Cuối năm 2015, anh Phi Nguyễn cùng cộng sự đồng sáng lập Hiip Asia, định vị startup của mình là một nền tảng kết nối nhãn hàng với KOLs, influencers (người có ảnh hưởng) và sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data) cùng trí tuệ nhân tạo.
Giữa 2018, Hiip “chào sân” thị trường Thái Lan và sau đó không lâu nhận được nguồn vốn triệu USD trong vòng series A từ một quỹ đầu tư của nước này. Một tháng sau, công ty tiếp tục đặt chân tới Indonesia bằng việc thâu tóm BP Network - mạng lưới influencer nữ giới lớn nhất quốc gia này.
Tháng 7/2020, startup cho biết tiếp tục được rót vốn qua vòng đầu tư bắc cầu, dẫn dắt bởi Quỹ cơ hội đặc biệt Vulpes, nhằm tận dụng các cơ hội từ Covid để mở rộng thị trường.
Trí thức trẻ đã có dịp trò chuyện cùng CEO Phi Nguyễn để hiểu hơn hành trình và chiến lược mở rộng bằng M&A mà startup đang theo đuổi.
Gọi vốn thành công giữa đại dịch
* Chúc mừng Hiip vừa gọi vốn thành công từ vòng bắc cầu quỹ Vulpes. Cảm xúc của anh thế nào khi huy động được vốn giữa lúc giới startup lao đao vì Covid?
Cảm xúc trước tiên đương nhiên là “happy” bởi vì mình đã đạt được mục tiêu đề ra. Thứ hai là cảm giác “safe” (an toàn - PV) bởi chúng ta không biết dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu, không biết mức độ ảnh hưởng sẽ lớn cỡ nào nên dù sao có tiền cũng tốt hơn là không có.
Anh Phi Nguyễn - CEO Hiip Asia.
* Nguồn vốn mới huy động sẽ được công ty sử dụng vào mục đích gì?
Theo kế hoạch, nguồn vốn sẽ được sử dụng vào hai mục đích. Thứ nhất, tôi dùng để củng cố vị thế của Hiip tại những thị trường hiện tại là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Thứ hai, tôi muốn tận dụng dịch Covid (cũng giống như tên của Quỹ cơ hội đặc biệt Vulpes) để thâu tóm thêm công ty tại thị trường mới. Hiện tại ở Đông Nam Á, chỉ còn 2 thị trường chính mà Hiip chưa thâm nhập là Philippines và Malaysia. Chúng tôi đang xem xét một trong hai thị trường đó.
* Dường như Covid đã mang lại cho Hiip rất nhiều cơ hội?
Covid-19 khiến nền kinh tế trở nên không chắc chắn và không ổn định. Đa số ngành và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, rất ít ngành có thể hưởng lợi từ dịch bệnh. Do đó, định giá của nhiều công ty sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước Covid.
Nếu M&A (thâu tóm và sáp nhập) ở thời điểm hiện tại thì sự chấp nhận và cởi mở của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn bởi họ cũng cần tiền. Đồng thời, vì định giá của doanh nghiệp thấp hơn nên tôi có thể mua được với giá tốt hoặc thỏa thuận được những điều khoản tốt.
M&A để làm việc với “top talent”
* Đối với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nguồn lực tài chính dồi dào, việc M&A khá phổ biến và bình thường. Tuy nhiên, với một startup còn trẻ như Hiip, chiến lược này liệu có quá mạo hiểm?
Thông thường, có hai cách để mở rộng doanh nghiệp: hoặc là tự làm, tự mở rộng mọi thứ, hoặc M&A thì sẽ nhanh hơn.
Thứ nhất, phần lớn các thương vụ M&A được phương tiện truyền thông báo chí nhắc đến đều là của những công ty lớn và rất lớn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng các công ty quy mô vừa không thể M&A. Điều này vẫn xảy ra, chỉ là ít được biết đến hơn.
Thứ hai, để đánh giá rủi ro hay không thì cần dựa vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ như ngành công nghiệp, tùy từng ngành mà mức độ rủi ro lại khác nhau. Ngoài ra còn phụ thuộc thời điểm, thời điểm khác nhau mức độ rủi ro cũng khác.
Thứ ba, mức độ rủi ro còn tùy vào việc mình có đánh giá đúng giá trị của công ty mục tiêu hay không.
Đối với Hiip, tôi nghĩ nó không phải điều gì quá ghê gớm. Đương nhiên vẫn có rủi ro, làm gì cũng sẽ có rủi ro, quan trọng mình đo lường xem rủi ro ở mức độ nào. Mở rộng bằng M&A là chiến lược của Hiip ngay từ ban đầu.
* Tại sao Hiip chọn chiến lược M&A?
Với một người giỏi, họ thường sẽ có hai lựa chọn, hoặc làm việc cho công ty top đầu trong ngành hoặc tự kinh doanh và trở thành founder.
Hiện tại Hiip có thể tự tin là “market leader” (người dẫn đầu thị trường) tại Việt Nam. Ngoài những điều kiện khách quan như đúng thời điểm, đúng thị trường thì yếu tố chủ quan là đội ngũ. Các founders của Hiip đều có tính cam kết, nghiêm túc và có kinh nghiệm, network trong ngành. Đó là lợi thế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi sang một quốc gia mới hoàn toàn thì những lợi thế đó lại biến thành những bất lợi vì mình vừa không có kiến thức, kinh nghiệm ở thị trường đó, vừa không có network. Tại một thị trường mới, chưa có hiểu biết gì thì làm sao có thể cạnh tranh với doanh nghiệp bản địa nếu không thu hút được “top talent” (nhân tài top đầu - PV).
Mặt khác, muốn thu hút “top talent” trong khi không có nhiều tiền để tự gây dựng một đội ngũ rất đông, thì phải chọn cách làm đối tác. Đó là cách để làm việc với người tài.
Đội ngũ Hiip Asia tại Indonesia.
* Công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp Hiip khác biệt với những agency đơn thuần như thế nào?
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Hiip khiến công việc hiệu quả hơn bằng việc cung cấp dữ liệu, thông tin và phân tích về influencer, về fan và cả nội dung của họ. Tiếp nữa, chúng tôi mang đến cho họ nhiều lựa chọn hơn. Giống như việc mua hàng tại cửa hàng offline thì chỉ có khoảng vài trăm sản phẩm để lựa chọn nhưng nếu đưa lên online thì bạn có đến hàng ngàn lựa chọn.
Thứ ba, Hiip giúp họ tìm được influencer thích hợp nhanh hơn. Nếu như bình thường agency mất khoảng vài tuần, vài tháng thì Hiip có thể làm trong vài ngày hoặc ngay lập tức trong ngày. Thứ tư là giúp nhãn hàng làm việc trực tiếp với influencer, tiêu chuẩn hóa quy trình, giúp giảm chi phí ít.
Đối với influencer, lợi ích lớn nhất mà công ty mang lại là giúp nhiều người có nhiều cơ hội kiếm tiền dựa trên sự nổi tiếng, nội dung và fan của họ. Hiện tại công ty đã gây dựng được mạng lưới khoảng hơn 10.000 influencers ở tất cả các thị trường.
* Hiip có dự định kết nối các nhãn hàng của nước ngoài với influencer của Việt Nam và ngược lại?
Có, chúng tôi đã làm rồi nhưng chưa quá nhiều. Hiện tại, Hiip kết nối influencer ở Việt Nam với những công ty nước ngoài không có chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là kết nối với những nhãn hàng có chi nhánh trong nước.
“Prepare” thay vì “react”
* Dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp, đường bay quốc tế bị tê liệt, điều này có ảnh hưởng đến việc điều hành của anh?
Chắc chắn là có nhưng hiện tại thì chúng tôi cũng quen rồi. Giai đoạn hồi tháng Ba khá vất vả nhưng bây giờ thì đã đi vào quỹ đạo. Hiip có đội ngũ rất mạnh ở mỗi thị trường và hoạt động phần lớn diễn ra trên nền tảng online nên dễ dàng làm việc từ xa.
Đồng thời, chiến lược và mục tiêu ngay từ đầu của Hiip là thâu tóm và địa phương hóa. Chi nhánh tại Việt Nam thì 100% nhân sự là người Việt, tại Thái Lan là người Thái và Indonesia cũng là người tại bản địa. Tôi chắc chắn rằng mình không giỏi bằng những quản lý bản địa nên mức độ trao quyền cho họ là rất cao. Tôi giữ vai trò điều phối nhiều hơn. Đôi lúc cũng xảy ra mâu thuẫn nhưng đều mang tính tích cực, đóng góp cho công ty.
* Trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều quỹ đầu tư và chuyên gia đều khuyên startup nên dồn sức kiếm tiền thay vì “đốt tiền” đổi lấy tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên theo đuổi tăng trưởng vì nó sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề. Quan điểm của anh thế nào?
Tôi nghĩ còn tùy vào ngành và tùy vào doanh nghiệp đó.
Bức tranh chung của thị trường đúng là “cash is king” (tiền mặt là vua). Mọi người đều phải chuẩn bị tiền, hạn chế chi tiêu hoặc chi tiêu thông minh hơn, tập trung vào những thứ cốt lõi, không thể bất chấp tăng trưởng bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung vào những thứ thực tế, hoặc một số ngành sẽ chuyển hẳn sang hướng“survival mode” (chế độ sinh tồn).
Còn với riêng Hiip, chúng tôi cũng đã chuyển hướng từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững. Giai đoạn trước có thể phát triển nhanh đến 4-5 lần một năm nhưng lỗ nhiều. Còn năm nay chuyển sang tăng trưởng chắc chắn, có lợi nhuận hoặc lỗ ít hơn.
* Vậy theo anh, điều gì sẽ giúp Hiip và giới startup nói chung có thể vững vàng vượt qua đại dịch?
Trước hết về mặt tư duy phải đúng. Nhiều người không dám đối mặt với thực tế và cuộc khủng hoảng này, né tránh hoặc quá hy vọng vào một điều tươi sáng sẽ đột ngột xảy đến. Đó không phải tư duy đúng.
Thay vào đó, cần “prepare for the worst, hope for the best” (chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất - hy vọng cho điều tuyệt vời nhất), “prepare” là chuẩn bị, chứ không phải “react” - phản ứng thụ động lại nó.
Đó là lý do tại sao chúng tôi huy động vốn, thành thật là như vậy. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng khủng hoảng này có thể sẽ rất tệ và kéo dài đến 2 năm, mình phải huy động vốn trước cho chắc đã. Nếu tệ quá thì dùng để duy trì, nếu không thì sử dụng để mở rộng.
Thứ hai, đối với những ngành bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid như du lịch, thì nên chuyển sang trạng thái “survival mode”, phải chiến đấu mỗi ngày. Dù điều đó sẽ rất khó chịu và stress nhưng không phải ai cũng may mắn như Vietnam Airlines - được chính phủ hỗ trợ.
Hiip cũng phải cắt giảm và cho nhân viên ở Thái Lan và Indonesia nghỉ không lương vài tháng. Việt Nam may mắn hơn là không có tình trạng này vì Chính phủ đã làm quá tốt.
Chúng tôi rút ra bài học rằng phải trao đổi thẳng thắn, rõ ràng và minh bạch, từ sớm, đừng chần chừ. Càng sớm thì càng giúp họ chủ động với những kế hoạch của mình. Phải giải thích cho nhân viên rằng họ nghỉ không lương vài tháng thì công ty mới sống sót được và thuê họ lại, còn nếu công ty “chết” thì họ cũng chẳng còn công việc nữa.
Và thú thật, với diễn biến rất phức tạp ở Indonesia và Thái Lan, cho nghỉ việc là chuyện rất bình thường, thực tế khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều.
* Hiip có dự định tiến tới các thị trường ngoài Đông Nam Á không?
Tương lai tôi chưa dám nói quá xa nhưng trong vòng 3-5 năm tới Hiip sẽ tập trung vào Đông Nam Á vì vẫn có quá nhiều thứ để làm, thị trường đủ lớn và đang tiếp tục phát triển. Còn những thị trường khác đặc thù cũng khác, hiện nằm ngoài tầm với của mình. Mục tiêu của Hiip là trở thành người dẫn đầu thị trường ĐNA trong 3 năm tới.
Dự kiến trong năm nay hoặc trễ nhất là năm sau, chúng tôi sẽ tiến vào một thị trường mới nữa.