"Chúng tôi không có gì để ăn": Tiếng thở dài nặng lòng của dân nghèo ở quốc gia vừa vỡ nợ

Nam Anh | 16-04-2022 - 13:59 PM

(Tổ Quốc) - Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Sri Lanka đã gây tác động khắc nghiệt nhất đến những người lao động có thu nhập thấp và phải kiếm ăn hàng ngày.

Tại Sri Lanka, quốc gia vừa tuyên bố vỡ nợ, ngay cả những gia đình trung lưu ở các thành phố như Colombo và Kandy cũng đang rất khốn khổ.

Nadeera và cô con gái 13 tuổi Shanali ngước nhìn lên khi một khách hàng đi ngang qua cửa hàng của họ. "Tiệm mình có nước cốt dừa không? Không". Cửa hàng của họ cũng không còn bánh mì hay trứng. Họ hầu như không còn bất cứ thứ gì trong kho.

Sống trong căn nhà thuê ở khu Orugodawatta tại thủ đô Colombo, hai mẹ mở một cửa hàng nhỏ bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày. Nhưng ở Sri Lanka hiện nay, những thứ thiết yếu này cũng rất khó tìm.

Những thứ thiết yếu trở thành xa xỉ

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm, với giá cả tăng vọt và tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và cả giấy vệ sinh gây tác động lớn đến người dân.

Người dân nước này còn bị thiếu nhiên liệu nghiêm trọng và phải chịu đựng những đợt cắt điện luân phiên hàng ngày.

Khu phố Orugodawatta là nơi sinh sống của nhiều gia đình có thu nhập thấp từ các cộng đồng khác nhau - Phật giáo Sinhala, Sinhala Cơ đốc, Tamil và Hồi giáo. Vấn đề nghèo đói ở thành thị có thể rất khác ở Sri Lanka so với Ấn Độ, nơi nhà ở ngăn nắp hơn và không có tình trạng quá tải.

Nhưng thực tế bên trong các ngôi nhà lại hoàn toàn khác.

Trong khi quốc đảo này có tỷ lệ người biết chữ và tuổi thọ cao, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tỷ lệ nghèo thấp của Sri Lanka đã lỗi thời và các cuộc khủng hoảng liên tiếp - như các vụ đánh bom vào Chủ nhật Phục sinh vào năm 2019 và đại dịch Covid-19- đã đẩy mọi người ra khỏi tầng lớp trung lưu và tiếp tục rơi vào cảnh nghèo đói.

Trong khi các số liệu thống kê chính thức cho thấy, khoảng 4% dân số Sri Lanka ở trong tình trạng nghèo đói, WB ước tính con số là khoảng 11,7%.

Gia đình của Nadeera là một trong những ví dụ điển hình: cô từng có công việc ổn định nhưng để sinh tồn, cô gần đây phải cầm đồ tài sản, bao gồm cả đồ trang sức dành dụm được cho đám cưới của con gái. "Con bé đang học lớp chín", Nadeera nói.

Cô cũng buộc phải đóng cửa hàng buôn bán nhỏ vào buổi tối vì không đủ tiền mua dầu để thắp đèn. Chồng cô, lái xe ba bánh thuê, đã không thể đi làm thường xuyên vì thiếu nhiên liệu.

"Chúng tôi không có gì để bán", Nadeera nói, chỉ tay về phía các kệ trống trong cửa hàng. "Sáng nay tôi chỉ làm được 5 chiếc bánh chapati để bán, nhưng không ai mua".

Những lựa chọn khó khăn

Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Sri Lanka. Các thành phố đô thị như Colombo và Kandy cũng đang chứng kiến số lượng lớn người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu trên đường phố.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka đã khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp và làm công ăn lương hàng ngày bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với những phụ nữ làm công ăn lương hàng ngày, họ phải đứng trước lựa chọn khó khăn: đi làm và không có gì ở nhà để ăn, hoặc xếp hàng chờ đợi để mua được những thứ cần thiết và mất thu nhập của một ngày.

Thông thường, họ sẽ lựa chọn đi mua hàng khi bị cắt điện bởi vì khi đó, không có việc gì làm.

Tại một tiệm may, nơi có 5 phụ nữ chuyên may đồ nam giới, điện vừa có trở lại. Những người phụ nữ - Shalani, Nishanti, Rangi, Nayana và Surekha - vui mừng cho biết, ông chủ của họ đã tìm được nguồn điện từ nơi khác để duy trì hoạt động.

Điều này có nghĩa là họ sẽ có thể được nhận lương hàng ngày - khoảng 150 rupee.

Họ nói rằng, số tiền đó không thấm vào đâu so với nhu cầu nhưng ít nhất nó là một cái gì đó để họ hy vọng. Họ còn cho biết, thật may là ông chủ cho phép họ nghỉ ngơi một giờ vào buổi chiều để xếp hàng mua hàng tạp hóa trong cái nóng như thiêu đốt.

Những người phụ nữ đều phàn nàn việc thiếu thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng hoặc hầu hết các loại hải sản. Giá cả thì ngày một leo thang đắt đỏ. Surekha, vừa trở về sau khi xếp hàng mua sữa bột cho con nhưng không được, cho biết: "Giá của mọi thứ đều đang tăng lên trong khi hàng thì không có sẵn".

Cách đó một con phố, Priyantha đang chuẩn bị sẵn sàng để đối phó đợt cắt điện tiếp theo. "Tình hình ở đây rất tệ", anh nói. "Gia đình tôi có 3 đứa con và tôi không thể tìm được bất kỳ công việc nào trong tháng này. Chúng tôi không thể sống".

Ang mở một cửa hàng hàn ở Orugodawatta và cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến anh mất rất nhiều. "Chúng tôi bị cắt điện hàng ngày, điều đó rất khó khăn. Tôi muốn thuê một trợ lý, nhưng không đủ khả năng. Tất cả các vật liệu cần có giờ đây cũng có giá gấp đôi", Priyantha buồn bã nói.

Chỉ về phía một thiết bị kim loại, anh ấy nói nó có giá 500Rs. "Đó là giá hôm nay. Nó có thể thay đổi vào ngày mai, hoặc trong một vài ngày tới".

Đối diện cửa hàng hàn của Priyantha, thợ mộc Vijay và những người làm cùng đã quyết định thuê một máy phát điện để tránh tình trạng cắt điện kéo dài.

"Trước đó chúng tôi làm việc 8 tiếng một ngày, bây giờ chúng tôi chỉ có thể làm việc trong 5-6 tiếng", Vijay nói. "Hy vọng rằng máy phát điện sẽ giúp chúng tôi, nhưng việc có đủ nhiên liệu rất khó."

Chúng tôi không có gì để ăn: Tiếng thở dài nặng lòng của dân nghèo ở quốc gia vừa vỡ nợ - Ảnh 3.

Phụ nữ làm việc tại một tiệm may ở Orugodawatte, thủ đô Colombo. Ảnh: ThePrint

Lo ngại khủng hoảng tiếp theo

Tất cả họ vẫn đang nỗ lực hồi sinh sau hậu quả của các cuộc khủng hoảng liên tiếp.

Các vụ đánh bom vào Chủ nhật Phục sinh hồi tháng 4/2019 đã tàn phá nền kinh tế, vốn chỉ đang tăng trưởng khoảng 3%. Và rồi đại dịch ập đến.

Cô Nadeera từng làm việc trong một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống, nhưng bị mất việc vì Covid-19. Priyantha đã phải cho công nhân nghỉ việc tại xưởng hàn vì dịch.

Giờ đây, các cư dân của Colombo đang chuẩn bị cho bất kỳ cuộc khủng hoảng mới nào. Một trong những mối quan tâm đó là mùa gió mùa sắp tới ở Sri Lanka. Orugodawatta nằm ngay bên sông Kelani, và nguy cơ hứng chịu lũ lụt nặng nề.

Bà Serika, 78 tuổi, đặc biệt lo lắng vì sợ ngôi nhà của mình, vốn đã bị phá hủy trong trận lũ lụt năm 2016, lại bị như vậy.

Trở lại tiệm may, những người phụ nữ cam chịu với thực tế. Nishanti nói: "Chúng tôi không có gì để cho các con ăn. Chúng tôi không có gạo, không có sữa. Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi mọi thứ trở nên tốt hơn".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.