Theo thống kê năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), trong đó tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc ung thư và 106 người tử vong do ung thư (thống kê công bố tại Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên - Huế lần thứ 10 năm 2022).
Theo các chuyên gia, những thói quen ăn uống và hoạt động thể chất hàng ngày có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ mắc ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ rằng chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng và lối sống ít vận động là những yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ ung thư. Tin tốt là chúng ta hoàn toàn có thể làm giảm nguy cơ khi có chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, mô hình ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa ung thư bao gồm: Thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác; Thực phẩm không chứa nhiều calo và giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh; Đa dạng loại rau quả xanh đậm, đỏ và cam; Các loại đậu giàu chất xơ; Ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, mì ống và gạo lứt.
Nguy cơ mắc ung thư của một người phụ thuộc vào lối sống, chế độ ăn uống và tập thể dục, cũng như yếu tố di truyền từ các thế hệ trước. Ngay cả việc tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Mặc dù không có cách nào để phòng tránh ung thư tuyệt đối nhưng việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng góp phần bảo vệ sức khỏe.
Theo TS. Sơn, bên cạnh việc tăng cường ăn thực phẩm tốt chúng ta cũng cần phải hạn chế ăn quá nhiều những thực phẩm sau: Một số loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu; Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội; Đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, đồ uống thể thao và đồ uống trái câ; Thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ ung thư. Hãy quan tâm tới những gì bạn thường ăn hàng ngày và cố gắng xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho bản thân và gia đình.
Dưới đây TS.BS Sơn đưa ra những lời khuyên cho một mô hình ăn uống lành mạnh:
- Bổ sung các món ăn với các loại rau và trái cây màu sắc, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
- Chọn cá, thịt gia cầm hoặc đậu làm nguồn cung cấp protein chính thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
- Nếu tiêu thụ thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến, nên sử dụng khẩu phần nhỏ hơn.
- Chế biến các loại thịt gia cầm và cá bằng cách hấp hoặc luộc, tránh chiên hoặc nướng.
- Tăng cường ăn đồ ăn tự chế biến thay vì "ăn hàng", tiêu thụ nhiều rau, trái cây nguyên quả và các loại thực phẩm ít calo thay vì thực phẩm nhiều calo như khoai tây chiên, kem, bánh rán và đồ ngọt khác. Các nhà hàng thường phục vụ các phần ăn lớn, nhưng bạn không nhất thiết phải ăn hết khẩu phần và có thể lựa chọn mang đồ ăn còn lại về để sử dụng cho những bữa ăn tiếp theo.
- Sử dụng đĩa đựng đồ ăn và bát ăn kích thước nhỏ hơn cho những thực phẩm có calo lớn hơn.
- Chú ý tới bảng thành phần được in trên bao bì của từng sản phẩm.
- Hạn chế sử dụng nước sốt kem, các loại nước sốt nhiều muối và phụ gia.