Theo 1 nghiên cứu của JDP (hãng phân tích số liệu của Mỹ), có tới 93% số người đi tìm việc cảm thấy cực kỳ lo lắng trước những cuộc phỏng vấn xin việc.
Điều này cho thấy, dù đã có kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc hay chưa thì việc cảm thấy hồi hộp hay bối rối trước khi bước vào một cuộc phỏng vấn nào đó của các ứng viên là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, dù căng thẳng thế nào, bạn cũng hãy để ý đến cách cư xử của mình, đừng như anh chàng dưới đây. Chỉ trong phòng 5 phút sau khi bước vào tòa nhà là trụ sở của công ty mà anh chàng nộp đơn xin việc, ứng viên này đã tự loại đi cơ hội của mình.
Chỉ 5 phút bước vào tòa nhà, ứng viên đã tự loại đi cơ hội trúng tuyển của mình
Bài học kinh nghiệm "xương máu" được 1 người trong cuộc chia sẻ trên diễn đàn Reddit.
Theo đó, một anh chàng ứng cử viên bước vào một tòa nhà, nơi có công ty mà anh ta đang muốn xin việc. Tại đó, nhân viên lễ tân của tòa nhà đã chào hỏi anh ta rất nhiệt tình. Nhưng đáp lại, anh chàng lại vô cùng thờ ơ, thậm chí chẳng hề có lời chào đáp lại, cũng không có sự giao tiếp bằng mắt.
Sau đó, nhân viên lễ tân đã cố gắng nói chuyện với anh ta, nhưng một lần nữa, anh ta không thèm nhìn lại, ngầm khẳng định rõ ràng việc anh ta không quan tâm và cũng không muốn nói chuyện với cô.
Tuy nhiên, có một điều mà ứng viên không biết, đó là "nhân viên lễ tân" thực ra lại chính là giám đốc phụ trách bộ phận tuyển dụng.
Ngay lập tức, vẻ mặt và thái độ của ứng viên thay đổi nhanh chóng.
Vị giám đốc tuyển dụng vẫn gọi anh ta vào phòng họp, kiên nhẫn giải thích với anh ta rằng ở công ty này, bất kỳ ai cũng có giá trị và được tôn trọng. Tuy nhiên, dựa theo những gì mà cô được chứng kiến trong 5 phút vừa qua, có vẻ như anh chàng không phù hợp với vị trí, và buổi phỏng vấn đã kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.
Bài học quan trọng không chỉ trong buổi phỏng vấn xin việc, mà là trong cả cuộc đời
Không phải ngẫu nhiên mà bài đăng trên Reddit đã nhận được hơn 45k lượt bình chọn (tương đương với lượt thích), hơn 2k lượt bình luận.
Theo tác giả bài đăng nói trên, để có một buổi phỏng vấn xin việc thành công, không ai được phép quên rằng, "buổi phỏng vấn bắt đầu ngay lập tức khi bạn đặt chân vào tòa nhà".
Để lắng nghe quan điểm của 1 người chuyên phỏng vấn các ứng viên nói về vấn đề này, Bored Panda đã liên hệ với Dawn Moss, người sáng lập của "Your Interview Coach", đã giúp cả thí sinh và các giám đốc tuyển dụng trong quá trình lựa chọn các ứng cử viên từ năm 2013. Dawn cho biết trong 12 năm làm nghề của mình, cô chưa từng giăng 1 chiếc "bẫy tuyển dụng" như trên.
Dawn Moss, người sáng lập của "Your Interview Coach".
Tuy nhiên, Dawn chia sẻ, "Tôi đã từng loại các ứng cử viên vì hành vi của họ đối với người khác trong quá trình phỏng vấn".
Hóa ra, các nhà tuyển dụng đã để ý đến những hành vi của các ứng viên từ trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. "Các ứng viên có gửi kèm theo thư giới thiệu không? Họ có dành thời gian trau chuốt CV hay không? Thái độ của họ trong buổi nói chuyện thế nào?", bên cạnh năng lực của ứng viên, đó sẽ là những điều mà họ xem xét trong suốt quá trình lựa chọn người cho các vị trí.
Cũng theo Dawn, thái độ và hành vi của ứng viên với những người có vẻ ở các vị trí ít liên quan đến vị trí mà họ nộp hồ sơ, nhân viên bảo vệ, lễ tân, nhân viên vệ sinh... nói lên rất nhiều về con người thật của chính các ứng viên, vì họ ít khi che giấu.
Và khi có nhiều ứng viên tài năng, như một lẽ dĩ nhiên, nhà tuyển dụng sẽ chọn ra người mà họ cho là dễ dàng hòa hợp nhất với số đông người trong công ty của họ, đi đường dài cùng công ty của họ.
Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến của nhiều nhà tuyển dụng khác, một người có năng lực yếu kém thì có thể đào tạo lại, nhưng một người có vấn đề về tư cách đạo đức hay cách ứng xử sẽ rất khó có thể thay đổi. Đây cũng là điều mà nhiều người cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân trước khi đi phỏng vấn.
Cách để gây ấn tượng tốt khi đi phỏng vấn xin việc
Cố vấn tìm việc làm Dawn cũng đưa ra một số gợi ý để các ứng viên tạo được ấn tượng tốt khi đi xin việc. "Hãy dành thời gian để xem xét và phân tích quảng cáo xin việc cũng như phần mô tả công việc đầy đủ", nghĩa là bạn hãy nghiên cứu thật kỹ về công ty bạn định xin việc.
Tiếp theo, hãy "chuẩn bị những câu trả lời cho những câu hỏi thông dụng nhất và đưa ra những ví dụ cụ thể trong cuộc phỏng vấn". Bạn cũng nên hỏi vài câu về công ty và vị trí ngoài vấn đề lương và các chế độ cho mình.
Ngoài ra, hãy luôn lắng nghe câu hỏi và các lời hướng dẫn, hãy duy trì thái độ tích cực, lịch sự và phong thái chuyên nghiệp. Hãy ăn mặc đơn giản, lịch sự và đến đúng giờ.
Ý kiến của dân mạng xung quanh câu chuyện "trượt trước khi được phỏng vấn"
Khi câu chuyện về anh chàng trượt phỏng vấn chỉ 5 phút sau khi bước vào tòa nhà được chia sẻ rộng rãi trên mạng, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra, đa phần ủng hộ ý kiến của nhà tuyển dụng.
Đa phần dân mạng đều cảm thấy việc ứng viên bị đánh trượt không có gì là khó hiểu.
Một người dùng có nickname là Echofoxalpha cho biết là dù nhân viên lễ tân có không phải là giám đốc tuyển dụng thì anh chàng cũng cần cư xử lịch sự và phù hợp, vì nhiều khi giám đốc tuyển dụng sẽ quyết định có nhận ứng viên nào đó hay không sau khi tham khảo ý kiến của tất cả những người từng tiếp xúc với anh ta.
Người dùng có nickname roadtrip-ne cho biết, các công ty thường để ứng viên ngồi đợi 5 đến 10 phút ngoài hành lang, một phần vì họ muốn quan sát thái độ và hành vi ứng xử của các ứng viên này. Tóm lại, "Hãy cư xử tử tế với tất cả mọi người", đó không phải chỉ là bài học phỏng vấn, mà còn là bài học cuộc sống.
Theo Bored Panda