Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực bậc nhất nước Mỹ

Ngọc Hà | 01-11-2020 - 15:00 PM

(Tổ Quốc) - Là một người nhập cư nghèo đến từ Scotland, Mary Anne MacLeod Trump có lẽ chẳng ngờ được con trai mình sẽ trở thành Tổng thống Mỹ một ngày nào đó. Tuy nhiên, thân mẫu của ông Donald Trump đã rất may mắn khi thực hiện được giấc mơ Mỹ và mang lại cho con trai những cơ hội mình chưa từng có thời trẻ.

Mary Anne MacLeod Trump lớn lên trong môi trường nghèo khó trên một hòn đảo xa xôi ở Scotland, bà Mary Anne MacLeod Trump. Đến Mỹ vào năm 1930, khi tròn 18 tuổi, bà không có kỹ năng hay tiền bạc gì. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của chị gái đang sống ở nông thôn, bà đã có thể bắt đầu chương mới của cuộc đời.

Mặc dù sau này tham gia vào giới thượng lưu New York, Mary Anne MacLeod Trump cũng không bị ám ảnh bởi danh tiếng. Thay vào đó, bà trở thành một nhà hoạt động thiện nguyện chân chính, thích đi làm tình nguyện ở bệnh viện - kể cả khi bà không cần phải làm vậy.

Giấc mơ Mỹ của cô gái nhập cư gốc Scotland

Mary Anne MacLeod sinh ngày 10/5/1912, chỉ vài tuần sau thảm họa chìm tàu Titanic gây rúng động New York. Bà là con thứ 10 trong một gia đình ngư dân, sống trên đảo Lewis của Scotland. Các nhà sử học đã miêu tả đây là vùng đất “bẩn thỉu không thể tả”, “nơi bất hạnh tận cùng của con người”.

Ngôn ngữ mẹ đẻ của MacLeod là tiếng Gaelic, nhưng bà cũng học thêm tiếng Anh ở trường. Lớn lên trong ngôi nhà khiêm tốn, không mấy giàu có, MacLeod bắt đầu mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 1.

Mary Anne MacLeod Trump và chồng tham dự đám cưới của Donald Trump và Marla Maples năm 1993. (Ảnh: The LIFE Picture Collection/Getty Images)

Năm 1930, MacLeod lên tàu đến thành phố New York khi mới 18 tuổi. Trong bản danh sách hành khách, bà ghi mình là "người giúp việc".

Dù khi ấy, thị trường chứng khoán Mỹ không mấy khả quan, MacLeod vẫn quyết tâm đến đây để đổi đời với 50 USD trong túi. Bà nói với nhà chức trách rằng mình sẽ sống cùng một trong số các chị gái ở Astoria, Queens và làm giúp việc.

Tại New York, MacLeod được thuê làm bảo mẫu cho một gia đình giàu có. Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái đã khiến bà mất việc. Người phụ nữ trẻ quay lại Scotland vào năm 1934, nhưng cũng không ở đó quá lâu.

Mọi thứ thay đổi vào khoảnh khắc MacLeod gặp Frederick “Fred” Trump - người sau này sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt. 

Là một doanh nhân khởi nghiệp từ nghề xây dựng khi mới học cấp 3, Trump đã bán được những căn nhà dành cho gia đình tại Queens với giá 3.990 USD/căn - một số tiền không quá lớn. Trump được cho là đã quyến rũ MacLeod tại một buổi vũ hội và cặp đôi nhanh chóng yêu nhau.

Hai người kết hôn vào tháng 1/1936 tại nhà thờ Madison Avenue Presbyterian ở Manhattan. Tiệc cưới được tổ chức tại khách sạn Carlyle gần đó với 25 khách mời. Đôi uyên ương mới cưới cũng đi nghỉ tuần trăng mật ở thành phố Atlantic, New Jersey. Họ bắt đầu yên bề gia thất tại khu dân cư Jamaica Estates ở Queens.

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 2.

Bà Mary Anne MacLeod Trump khi còn trẻ.

Bước ngoặt đổi đời

MacLeod hạ sinh người con gái đầu Maryanne vào ngày 5/4/1937 và con trai Fred Jr. vào năm tiếp theo. Tới năm 1940, MacLeod trở thành một bà nội trợ khá giả, thậm chí còn có người giúp việc riêng. Khi đó, chồng bà kiếm được 5.000 USD/năm - tương đương với khoảng 86.000 USD vào năm 2016.

Ngày 10/3/1942 - cùng năm mà đứa con thứ ba Elizabeth ra đời - MacLeod đã chính thức trở thành công dân Mỹ. Donald Trump được sinh 4 năm sau đó, cùng với sự ra đời của người em trai Robert vào năm 1948 suýt nữa đã lấy đi mạng sống của MacLeod.

Bà MacLeod gặp biến chứng nghiêm trọng khi sinh Robert đến mức phải cắt bỏ tử cung, cũng như làm thêm một số phẫu thuật. 

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 3.

Sống trong giàu sang nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. (Ảnh: The LIFE Picture Collection/Getty Images)

Khi ấy, Donald Trump mới chỉ là một cậu bé chập chững biết đi. Theo Mark Smaller - cựu Chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học Hoa Kỳ, trải nghiệm cận kề sinh tử này của người mẹ có thể ảnh hưởng phần nào tới Donald Trump.

“Một đứa trẻ hai tuổi rưỡi đang trải qua quá trình tự chủ và độc lập dần khỏi người mẹ”, ông giải thích. “Nếu quá trình này bị gián đoạn, hoặc bị cản trở về liên kết, nó sẽ ảnh hưởng tới cảm giác an toàn và sự tự tin của bản thân”.

Tuy nhiên, bà MacLeod đã sống sót. Kể từ đây, gia đình nhà Trump bắt đầu ăn nên làm ra. Chồng bà đã kiếm được kha khá lợi nhuận từ cơn sốt bất động sản thời kỳ hậu chiến tranh. Tài sản của gia đình lại càng tăng thêm nhờ những chuyến đi của MacLeod.

Từ một người nhập cư gốc Scotland với hai bàn tay trắng, giờ đây MacLeod được đi máy bay, ở du thuyền, tới những nơi như Bahamas, Puerto Rico và Cuba. Là vợ của một chủ đầu tư giàu có, bà trở thành chủ đề bàn tán với tư cách một phu nhân thượng lưu từ New York.

Người phụ nữ này đã chứng minh giấc mơ Mỹ có thật - ít nhất là đối với một số người may mắn. Quyết tâm chia sẻ sự giàu có của mình, bà cống hiến phần lớn cuộc đời cho hoạt động thiện nguyện như giúp đỡ bệnh nhân bại não và thiểu năng trí tuệ.

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 4.

Bà Mary Anne MacLeod Trump chụp cùng con dâu Melania Trump. (Ảnh: Davidoff Studios/Getty Images)

Mối quan hệ khăng khít với Donald Trump

Thân mẫu của Tổng thống Mỹ được cho là người sáng tạo kiểu tóc vuốt ngược đầy tỉ mỉ, ít nhất là trong gia đình nhà Trump. Kiểu tóc này sau đó đã được Donald Trump học hỏi theo.

“Nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng mình được thừa hưởng tài nghệ giải trí từ mẹ”, Donald Trump tiết lộ trong cuốn sách The Art of the Deal xuất bản năm 1987. “Bà ấy luôn yêu thích những thứ kịch tính và trang trọng. Tuy là một bà nội trợ truyền thống, mẹ cũng ý thức rõ về thế giới bên ngoài.”

Sandy McIntosh - người học cùng với Trump tại Học viện Quân sự New York - nhớ lại cuộc trò chuyện đặc biệt khi ấy với vị Tổng thống.

“Ông ấy có nhắc đến cha mình, về chuyện cha khuyên ông hãy trở thành ‘một vị vua’, một vị sát thủ’”, McIntosh nói. “Ông ấy không tiết lộ lời khuyên của mẹ. Ông ấy chẳng bao giờ nói gì về mẹ cả. Dù chỉ là một từ”.

Mặc dù Donald Trump hiếm khi đề cập tới mẹ của mình, ông luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ mỗi khi nhắc tới bà. Ông thậm chí còn lấy tên mẹ để đặt cho một căn phòng tại resort Mar-a-Lago do mình sở hữu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học Hoa Kỳ, những vấn đề Donald Trump hay gặp với phụ nữ chủ yếu xuất phát từ việc “so sánh họ với mẹ mình”.

“Một phần nguyên nhân khiến tôi hay gặp rắc rối với phụ nữ là do so sánh họ với người mẹ tuyệt vời của mình - Mary Trump”, ông viết trong cuốn The Art of the Comeback xuất bản năm 1997. “Bà ấy thông minh tuyệt đỉnh”.

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 5.

Dù sống trong giàu sang nhung lụa, bà MacLeod chưa bao giờ ngừng làm từ thiện. Bà là trụ cột của Hội phụ nữ Bệnh viện Jamaica, nhà trẻ ban ngày Jamaica, cũng như hỗ trợ nhiều tổ chức thiện nguyện khác.

Tuy ra đi trước khi nhìn thấy con trai trở thành Tổng thống, bà MacLeod đã được chứng kiến sự nổi tiếng của con trai vào thập niên 90. Những năm cuối đời, bà bị bệnh loãng xương nghiêm trọng. Mary MacLeod Trump qua đời tại New York vào năm 2000, hưởng thọ 88 tuổi - chỉ một năm sau ngày mất của chồng.

Kể cả khi đã trở nên nổi tiếng, bà MacLeod cũng chưa từng quên cội nguồn của mình. Bà thường xuyên về thăm quê hương, nói tiếng Gaelic mỗi khi ở đó. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa con trai bà và Scotland lại không được như vậy trong vài năm gần đây.

Khi xây dựng một sân golf ở Scotland đầu những năm 2010, ông đã va chạm với một số chính trị gia và người dân địa phương phản đối tầm nhìn của mình. Chính sách nhập cư gây tranh cãi của vị Tổng thống này cũng khiến lãnh đạo Scotland nổi giận. Thủ tướng thứ nhất Nicola Sturgeon thậm chí đã tước danh hiệu “Người Scot toàn cầu” của ông - dùng để gọi đại sứ doanh nghiệp có đóng góp cho Scotland trên trường quốc tế.

Chuyện chưa kể về Mary Anne McLeod Trump: Từ cô gái nhập cư nghèo với giấc mơ đổi đời trở thành thân mẫu người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ  - Ảnh 6.

Tổng thống Trump để ảnh của mẹ trong Phòng Bầu dục. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Dù mối quan hệ giữa Donald Trump và quê mẹ không mấy tốt đẹp, bà vẫn là người có ảnh hưởng lớn tới ông. Vị tỷ phú này vẫn sử dụng cuốn Kinh Thánh do mẹ tặng trong suốt buổi lễ nhậm chức của mình. Ông cũng treo ảnh của bà trong Phòng Bầu dục.

Bà MacLeod cũng là hình mẫu của nhiều thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực thiện nguyện. Chính vì lẽ đó, Mary Anne MacLeod Trump luôn được nhớ tới như một câu chuyện nhập cư truyền cảm hứng về người phụ nữ cống hiến tài sản của mình vì những mục đích tốt.

(Theo All That Interesting)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.