Chất đá tốt là yếu tố hàng đầu khi mua kim cương
Châu báu có nguồn gốc tự nhiên luôn được nâng niu nhờ vẻ đẹp, độ hiếm và độ độc nhất. Để đánh giá một viên kim cương, điều đầu tiên cần chú ý là chất đá.
Là hoàng tộc nổi tiếng nhất thế giới, hoàng gia Anh sở hữu bộ sưu tập kim cương khó ai sánh kịp.
Ở mặt trước của Vương miện Hoàng gia không chỉ có viên Black Prince Spinel nặng 170 carat, mà còn cả viên kim cương Cullinan 2 nặng 317 carat với 64 mặt cắt. Vương trượng cũng được đính viên Cullinan 1 hình giọt nước nặng 530 carat.
Vương miện và quyền trượng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Nizam Mir Osman Ali Khan - vị vua cai trị vùng Hyderabad (Ấn Độ), từng là người giàu nhất thế giới - thừa kế viên kim cương Jacob huyền thoại nặng 184 carat. Đây là viên kim cương có kích thước lớn thứ 7 thế giới, trị giá khoảng 50 triệu bảng Anh (1.500 tỷ VNĐ). Suốt một thời gian dài, ông sử dụng nó như một chiếc chặn giấy.
Nizam Mir Osman Ali Khan - vị đại gia Ấn Độ từng là người giàu nhất thế giới và viên kim cương Jacob
Với những đại gia mới nổi không thuộc tầng lớp quý tộc, thay vì thừa kế, họ sở hữu kim cương bằng cách vung tiền mua.
Năm 2010, tỷ phú Trịnh Dụ Đồng - ông chủ đế chế trang sức nổi tiếng Trung Quốc Chow Tai Fook - đã chi 35 triệu USD để mua viên Cullinan Heritage nặng 507 carat. Đây cũng là viên kim cương thô có giá cao nhất thế giới.
Tập đoàn của tỷ phú này còn bán viên kim cương hồng Pink Star nặng 59 carat với giá 70,5 triệu USD vào năm 2017. Nó từng lập kỷ lục là viên kim cương đắt nhất thế giới được đấu giá.
Viên kim cương thô nặng Cullinan Heritage của tỷ phú Trịnh Dụ Đồng
Đeo kim cương theo kiểu phô trương, càng nhiều càng đẹp
Nhiều người chơi kim cương theo phong cách "phô trương". Nguyên tắc "less is more" (đơn giản là nhất) không hề đúng với họ.
Bhupinder Singh xứ Patiala - quý tộc thuộc hoàng gia Ấn Độ - có phong cách thời trang khá "độc lạ". Ông đeo kim cương kín từ đầu đến chân. Trang sức nặng hay không chẳng quan trọng, quan trọng nhất là phải nhiều. Trân châu, kim cương, ngọc lục bảo,... món nào ông cũng có.
Từ lâu, kim cương đã trở thành một phần không thể thiếu trong đám cưới của giới thượng lưu Ấn Độ. Nita Ambani - vợ của tỷ phú giàu nhất châu Á - rất thích sử dụng trang sức và đá quý, trên người bà không bao giờ thiếu bóng dáng kim cương.
Cô con gái Isha hay cô con dâu Shloka cũng thừa hưởng phong cách của bà Nita Ambani. Họ thường xuyên đeo trang sức, tạo vẻ chói lòa trong từng tấm ảnh.
Phụ nữ trong gia đình Ambani cũng rất thích đeo trang sức đá quý
Mua hàng nghìn carat kim cương, nhiều đến mức thành khách VIP
Dưới triều đại Mughal, hoàng gia Ấn Độ từng khiến thế giới kinh ngạc bởi độ giàu có của mình. Các thành viên hoàng tộc thường mang đá quý đến các thương hiệu lớn để tùy chỉnh trang sức cho phù hợp ý mình.
Cartier là thương hiệu có mối quan hệ lâu dài và bền chặt nhất với hoàng gia Ấn Độ. Họ từng tạo ra chiếc vòng cổ Patiala huyền thoại khảm gần 3.000 viên kim cương màu với tổng khối lượng 962 carat cho hoàng thân Maharaja Bhupinder Singh. Có tin đồn rằng ông đã đặt mua những viên kim cương này rồi chuyển trực tiếp đến xưởng của Cartier.
Chiếc vòng cổ Patiala huyền thoại khảm gần 3.000 viên kim cương màu
Khi tới Paris (Pháp), ngoài đoàn tùy tùng gồm 40 người hầu, Maharaja Bhupinder Singh còn mang theo 6 chiếc hộp chứa đến gần 2.000 carat kim cương. Từ số kim cương này, 149 món đồ trang sức đã được Boucheron chế tạo. Đây cũng là đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử thương hiệu này.
Marjorie Merriweather Post - một quý bà giàu có ở Mỹ vào thế kỷ 19 - cũng sở hữu bộ sưu tập trang sức tư nhân sánh ngang với bảo tàng về cả số lượng lẫn chất lượng. Dân tình đồn rằng bà là người sở hữu nhiều trang sức Cartier nhất nước Mỹ. Chỉ riêng bộ sưu tập của người phụ nữ cũng đủ để tổ chức một buổi triển lãm trang sức cấp cao.
Trong giai đoạn 1920-1960, Post thường làm việc trực tiếp với Pierre - 1 trong 3 anh em nhà Cartier. Bà cũng là một trong những khách hàng lâu dài và quan trọng nhất của thương hiệu này. Người quản lý bộ sưu tập trang sức của Post chia sẻ rằng bà có đến 107 món trang sức, chưa kể nhiều món đã bị bỏ đi.
Khảm đá quý lên mọi món đồ
Không thỏa mãn với những cách chế tác cơ bản như trang sức và vương miện, nhiều đại gia khảm đá quý lên mọi đồ vật mình có.
Ví dụ, bộ lễ phục đăng quang của Sa hoàng Nga có phụ kiện làm từ đá quý và vàng nguyên chất. Ngoài vương miện và quyền trượng, các thứ khác như hộp cung, ống tên, dao, khiên và kiếm cũng được khảm châu báu. Hoàng gia Nga cũng thích dùng đá quý để chế tác những quả trứng Phục sinh.
Những quả trứng phục sinh khảm đá quý
Giới thượng lưu Ấn Độ cũng thích khảm đá quý trên hộp đựng bút hay ống đựng mực. Bà Nita Ambani còn đính một viên kim cương hồng khổng lồ ở mặt sau điện thoại di động, có giá lên tới 45,5 triệu USD (1.100 tỷ VNĐ).
Dùng kim cương làm minh chứng tình yêu
Bên cạnh việc thể hiện quyền lực và sự giàu có của mình, nhiều đại gia còn dùng châu báu làm minh chứng tình yêu, thể hiện sự lãng mạn với đối phương.
Nguyên mẫu của viên kim cương xanh Heart of the Ocean trong phim Titanic là viên kim cương Le Coeur de la Mer. Đây là món quà được vua Louis XVI tặng cho Nữ hoàng Mary, nặng 112 carat và được bảo hiểm với giá 250 triệu USD.
Nguyên mẫu của viên kim cương xanh Heart of the Ocean trong phim Titanic là viên kim cương Le Coeur de la Mer.
Vua Edward VIII của Anh - sau này trở thành Công tước Windsor - đã tặng người vợ gốc Mỹ một chiếc vòng tay kim cương và ruby của Cartier như món quà kỷ niệm 1 năm ngày cưới. Ngoài viên ruby Love Stone, ông còn khắc ở mặt trong chiếc vòng một viên kim cương 36 carat.
Hoàng đế Napoleon của Pháp từng tặng Hoàng hậu Josephine một chiếc vòng tay kim cương. Trên mỗi viên đá quý đều có khắc chữ, kết hợp từ tên 2 người con của Josephine là Eugene và Hortense.
Quả trứng hồng Sa hoàng Alexander III của Nga tặng cho Sa hậu Maria cũng rất lãng mạn. Khi mở quả trứng ra, có một bức bình phong vẽ khung cảnh Đan Mạch sẽ được hiển lộ. Vì Maria vốn là công chúa Đan Mạch nên Alexander III đã đặc biệt đặt làm món quà này để giúp vợ mình vơi đi nỗi nhớ nhà.
Lấy tên người đặt cho kim cương
Giới nhà giàu cũng rất chuộng việc đặt tên cho trang sức. Tỷ phú người Anh Laurence Graff - ông chủ của thương hiệu Graff Diamond - từng mua một viên kim cương hồng đậm 24 carat với giá 46,1 triệu USD (1058 tỷ VNĐ). Ông gọi nó là The Graff Pink, phỏng theo tên của chính mình.
Tỷ phú Laurence Graff bên cạnh viên kim cương hồng
Tỷ phú Hong Kong Lưu Loan Hùng - ông chủ của Tập đoàn BĐS Chinese Estates Holdings - vốn rất nổi tiếng trong việc chiều con gái. Ộng tặng hai ái nữ rất nhiều kim cương, còn đặt tên kim cương theo tên của con.
Món quà sinh nhật đầu tiên Lưu Loan Hùng tặng cho con gái cả Lưu Tú Hoa là một viên kim cương xanh hoàn mỹ nặng 7 carat, trị giá 9 triệu USD (216 tỷ VNĐ). Ông đặt tên nó là Star of Josephine - theo tên con gái.
Những viên kim cương tỷ phú Lưu Loan Hùng tặng con gái
Năm 2015, vị tỷ phú này cũng mua cho ái nữ một viên kim cương hồng nặng 16 carat trong buổi đấu giá của Christie’s với giá 28,5 triệu USD (654 tỷ VNĐ). Món quà sinh nhật lần thứ 7 của nàng tiểu thư này tiếp tục là một viên kim cương xanh 12 carat có giá 48,4 triệu USD (1.111 tỷ VNĐ) mang tên The Blue Moon of Josephine.
Với con gái thứ Lưu Tú Doanh, ông trùm bất động sản cũng tặng cô hai viên đá quý. Một là viên kim cương xanh có tên The Zoe Diamond, nặng 9,75 carat, trị giá 31,8 triệu USD (730 tỷ VNĐ). Hai là viên ruby màu máu bồ câu tự nhiên có tên Zoe Red, nặng 10 carat, trị giá 10 triệu USD (231 tỷ VNĐ).
(Theo 163)