Mới đây, trang Opendemocracy.net đăng tải bài phân tích của tác giả Paul Rogers có tựa đề: "The Beirut blast was terrible – nuclear weapons are far, far worse" (tạm dịch: Vụ nổ Beirut là điều tồi tệ - vũ khí hạt nhân còn khủng khiếp hơn thế).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, khi so sánh thảm họa mới xảy ra tại Beirut, Lebanon với hậu quả của việc chạy đua vũ trang và có thể là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong tương lai. Chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Từ các thông số vụ nổ ở Beirut
Ngày 6/12/1917, vụ va chạm với một tàu chở hàng cứu trợ đang xuất phát tới Bỉ đã gây hỏa hoạn trên con tàu chở đạn tới Pháp tại bến cảng Halifax, Nova Scotia, Canada. Kết quả là một vụ nổ lớn khiến khoảng 11.000 người thương vong và phá hủy phần lớn thành phố.
Dù được cho là quy mô nhỏ hơn, vụ nổ khủng khiếp ở Beirut hôm 4/8/2020 (được cho là do 2.750 tấn hóa chất amoni nitrat - tương đương khoảng 1.155 tấn TNT) đã làm hơn 100 người thiệt mạng và ít nhất 4.000 người khác bị thương.
Điều khiến thảm họa tại Beirut trở nên nghiêm trọng là đám cháy và các vụ nổ nhỏ trước vụ nổ "chính" đã khiến hàng trăm người tập trung để ghi lại hình ảnh bằng các thiết bị di động.
Điều này đã được chứng thực với những đoạn phim sắc nét mô tả sức công phá với tốc độ đáng kinh ngạc của sóng xung kích gây thương vong trong toàn thành phố được đăng tải trên mạng xã hội những giờ sau đó.
Mức độ tàn phá kinh hoàng và đám mây hình nấm xuất hiện phía trên cảng Beirut trong vụ nổ kho ammonium nitrate khiến nhiều người liên tưởng đến vụ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Điều đáng chú ý là thảm họa Beirut xảy ra trong vòng chưa đầy 48 giờ trước lễ tưởng niệm 75 năm Mỹ ném bom nguyên tử vào các thành phố Hiroshima (6/8) và Nagasaki (9/8/1945) của Nhật Bản.
Mặc dù sự kiện này đã khiến Đế quốc Nhật Bản phải nhanh chóng đầu hàng, mở ra chương mới của lịch sử hiện đại, hai quả bom nguyên tử đã khiến hơn 150.000 người thiệt mạng.
Số người chết ở Nhật Bản cao hơn nhiều so với ở Beirut hoặc Halifax, một phần vì sức công phá của bom nguyên tử lớn hơn rất nhiều, trên 10 kiloton mỗi trái và một phần do chúng được kích nổ có chủ đích để gây thương vong lớn.
Cả hai quả bom nguyên tử (còn gọi là bom A) đã được kích nổ ở trên không và vào 8h15 sáng ở Hiroshima và 11h02 ở Nagasaki - những giờ cao điểm vào buổi sáng và cả hai thành phố Nhật Bản đều có nhiều tòa nhà được xây dựng "mỏng manh".
Nhưng vụ nổ Beirut cho thấy một vụ nổ có sức công phá nhỏ hơn nhiều có thể gây thiệt hại ra sao cho các thành phố hiện đại.
Để so sánh, hàng nghìn tấn hóa chất ở Beirut có thể tương đương với W76 mod 2 (W76-2), một "đầu đạn công suất thấp" ước tính dưới 10 kiloton TNT của tên lửa đạn đạo Trident với công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV).
USS Tennessee (SSBN-734) là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ được trang bị đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2.
Tới sức công phá của vũ khí hạt nhân
Cần chú ý rằng theo tiêu chuẩn hiện đại, những trái bom A được sử dụng ở Nhật Bản được coi là "nhỏ" và có sức công phá tương đương các vũ khí hạt nhân chống ngầm mà Anh đã triển khai trong Chiến tranh Falklands/Malvinas với Argentina vào năm 1982.
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Hải quân Anh có thể khai hỏa 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) với mỗi tên lửa MIRV thường mang theo 3 đầu đạn nhiệt hạch 100 kiloton, tức là gấp 100 lần vụ nổ đã tàn phá Beirut.
Trong một kịch bản xung đột phải sử dụng tới SLBM, một tàu ngầm Anh có thể hủy diệt hoàn toàn một đô thị ngang với với Beirut cùng 47 mục tiêu có quy mô tương đương khác.
Trong Chiến tranh Lạnh những năm 1980, Mỹ và Liên Xô sở hữu hơn 60.000 vũ khí hạt nhân và một số được cho là mạnh hơn gấp nhiều lần so với các đầu đạn của Anh.
Các thỏa thuận vào đầu những năm 1990 đã làm kho vũ khí của Mỹ và Nga giảm xuống còn 1.000 đơn vị (cùng hàng nghìn đầu đạn khác đang được dự trữ).
Mặc dù cắt giảm, cả hai nước vẫn tiếp tục duy trì "bộ ba chiến lược tầm xa" các nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân như tên lửa đạn đạo,máy bay ném bom hoặc tàu ngầm.
Các "cường quốc hạt nhân" khác như Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Pakistan và Ấn Độ hiện đang sở hữu khoảng 500 đầu đạn. Quốc gia thứ 9 sở hữu vũ khí hạt nhân là Triều Tiên được cho là có từ 20 đến 40 đầu đạn.
Một đồ họa miêu tả sức công phá của các loại vũ khí hạt nhân đã từng được sử dụng và thử nghiệm.
4 yếu tố khiến thế giới "tăng tốc" chạy đua vũ trang
Điều đáng lo ngại là trong những năm gần đây, các quốc gia nói trên đã lần lượt rời khỏi cái gọi là "kỷ nguyên kiểm soát vũ khí" và bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới. Có ít nhất 4 yếu tố ảnh hưởng tới quyết định này.
Đầu tiên là các Tổng thống George W. Bush và Donald Trump đều không ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông Trump còn muốn "nước Mỹ vĩ đại một lần nữa" bằng cách rút khỏi thỏa thuận trong khi hiện đại hóa kho vũ khí.
Đối với người Nga, họ không còn sở hữu lực lượng vũ trang hùng mạnh như "người tiền nhiệm" Liên Xô.
Do vậy họ tăng cường vào 3 điểm mạnh là chiến tranh mạng, lực lượng đặc biệt được trang bị tốt và kho vũ khí hạt nhân có số lượng đáng kể - thứ sau cuối được coi là thuộc tính quan trọng khẳng định vị thế của một cường quốc.
Yếu tố thứ hai đó là tất cả các cường quốc hạt nhân khác đang gia tăng số lượng hoặc ít nhất là nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của họ.
Ví dụ như Vương quốc Anh, nước này đang đóng một thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới với chi phí lớn và hiện đang bắt tay vào việc chế tạo một đầu đạn hạt nhân mới.
Dù đã sở hữu các nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân tầm xa trên đất liền và trên biển, Trung Quốc hiện đang phát triển một máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20.
Đối với Mỹ, mặc dù máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đang bị chậm tiến độ nhưng các tổ hợp công nghiệp - quân sự vẫn tiếp tục sử dụng nó để vận động chi tiêu nhiều hơn từ ngân sách.
Máy bay ném bom tàng hình hiện là cuộc chạy đua giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba là sự phổ biến vũ khí hạt nhân - mặc dù diễn ra chậm hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những năm 1990 chứng kiến Ấn Độ và Pakistan đồng thời tham gia "câu lạc bộ hạt nhân", kể từ đó cả hai nước vẫn không ngừng nâng cấp và mở rộng kho vũ khí.
Triều Tiên cũng đã tự mình phát triển vũ khí hạt nhân và sự đổ vỡ của Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) có thể khiến Tehran xây dựng năng lực hạt nhân của riêng mình.
Cuối cùng là vấn đề ở quan điểm cộng đồng. Theo thời gian, những bài học rút ra từ thời Chiến tranh Lạnh đã sụt giảm, gần như không có bất kỳ ai dưới tuổi 40 ấn tượng đối với sự hủy diệt hoặc một thế giới đầy rẫy rủi ro khi các quốc gia "đầy ắp" vũ khí hạt nhân.
Do vậy người dân dần ít quan tâm hơn đến việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải giáp vũ khí hạt nhân ở các quốc gia đã sở hữu chúng.
Vụ nổ đem lại hiện trường tàn phá khủng khiếp ở Beirut xảy ra chỉ 2 ngày trước tưởng niệm Mỹ ném bom nguyên tử vào Hiroshima là một "dấu hiệu", một lời nhắc nhở đối với chúng ta rằng hiểm họa vẫn còn và ngày càng lớn dần lên.
Paul Rogers là giáo sư khoa nghiên cứu hòa bình tại Đại học Bradford, miền bắc nước Anh.
Ông đồng thời là nhà phân tích về an ninh, quân sự và chính trị toàn cầu, thường xuyên có các bài viết được đăng tải trên Opendemocracy.com và Oxfordresearchgroup.org.uk.
Phim tài liệu của British Pathé về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945.