Trong khi tất cả thế giới cùng nhau ngồi trong nhà, hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người lạ thì chỉ có duy nhất đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng bước vào tâm dịch. Họ phải làm việc nhiều giờ liền để chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19, và con số nhiễm bệnh thì vẫn tăng lên hằng ngày.
Trong những câu chuyện nghề Y, những người muốn có thành công nghề nghiệp phải trải qua vô vàn khó khăn, đã có lúc mệt mỏi tưởng chừng như muốn ngất lịm đi sau các ca kíp trực mổ. Những áp lực trong việc phải cứu nguy tính mạng nạn nhân luôn là con dao "kè lên cổ" đội ngũ ngành Y, khiến bản thân họ không được sai sót dù chỉ một tích tắc.
Nguy hiểm cận kề, một mình lao vào tâm dịch khiến nhiều người kiệt sức
Không lúc nào đội ngũ y bác sĩ khổ sở như trong mùa dịch. Khắp thế giới, các bác sĩ bị đẩy đến giới hạn của sức chịu đựng. Họ thiếu ngủ và thiếu vật tư y tế để chống chọi với một dịch bệnh toàn cầu. Chúng ta chứng kiến không ít cảnh bác sĩ phải làm việc lên đến 16-18 tiếng/ngày, sẵn sàng đóng bỉm, chịu uống ít nước để tránh đi vệ sinh. Kết thúc mỗi ngày, họ kiệt sức đến mức ngủ trên ghế, trên sàn bệnh viện hay bất cứ nơi nào có thể. Họ sử dụng đồ bảo hộ cả ngày đến mức đã có những vết hằn sâu, vết loét trên gương mặt mệt mỏi.
Gương mặt đầy vết hằn và lộ rõ vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Vì liên tục phải đeo găng tay và chà rửa với hóa chất, dung dịch vệ sinh, đôi tay của các y bác sĩ nhanh chóng bị trầy xước, sưng rộp hay nhăn nheo vì đổ mồ hôi.
Nhiều người đã phải thảng thốt kêu lên: "Tôi như phát điên, tất cả đồng nghiệp của tôi cũng như vậy, chúng tôi đều đã phải chịu đựng tình trạng này suốt nhiều tuần qua. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể ngăn cản chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình".
Nhưng kết thúc ca làm không phải mọi chuyện đã kết thúc. Nhiều người mang trong mình lo lắng khi cởi đồ bảo hộ bởi nguy cơ lây nhiễm vẫn cực cao. Y tá Lee Hee Joo (Bệnh viện Đại học Kei Myung) chia sẻ: "Phải mất 20 phút tôi mới có thể tháo hoàn chỉnh đồ bảo hộ bao gồm áo quần bảo hộ, kính bảo hộ, ủng bảo hộ và găng tay. Đến bước khử trùng tay cuối cùng, tất cả mọi thứ đều phải được đảm bảo trình tự và tuân thủ quy tắc an toàn tuyệt đối nên không thể lơ là một giây nào".
Ngày ngày cứu chữa cho hàng chục bệnh nhân nhưng chính họ cũng đang phải chống chọi với sức khỏe của mình. Theo số liệu được Viện Y tế quốc gia Ý (ISS) công bố ngày 22/3, có đến hơn 4800 nhân viên y tế của nước này dương tính với virus corona trong quá trình điều trị. Thậm chí nhiều người cũng không tránh khỏi số phận và đành phải chết trong sự cô độc.
Ở Việt Nam, cũng có 4 trường hợp trong đội ngũ y tế bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân. Đó là bệnh nhân số 116, bác sĩ 29 tuổi ở Bệnh viện TƯ 2 sau khi tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng mắc Covid-19. Và bệnh nhân số 141 bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho bệnh nhân 28, bị phơi nhiễm cùng ngày với bệnh nhân 116. Trước đó, 2 nữ điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai đã được xác định dương tính với Covid-19.
Nữ bác sĩ quyết định cắt tóc để hạn chế đường lây lan của dịch bệnh.
Những hình ảnh khiến chúng ta càng thêm trân trọng công sức của đội ngũ ngành Y.
Khối lượng công việc khổng lồ gồng gánh trong hai từ "trách nhiệm"
Từ lúc còn học trong giảng đường, sinh viên Y đã phải tập quen dần với công việc tại bệnh viện, nhà thuốc. Với 1 sinh viên ngành Y năm thứ 6, lịch trực mỗi tuần là 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 24 tiếng. Ngày không phải trực, buổi sáng lên trường học lâm sàng ở bệnh viện, chiều học lý thuyết. Thứ 7, chủ nhật thì quần quật ôn thi vì lịch kiểm tra, lịch thi tuần nào cũng có!
Đến khi bước ra ngoài thực tế, công việc của họ lại càng "ngập đầu" hơn. Trung bình, một bác sĩ làm khoảng 60 giờ một tuần, thậm chí đối với bác sĩ nội trú có thể lên đến 80 giờ. Điều này có nghĩa bao gồm cuối tuần, tăng ca và làm thêm. Sáng mở mắt ra thấy bệnh viện, chiều nhắm mắt lại thấy bệnh nhân. Đôi khi, kì nghỉ lễ của người khác lại chính là thời gian làm việc của nghề Y.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên Y đã phải học cách sống chung với áp lực và công việc.
Trung bình, một bác sĩ làm khoảng 60 giờ một tuần, thậm chí đối với bác sĩ nội trụ có thể lên đến 80 giờ.
Phàm là con người thì ai và ở đâu cũng có thể mắc lỗi, nhầm lẫn. Nhưng trong một hệ thống đòi hỏi sự chính xác cao độ như nghề Y, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bác sĩ "gãy cánh" cả đời. Những vết thương loang lổ, ánh mắt ngóng đợi tình hình của người nhà, áp lực phải cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá... đè nặng lên hai từ "trách nhiệm" của bác sĩ. Gánh nặng quyết định cuộc đời ai đó khiến họ không được phép yếu đuối, và cũng không được phép sai sót dù chỉ một giây.
Một bác sĩ chia sẻ nỗi ám ảnh kinh hoàng khi phải thấy nạn nhân chết quá nhiều trong đại dịch: "Tôi thường nhận được cuộc gọi từ những bác sĩ trẻ cảm thấy mệt mỏi và muốn tâm sự. Mới đây, tôi nhận điện của một bác sĩ và một y tá, cả hai đều khóc vì ám ảnh việc bệnh nhân qua đời do virus. Họ tự vấn đã làm tất cả để cứu bệnh nhân chưa, hay liệu họ đã mắc sai sót gì. Tôi chỉ có thể nói với họ rằng chúng ta không thể làm gì hơn ngoài cố gắng mọi điều để hỗ trợ. Trong vai trò bác sĩ, đó là nghĩa vụ lớn nhất của chúng tôi".
Áp lực phải cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá khiến một sai sót nhỏ trong ngành Y cũng có thể làm tiêu tan cả sự nghiệp bác sĩ.
Bức ảnh nữ y tá mặc nguyên đồ bảo hộ ngủ gục trên bàn phím được ví như biểu tượng cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Italy.
Đối diện với những mối nguy hại cho bản thân, thiếu ngủ, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng cứ bám lấy mỗi bước hành nghề của những người theo ngành Y. Ấy vậy mà nhiều bệnh nhân cũng như người nhà sẵn sàng tỏ thái độ quá khích, dọa đánh, dọa kiện hay giết bỏ chính người đang cố gắng chữa trị cho mình.
Một bác sĩ ở tâm dịch bất lực chia sẻ: "Tất cả đều lo sợ. Một số bệnh nhân trở nên tuyệt vọng khi phải chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh. Tôi thậm chí nghe ai đó nói loáng thoáng rằng anh ta đã chờ lâu đến mức nếu có dao anh ta chỉ muốn đâm tôi một nhát. Nhưng giết vài người bác sĩ như chúng tôi cũng đâu có thể làm mọi thứ nhanh hơn, phải không?".
Sau mỗi ca trực, bác sĩ tranh thủ nằm vất vưởng mọi chỗ để ngủ.
Làm bác sĩ nhất định cần thật nhiều đam mê!
Ẩn sau câu chuyện đánh đổi cho nghề là cuộc đua nghiêm túc của những bạn trẻ không chỉ có đầu óc vượt trội mà mang trong mình cả sức mạnh và tinh thần thép. Có ai đó đã phải bỏ cuộc giữa chừng trên quãng đường 6 năm đại học nhưng đó là sự bỏ cuộc xứng đáng. Vì áp lực học hành chỉ là một phần nhỏ so với những ca trực sau này bác sĩ phải thực hiện. Những vất vả chỉ càng nói thêm rằng, nếu ai đó muốn nghiêm túc theo đuổi ngành Y thì phải cần thật nhiều sự cố gắng và đam mê.
Tuy nghề Y vất vả nhưng số liệu thực tế lại cho thấy 90% bác sĩ đều yêu thích nghề nghiệp của mình và rất tâm đắc và tự hào với những gì họ làm, bất chấp những cạm bẫy. Thậm chí, 61% bác sĩ muốn giới thiệu lĩnh vực Y học cho những người khác.
Học Y mệt là thế nhưng cũng rất vui, được trải nghiệm tất tần tật những thứ ở bệnh viện mà không phải ai cũng có cơ hội. Càng vất vả, họ càng thấm thía và càng cố gắng, vì họ hiểu công việc của mình sau này là cứu người, giúp người nên việc học hành, thực tập phải thực sự nghiêm túc.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải có cái nhìn công bằng và thấu cảm cho nỗi vất vả ngành Y. Nhiều người đã hành động bằng việc hưởng ứng mạnh mẽ chiến dịch "Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi" (I stay at work for you, you stay at home for us) bằng cách thay đổi thói quen đi chợ, ăn uống trước đây. Hạn chế ra đường lúc này không chỉ là bảo vệ bản thân mà còn giúp gánh nặng của đội ngũ ngành Y vơi đi rất nhiều.
Làm bác sĩ luôn cần rất nhiều sự đánh đổi và đam mê!