Theo trang tin Quartz của Mỹ, chuỗi cung ứng đất hiếm cho Mỹ và châu Âu có thể bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, khiến cho việc châu Âu cố gắng loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguồn nguyên liệu thô quan trọng này càng trở nên khó thực hiện.
Năm ngoái, hai công ty Bắc Mỹ đã khởi động một dự án. Đầu tiên là ở bang Utah của Mỹ, nơi một phụ phẩm khai thác có tên là monazite được chế biến thành hỗn hợp cacbonat đất hiếm. Các sản phẩm đất hiếm này sau đó được chuyển đến nhà máy ở Estonia, nơi chúng được tách thành các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ và bán cho các công ty thuộc nhóm "hạ nguồn" (là những công ty cung cấp liên kết gần nhất với người dùng hàng ngày) để sản xuất thành các sản phẩm như nam châm vĩnh cửu đất hiếm.
Nam châm vĩnh cửu đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như xe điện và tuabin gió.
Nhà máy chế biến đất hiếm Silmet nằm ở thị trấn ven biển Sillamae của Estonia, được điều hành bởi công ty Neo (tên đầy đủ là Neo Performance Materials), đã được niêm yết tại thị trường chứng khoán Canada và là nhà máy thương mại duy nhất thuộc loại này ở châu Âu.
Nhà máy chế biến đất hiếm Silmet của Neo ở Sillamae, Estonia. Ảnh: The Golden Investor
Nhưng theo Neo, trong khi Silmet tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm hỗn hợp từ công ty Energy Fuels có trụ sở tại Mỹ, thì 70% nguyên liệu đất hiếm cần thiết cho quá trình chế biến thực tế lại đến từ một công ty ở Nga.
Constantine Karayannopoulos - Giám đốc điều hành của Neo - trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với trang tin Quartz vào đầu tháng này cho biết: "Thật không may, với cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, các nhà cung cấp của Nga phải đối mặt với tương lai bất định".
Hiện tại, nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng - Công ty magiê Solikamsk Magnesium Works của Nga vẫn chưa bị phương Tây trừng phạt. Nhưng nếu họ phải chịu các lệnh trừng phạt mở rộng từ Mỹ và châu Âu, khả năng cung cấp nguyên liệu đất hiếm của công ty Nga sẽ bị hạn chế.
Ông Karayannopoulos cho biết, Neo hiện đang làm việc với một công ty luật toàn cầu có chuyên môn về các biện pháp trừng phạt. Neo cũng đang đàm phán với 6 "nhà sản xuất mới nổi" trên khắp thế giới để nghiên cứu cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đất hiếm của mình. Mặc dù công ty Energy Fuels (Mỹ) có thể tăng nguồn cung cấp cho Neo, nhưng điều này phụ thuộc vào năng lực khai thác monazite bổ sung của Energy Fuels.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga làm gián đoạn chuỗi cung ứng đất hiếm. Ảnh: Baijiahao
Thomas Crummer - Giám đốc một công ty Singapore chuyên về quản lý chuỗi cung ứng đất hiếm - cho biết: "Neo cũng có các cơ sở phân tách đất hiếm ở Trung Quốc nên sự phụ thuộc vào Silmet không quá nghiêm trọng".
Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của nhiều nước châu Âu nhằm vào Nga, sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian dài tại nhà máy Silmet của Neo sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền trên khắp châu Âu.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu năm 2020, 98% đến 99% đất hiếm ở châu Âu đến từ Trung Quốc. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng Nga cũng cung cấp đất hiếm cho châu Âu, và sự gián đoạn do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ buộc thị trường châu Âu phải chuyển hướng sang Trung Quốc.
Nabeel Mancheri - Tổng thư ký của Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm có trụ sở tại Brussels (Bỉ) - cũng cho biết: "Châu Âu phụ thuộc vào Nga về nhiều nguyên liệu (đất hiếm), bao gồm cả nguyên liệu tinh chế. Vì vậy, nếu các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng này, lựa chọn tiếp theo trong ngắn hạn chỉ có thể là Trung Quốc".