê Phương Thanh (Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Ngoài việc xây dựng cho hai bé Thỏ và Cún kỹ năng tự học, tự lập, chị Thanh cũng chú trọng trong việc dạy con quản lý tài chính.
Theo chị, ngày nay, khả năng quản lý tài chính cá nhân ngày càng phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khái niệm về tiền bạc, quản lý tài chính của một người được hình thành từ khi còn nhỏ. Đừng lo dạy con quá sớm về tiền bạc sẽ làm con mất đi tuổi thơ. Chỉ cần áp dụng đúng cách, đây sẽ là lợi thế tuyệt vời cho con bạn sau này.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả Lê Phương Thanh xung quanh vấn đề này:
Dạy con về tiền sớm đúng cách sẽ không sợ làm "hư" con
- Trong cuốn sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt", chị có nhắc đến lý do thúc đẩy mình đến với hành trình chia sẻ kiến thức quản lý tài chính cho chị em phụ nữ. Đó chính là sai lầm "chí mạng" từ hành trình start up khiến chị nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu. Từ chính bản thân mình, chị có nhận thấy một thực trạng là nhiều người hiện nay, dù đã trưởng thành cũng rất mù mờ về việc quản lý chi tiêu đúng cách?
Thực trạng nhiều người trưởng thành vẫn còn mù mờ về quản lý chi tiêu là vô cùng nhiều. Nhưng phần lớn mọi người đều có xu hướng khi xảy ra một biến cố nào đó về tài chính thì mới nhận ra.
Biến cố này với mình là một lần "start up" không thành công. Với người khác có thể là đầu tư thua lỗ, bị "lừa" tham gia một khoản đầu tư tài chính bất hợp pháp và mất trắng hay khi bản thân, gia đình đứng trước một biến cố (có thể về sức khỏe chẳng hạn) thì không biết xoay sở tiền đâu để trang trải. Hoặc có những người đã từng kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại mất tất cả vì không thể kiểm soát tài chính cá nhân dẫn đến sa đà vào vay nợ.
Sẽ có những biến cố, những sai lẩm rất dễ để nhận ra như các ví dụ bên trên. Nhưng cũng có những sai lầm "âm thầm" hủy hoại tình hình tài chính của mỗi người. Đó là việc thiếu kiểm soát trong chi tiêu cá nhân dẫn đến một ngày nhận ra là không hiểu mình đã làm gì trong suốt từng đó năm đi làm (với mức lương không tệ) mà kết quả chẳng tiết kiệm được đồng nào. Tất cả những điều này đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân.
- Chị đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của nhiều phụ huynh hiện nay trong vấn đề hướng dẫn con cái sớm biết quản lý tài chính cá nhân? Theo quan sát của chị, đâu là một vài thái độ sai mà phụ huynh thường mắc phải khi con hỏi về tiền bạc?
Tại Việt Nam, mức độ quan tâm của phụ huynh về việc giúp con cái sớm biết quản lý tài chính nhân là không nhiều nhưng cũng bắt đầu được chú ý hơn thời gian gần đây. Nhưng có thể dễ nhận thấy một số chủ đề phụ huynh quan tâm hơn đó là: Dạy con học Tiếng Anh, dạy con học các môn văn hóa, kỹ năng sống (nhưng không bao gồm kỹ năng quản lý tài chính), kiến thức về giới tính,…
Một vài thái độ sai của phụ huynh thường mắc phải khi con hỏi về tiền bạc đó là: Né tránh hoàn toàn không nói đến cho rằng tiền là một vấn đề tế nhị không nên được bàn tới (nói kiểu như "trẻ con thì biết gì mà hỏi"); Từ chối các yêu cầu đòi hỏi mua sắm của con bằng một câu duy nhất "Nhà mình nghèo lắm không có tiền mua đâu con ạ"; Chia sẻ tường tận cụ thể quá về tiền với con (nhất là khi con còn nhỏ) như: Mẹ phải trả mấy triệu tiền học cho con, mẹ phải mua quà cho con hết mấy trăm nghìn,…
- Nhiều người cho rằng, dạy con về tiền quá sớm là làm "hư" con, khiến con nghĩ quá nhiều về vật chất. Là một phụ huynh, chị có đồng ý với quan điểm này? Chị đã dạy con như thế nào về quản lý tài chính?
Dạy con về tiền sớm và sai cách sẽ làm hư con. Dạy đúng sẽ trang bị cho con nền tảng kiến thức và nhận thức đúng đắn về tiền giúp con có nền tảng phát triển. Với nhà mình, hai bạn còn khá nhỏ nên mình chỉ dạy những vấn đề cơ bản, phù hợp với độ tuổi. Ví dụ:
- Với bạn lớn đang học tiểu học: Dạy con cách tiết kiệm (đút lợn), chi phí cơ hội (ví dụ con thích mua đồ chơi này bây giờ hay để dành tiền cho chuyến cắm trại cuối tuần), dạy con về thiết lập ngân sách lập kế hoạch (ví dụ cho con 20 nghìn thì con nên dùng 5 nghìn để mua kẹo con thích, 5 nghìn để mua bút chì đi học, 5 nghìn để đút lợn tiết kiệm và 5 nghìn mua kẹo cho em), dạy con về các nghề trong xã hội và cách họ kiếm tiền,…
- Với bạn bé đang ở lứa tuổi mẫu giáo: Dạy con biết kiên nhẫn chờ đợi đến lượt (xếp hàng), dạy một số công việc phù hợp như dọn dẹp đồ chơi, dạy con số đếm và cách đếm tiền, dạy con về các nghề nghiệp trong xã hội, dạy con về việc không phải lúc nào con muốn đồ chơi cũng được đáp ứng.
- Ngoài một số bậc cha mẹ chưa nhận thức đúng và đủ vai trò của việc dạy con quản lý tài chính, nhiều phụ huynh cũng cho biết, dù họ muốn chia sẻ với con nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu? Phải chăng tiền bạc vốn dĩ luôn là câu chuyện khó chia sẻ?
Điều này sẽ rất dễ hiểu vì có thể bản thân phụ huynh chưa chắc đã có kiến thức quản lý tiền bạc đúng đắn để dạy con. Hơn nữa xưa nay ai cũng cho rằng tiền bạc vốn dĩ là "nhạy cảm", nói chuyện về tiền với con sớm quá sẽ khiến con trở nên thực dụng.
Tiền bạc sẽ chỉ khó chia sẻ khi chúng ta biến nó trở nên "hàn lâm" quá, lý thuyết quá, căng thẳng quá. Còn chia sẻ phù hợp độ tuổi, phù hợp với tính cách của con, chia sẻ theo cách nhẹ nhàng, thậm chí vui vẻ sẽ giúp cả bố mẹ và con thoải mái hơn rất nhiều.
- Việc dạy con muộn về quản lý tài chính cá nhân có thể dẫn tới những hậu quả gì, theo chị?
Hậu quả thì đương nhiên không phải bàn, sẽ giống như người lớn chúng ta vậy. Ví dụ con sẽ chi tiêu thiếu kiểm soát, không tối ưu được tài chính, lạm dụng vay nợ, gặp phải các rủi ro đáng tiếc trong cuộc đời do không biết quản trị tài chính cá nhân… Con sẽ bỏ phí mất sức mạnh thời gian của tiền, sức mạnh của lãi kép.
Con sẽ không hiểu được giá trị và ý nghĩa thực sự của đồng tiền dẫn đến một số trạng thái quá cực đoan như lười lao động hoặc là làm việc chỉ vì tiền, coi tiền là tất cả. Việc gặp phải các sai lầm tài chính quá lớn khi còn trẻ tuổi còn khiến con dễ bị tổn thương, không đủ bản lĩnh để vượt qua. Và vô cùng nhiều hậu quả không thể liệt kê hết.
Tính "hai mặt" của hành động trả tiền cho con làm việc nhà
- Chị có đồng tình với việc nhiều bố mẹ hiện nay trả tiền cho con làm việc nhà hay các công việc khác trong gia đình? Liệu điều này có khiến trẻ nảy sinh suy nghĩ phải trả tiền mới chịu làm?
Việc trả tiền cho con làm việc nhà có hai mặt. Ở mặt tích cực con sẽ hiểu phải lao động mới có tiền. Ở mặt chưa tích cực con sẽ chỉ làm khi được trả tiền. Với quan điểm cá nhân của mình, bố mẹ có thể phân biệt giữa việc nhà đơn giản thông thường (tức là đó là nhiệm vụ của con) và một công việc phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian công sức hơn của con (có thể coi đó là một dự án – project nhỏ) chẳng hạn.
Những việc đơn giản thông thường hàng ngày không được coi là một nhiệm vụ được trả tiền như: Dọn bàn ăn, cho quần áo vào máy giặt, gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi,… Những việc phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn có thể cân nhắc trả tiền hoặc trả công thích hợp để con thấy giá trị của việc lao động như: Dọn nhà ngày Tết hay rửa xe ô tô hay dọn dẹp sân vườn, trồng cây, hay dọn dẹp trang trí góc học tập,… Nói vui một chút tức là dạy trẻ hiểu được không có khái niệm "việc nhẹ lương cao", phải "làm việc chăm chỉ thậm chí vất vả mới kiếm được tiền".
Tất nhiên vất vả ở đây là xét theo tiêu chuẩn của con, con cần phải cố gắng hơn bình thường chứ không phải xem xét dưới góc độ giao con việc làm quá sức.
- Chứng khoán và đầu tư mới đây đã được đưa vào nội dung dạy học (Sách giáo khoa Toán 10 tập 1 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành). Đây là những nội dung chưa từng có trong các sách giáo khoa cũ mà tới đây các học sinh lứa 2007 sẽ được học. Chị có nghĩ đây là một tín hiệu tốt trong chuyện giáo dục con trẻ về quản lý tài chính ở Việt Nam? Liệu có nên cho trẻ tiếp xúc với các vấn đề luôn được xem là "vĩ mô" như chứng khoán hay đầu tư?
Đây là một tín hiệu tốt (không muốn nói là rất tốt). Mình nghĩ rằng các vấn đề vĩ mô cũng sẽ được các chuyên gia viết sách "đơn giản hóa" khi đưa vào nội dung sách giáo khoa nên cũng không sợ quá khó hiểu. Các bạn lứa tuổi cấp 3 thì nhận thức cũng khá tốt rồi nên việc được tiếp xúc sớm sẽ tạo nền tảng kiến thức giúp các bạn ấy tự tin hơn trong đầu tư tài chính.
- Chị có lời khuyên nào cho các bố mẹ trong việc dạy con quản lý tài chính?
Tuổi nào thì nên dạy cái đó nhưng cũng cần phải tùy thuộc từng đứa trẻ để có giải pháp phù hợp. Về độ tuổi, có thể sẽ có một vài lý thuyết, tiêu chuẩn chung. Nhưng tính cách mỗi đứa trẻ cũng cần phải cân nhắc tới. Ví dụ có bạn rất chăm chỉ, có bạn thì không, có bạn rất hay đòi hỏi, có bạn lại ít đòi hỏi hơn, có bạn rất tiết kiệm, có bạn lại "tiêu hoang"…, bố mẹ cần lựa chọn để có định hướng giúp con quản lý tài chính phù hợp và đúng đắn.
Vài nội dung dạy con quản lý tài chính theo độ tuổi mình đang áp dụng với hai bạn đã được chia sẻ ở trên. Tất nhiên còn rất nhiều nội dung chi tiết, hy vọng trong tương lai mình sẽ phát triển thành một cuốn sách dành riêng cho việc dạy trẻ về tài chính. Bố mẹ cũng có thể đọc thêm một số đầu sách về tài chính cá nhân sau đó chọn lọc thông tin phù hợp để dạy con quản lý tài chính.
- Xin cảm ơn chị.