Chuyên gia Châu Âu "chốt" cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc?

Hoài Giang | 04-11-2020 - 19:50 PM

(Tổ Quốc) - Nhà phân tích Kadri Liik cho rằng nhiều người đã hiểu sai khi cho rằng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, Nga đứng về phía Armenia một cách vô điều kiện.

Mới đây, Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Kadri Liik với tựa đề: "How Russia is winning at its own game" (Tạm dịch: Tại sao Nga lại đang chiến thắng cuộc chơi của riêng họ).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là về vai trò và lợi ích của Nga trong cuộc xung đột quân sự vẫn đang tiếp diễn giữa ArmeniaAzerbaijan tại Nagorno-Karabakh, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Nga đang "chống lưng" cho Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan?

Tình hình bất ổn ở các nước thuộc Liên Xô cũ có thể khiến người ta dễ kết luận rằng Nga đang mất kiểm soát đối với khu vực lân cận biên giới nước mình.

Và đúng là ở một số lĩnh vực, vị thế của họ đã suy yếu - việc Nga để mất "đồng minh" Ukraine là sự thật nghiêm trọng và không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh không thể hiện sự suy giảm mà còn cho thấy điều ngược lại:

Trong khi Phương Tây tỏ ra thiếu các giải pháp khả thi, thì người Nga đang tiến hành giải quyết vấn đề theo các nguyên tắc riêng của họ.

Chuyên gia Châu Âu chốt cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 1.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashiyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc trao đổi (Nguồn: Điện Kremlin).

Nhiều người có thể hiểu sai khi cho rằng Nga đứng về phía Armenia một cách vô điều kiện và Yeveran có thể tiếp tục kiểm soát khu vực này khi dựa vào hỗ trợ quân sự của Nga.

Mục đích thực sự của Nga trong cuộc xung đột láng giềng này không phải là ủng hộ phe phái cụ thể, mà là để bảo vệ các nguyên tắc mà nước này coi trọng.

Họ muốn đưa ra cảnh báo rằng chủ nghĩa can thiệp dưới chiêu bài dân chủ của Phương Tây nói chung là không có lợi và không được người Nga hoan nghênh.

Những gì đang diễn ra về cơ bản là cùng một triết lý đã dẫn hướng cho cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria - và nếu đánh giá dựa trên các tiêu chí này, Moscow đang làm tốt, ít nhất là tới lúc này.

Chuyên gia Châu Âu chốt cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 2.

Bản đồ chiến sự Nagorno-Karabakh tới hết ngày 3/11 (Nguồn: ISW News).

Nagorno-Karabakh không phải là Syria

Nhưng so với Syria, Nagorno-Karabakh là một kiểu xung đột khác, bao gồm mâu thuẫn dân tộc và tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia là Armenia và Azerbaijan.

Đây cũng là một thế trận khác biệt với việc Azerbaijan được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ - điều có thể cho người Nga thấy rằng họ đang phải đối mặt với một cường quốc trong khu vực lân cận.

Nhưng đối với nhiều người ở Moscow, những "việc phải làm" với Phương Tây nhiều hơn hẳn nếu so với "sự phiền toái" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù với việc các mục tiêu của họ ở Trung Đông thường đối lập trực tiếp với nhau, hai nước còn lâu mới trở thành đồng minh, nhưng Moscow cũng đã học cách để "làm việc" với Ankara.

Chuyên gia Châu Âu chốt cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AP).

Cả hai đều nhận ra rằng họ cần nhau, vì họ sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình nếu không có sự đồng thuận từ đối phương.

Và quan trọng nhất, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang được thúc đẩy bởi các mục tiêu mà trong con mắt của Điện Kremlin là hợp lý.

Đó là củng cố quyền lực ở trong nước, tăng cường vị thế ở nước ngoài và theo đuổi các lợi ích về kinh tế và an ninh.

Azerbaijan cũng vậy, mặc dù đôi khi Baku có mâu thuẫn với Moscow nhưng họ đã theo đuổi chính sách đối ngoại của mình mà không thách thức quan điểm triết học hay những câu chuyện liên quan tới lịch sử của Nga.

Điều đó giải thích lý do tại sao khi đồng minh Armenia của họ đang gặp khó khăn, người Nga có thể tỏ ra "thoải mái" hơn dự kiến.

Chuyên gia Châu Âu chốt cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 5.

Các sĩ quan Nga và Armenia trong cuộc tập trận phòng không chung vào tháng 7/2020.

Kết luận

Theo nhà phân tích Alexander Baunov của Viện nghiên cứu Carnegie: "Nga có thể có lý do để giúp đồng minh Armenia, nhưng không có lý do gì để trừng phạt Azerbaijan. Đây là một ví dụ về hành vi kiểu mẫu giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ".

Đối với xung đột Nagorno-Karabakh, Moscow đã tập hợp 2 phía tham chiến lại với nhau và dàn xếp để thiết lập một lệnh ngừng bắn.

Mặc dù phải thừa nhận rằng nó đã nhanh chóng bị phá vỡ, nhưng trong toàn bộ quá trình này, các thành viên còn lại của nhóm Minsk thuộc OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu) đã bị bỏ "bên lề".

Cho tới đây, đã đủ rõ ràng rằng Phương Tây đã nhận được bài học rằng để gây ảnh hưởng đến các cuộc khủng hoảng trong Không gian hậu Xô Viết, họ cần phải có các "đòn bẩy" ở cấp độ khu vực hoặc cấp độ toàn cầu để chuyển thành ảnh hưởng trong khu vực.

Nếu chỉ dựa vào những nguyên tắc và "nền tảng đạo đức" hiện tại, họ sẽ rất dễ bị vượt mặt khi đối đầu với một đối thủ đầy quyết tâm.

Kadri Liik là nhà phân tích cao cấp của ECFR, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích Chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, quan hệ giữa Nga và phương Tây, khu vực biển Baltic và Đông Âu.

Trước khi gia nhập ECFR vào tháng 10/2012, Liik là Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Quốc phòng ở Estonia từ năm 2006 đến 2011 đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao và giám đốc của Trung tâm Lennart Meri Conference.

Trong suốt những năm 1990, Liik đã làm phóng viên thường trú tại Moscow cho một số tờ nhật báo nổi tiếng của Estonia.

Kadri Liik có bằng Cử nhân Báo chí của Đại học Tartu, Estonia và bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế chuyên về ngoại giao của Đại học Lancaster, Anh.

Chuyên gia Châu Âu chốt cái kết xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga vẫn là kẻ thắng cuộc? - Ảnh 8.

Binh sĩ Nga tại Căn cứ quân sự 102 ở Gyumri, Armenia (Nguồn: PAN Photo).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM