Trong cuộc sống, thông thường khi muốn làm sạch, cọ rửa một vật dụng gì đó, thứ đầu tiên được nghĩ tới sẽ là xà phòng hay các loại dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Tuy nhiên, sử dụng các chất này đôi khi đem lại một số nhược điểm, có thể kể tới như mùi khó chịu, không thân thiện với người, các chất hóa học trong tạp chất có thể gây khô, bong tróc da tay, sử dụng quá liều sẽ gây hại cho đồ dùng...
Chính vì vậy, giải pháp sử dụng các nguyên liệu tự nhiên cũng được ưa chuộng và biết tới nhiều hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên cũng được cho là tiết kiệm hơn.
Trong các nguyên liệu tự nhiên được sử dụng để làm sạch, không thể không kể tới giấm. Dù được biết tới nhiều hơn là một gia vị trong nhà bếp, việc dùng giấm tẩy rửa các vật dụng cũng vô cùng hiệu quả.
Các chuyên gia của chuyên trang The Spruce cho hay, giấm còn có thể phát huy tác dụng trong việc làm sạch quần áo hay các vật dụng bằng vải. Dưới đây cũng là 10 lý do chuyên trang này đưa ra cho ý kiến đó.
1. Xua tan mùi nấm mốc
Đồ dùng bằng vải hay quần áo bị ngấm nước lâu ngày, không được giặt sạch, hay khi chúng bị để trong máy giặt quá lâu, hay khi phơi mà chưa khô hoàn toàn, có thể phát sinh những mùi hôi khó chịu. Nguyên nhân xuất hiện những mùi hôi đó rất có thể là do sự phát triển của vi khuẩn nấm mốc.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng giấm để giải quyết trình trạng này. Cách làm đó là cho lại trang phục vào máy giặt, thêm 2 cốc giấm trắng vào và chạy một chu trình giặt nhẹ hoàn chỉnh. Mùi hôi khó chịu sẽ biến mất khi chu trình giặt kết thúc. Nếu bạn muốn làm sạch quần áo triệt để hơn, có thể cho vào thêm một lần nữa và giặt với nước giặt thêm một lần nữa.
Với số lượng quần áo ít hơn, cách làm này cũng hiệu quả khi giặt bằng tay.
Để quần áo và những đồ dùng bằng vải tránh tuyệt đối khỏi các mùi hôi khó chịu do nấm mốc, tốt hơn hết hãy giặt chúng thật sạch và phơi thật khô trước khi sử dụng. Việc sử dụng những loại trang phục có mùi hôi vừa gây bất tiện, vừa có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe làn da người mặc.
2. Làm sáng và trắng quần áo
Trong thành phần của giấm có chứa một lượng nhỏ axit axetic. Tuy vậy, nó vẫn đủ mạnh để làm sạch các vết bẩn, tuy nhiên vẫn giúp bảo vệ, không làm hư hỏng các loại vải.
Theo các chuyên gia, chỉ cần thêm khoảng nửa chén giấm vào bước xả quần áo cuối cùng, quần áo của bạn sẽ có màu sắc sáng hơn, trong hơn. Đặc biệt là với những loại trang phục có màu trắng, qua thời gian dài sử dụng bị xảm, xỉn màu.
Cách làm này cũng có thể áp dụng với việc làm sạch các loại khăn vải hay tất trắng bị ố màu. Đó là cho toàn bộ đồ cần làm sạch vào một chiếc nồi lớn, sau đó cho nước cùng một ít giấm vào, đun sôi rồi ngâm qua đêm. Hôm sau giặt tay như bình thường. Nên kiểm tra kỹ trang phục của bạn trước khi ngâm với giấm. Chúng sẽ được an toàn nếu làm từ 100% cotton.
3. Làm mềm vải một cách tự nhiên
Nếu bạn là một người bị dị ứng với những mùi hương quá nặng từ các loại nước xả vải, giấm là một giải pháp tốt cho việc làm mềm quần áo hay các đồ dùng bằng vải.
Giấm vừa giúp làm mềm vải, vừa không để lại cặn trên đồ giặt. Cách làm đó là chỉ cần thêm nửa cốc giấm vào chu kỳ xả quần áo cuối cùng. Kể cả khi số lượng quần áo giặt nhiều, với 10 lít nước, hãy cho vào khoảng 500ml giấm rồi ngâm trong khoảng 20-30 phút. Cuối cùng là giặt xả đồ trong chậu nước sạch, vắt khô và đem phơi dưới ánh nắng vừa phải.
Nếu muốn thơm một cách nhẹ nhàng hơn, bạn cũng có thể thêm vài giọt tinh dầu vào cùng với giấm.
4. Giảm xơ vải và lông thú cưng
Vào mùa đông, trang phục phổ biến với nhiều người sẽ là áo len, áo dạ. Dù tạo nên sự ấm áp cho người mặc, nhưng có một bất tiện khi mặc đồ len, đặc biệt là với những gia đình nuôi thú cưng, đó là đồ len, dạ rất dễ bị xơ vải hay lông thú cưng bám vào. Điều này dẫn tới giảm thẩm mỹ của trang phục cũng như khó khăn cho công đoạn vệ sinh.
Giấm có thể giúp bạn giải quyết phần nào tình trạng này khi ngăn ngừa xơ vải và lông động vật bám vào quần áo, đồng thời giúp loại bỏ xơ vải quá mức.
Để tác dụng này của giấm được phát huy, khi giặt hãy cho thêm nửa cốc giấm vào chu trình giặt. Kết quả sẽ không khiến bạn thất vọng.
5. Loại bỏ vết bẩn và mùi hôi dưới cánh tay
Đối với những người nhiều mồ hôi, khu vực dưới cánh tay của các loại áo sẽ luôn tập trung nhiều vết bẩn và đôi khi là mùi hôi khó chịu. Các vết bẩn do mồ hôi ở vùng dưới cánh tay để lại này rất khó làm sạch, đôi khi sẽ để lại những vết ố vàng trên quần áo, gây mất điểm cho tổng thể trang phục.
Hãy xử lý chúng bằng cách pha loãng giấm với một ít nước, cho vào một bình xịt và xịt trực tiếp lên vải khoảng 10 phút trước khi giặt. Sau đó cho vào máy giặt bình thường hoặc giặt bằng tay. Để hiệu quả hơn, bạn cũng có thể dùng bàn chải lông mềm để chà qua khu vực xịt giấm.
6. Xóa các đường viền, nếp nhăn hiệu quả hơn
Khi quần áo xuất hiện các nếp nhăn, nếp gấp viền, bàn là, bàn ủi sẽ là phương pháp hữu hiệu để giải quyết. Tuy nhiên, để việc này đạt hiệu quả tốt hơn, hãy làm ẩm một miếng vải trắng bằng giấm, sau đó đặt chính miếng vải đó bên dưới khu vực là.
7. Giữ quần áo tối màu tránh khỏi bạc màu
Quần áo có những gam màu tối như đen, xám đậm sau một thời gian dài sử dụng, giặt là và phơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ xảy ra tình trạng bạc màu. Màu sắc của chúng sẽ không còn được đẹp như nguyên bản nữa và trông cũ kỹ hơn.
Các chuyên gia khuyên, cho thêm nửa cốc giấm vào chu kỳ giũ cuối cùng của cả chu trình giặt sẽ giúp hạn chế tình trạng này. Giấm sẽ giúp loại bỏ các loại cặn xà phòng và chất tẩy rửa khiến quần áo tối màu bị bạc.
8. Khử mùi khói
Khói thuốc hay khói từ các loại đồ ăn một khi đã ám vào trang phục thì rất khó để loại bỏ hoàn toàn, nhất là khi bạn ở trong môi trường, không khí có chứa khói thuốc một khoảng thời gian dài.
Khi giặt những loại trang phục nãy, hãy cho thêm vào nửa cốc giấm. Mùi khói sẽ được giải quyết tốt và triệt để hơn. Với các loại đồ dùng bằng vải khác như chăn, gối hay màn, đồ đẩy nước nóng vào một chiếc chậu lớn, cho đồ dùng vào rồi thêm 1 cốc giấm.
Sau khi ngâm vài phút, treo toàn bộ đồ dùng lên, không vắt. Cuối cùng thì giặt lại như bình thường.
Giấm không chỉ giúp khử mùi khói trên trang phục, đồ dùng bằng vải mà còn có tác dụng với cả không gian nhà ở.
9. Làm sạch máy giặt
Nhiều người nghĩ rằng máy giặt có tác dụng làm sạch quần áo, ngoài ra thiết bị cũng có chế độ tự làm sạch, nên con người không cần vệ sinh một cách thu công lại. Tuy nhiên, có một số bộ phận của máy giặt bẩn hơn chúng ta nghĩ và cần sự can thiệp của bàn tay con người.
Hãy sử dụng giấm, thấm với một chiếc khăn mềm và lau toàn bộ thiết bị. Từ lồng giặt, các phần gioăng kín hay các nút bấm bên ngoài. Việc này vừa giúp làm sạch, vừa khử mùi thiết bị.
Ngoài ra, khi chạy chu trình tự làm sạch, bạn cũng có thể dùng nước nóng và cho thêm vào 2 cốc giấm để việc này được hiệu quả hơn. Các chuyên gia khuyến cáo, máy giặt là thiết bị nên được vệ sinh định kỳ khoảng 3 tháng/lần để đảm bảo tuổi thọ và hiệu quả hoạt động.
10. Làm sạch bàn là
Thêm một thiết bị giúp hỗ trợ việc chăm sóc trang phục nhưng ít người nghĩ tới việc phải vệ sinh, đó là bàn là, bàn ủi quần áo, đặc biệt là các loại bàn là hơi nước.
Trong nước nếu có cặn khoáng, lâu ngày sẽ gây tắc lỗ thông hơi và vòi phun của thiết bị, từ đó suy giảm tuổi thọ và thiết bị hoạt động không còn hiệu quả.
Để loại bỏ những chất đó, hãy đổ đầy ngăn chứa nước và dung dịch giấm, pha với nước sạch theo tỷ lệ cân bằng. Sau đó đặt bàn để nguyên trong khoảng 5-10 phút. Cuối cùng là rửa sạch ngăn chứa nước bằng nước sạch.
Bạn có thể thử sử dụng bàn là để là một miếng vải cũ trong vài phút để làm sạch triệt để hơn, tránh việc chất bẩn vẫn tồn đọng trong hộc chứa nước, từ đó gây bẩn quần áo mới.
Theo The Spruce