Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Không chỉ IQ hay EQ, AQ mới là chỉ số quan trọng bậc nhất cho mọi mô hình quản trị!

Bảo Bảo | 26-09-2020 - 06:55 AM

(Tổ Quốc) - Chủ tịch VCCI cho rằng khi nói về chỉ số năng lực con người, chúng ta thường nhắc đến chỉ số thông minh - IQ, chỉ số cảm xúc EQ, mà quên rằng năng lực quan trọng hơn cả là AQ (chỉ số thích ứng). Ông Lộc cũng trích dẫn câu hát "Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở" và nhìn nhận: Một hệ thống quản trị trong thời gian tới phải "nghe được thành phố thở", chứ không coi thành phố chỉ là những tòa nhà.

"Trong thế giới ngày nay, chỉ có một yếu tố không thay đổi và bất biến, đó chính là sự thay đổi", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - mở đầu bài chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề "Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi".

TS. Lộc, cũng là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhắc lại dự báo của các diễn giả trước đó, rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại phải đương đầu không phải là xung đột giữa con người. Mặc dù xung đột giữa con người hiện nay cũng rất dữ dội như chiến tranh thương mại, thay đổi địa chính trị, nhưng cuộc khủng hoảng lớn nhất sẽ diễn ra trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, và dịch bệnh.

"Cho nên, mô hình quản trị của chúng ta trong bối cảnh mới phải là một mô hình có khả năng chống chịu, thuận theo tự nhiên, nương theo xu hướng. Điều này rất thú vị, gần với triết lý của đạo Phật".

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Không chỉ IQ hay EQ, AQ mới là chỉ số quan trọng bậc nhất cho mọi mô hình quản trị! - Ảnh 1.

"Chúng ta chỉ có thể làm chủ được chính chúng ta, tất cả yếu tố bên ngoài chúng ta không thể làm chủ được. Cho nên, chính sự làm chủ của bản thân mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng sẽ là công cụ tốt nhất để ứng phó với sự biến đổi của ngoại cảnh", TS. Lộc nói.

Chủ tịch VCCI nhìn nhận một trong những nền tảng của hệ thống quản trị là hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo cân đối hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, và môi trường.

"Thời gian gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến 4.0. Khi nhấn mạnh đến yếu tố 4.0 - công nghệ, chúng ta dường như quên đi các yếu tố của tự nhiên và xã hội. Điều đó vô cùng sai lầm. Không thể nhìn xã hội, nhìn hệ thống với con mắt của công nghệ".

Một hệ thống quản trị trong thời gian tới phải "nghe được thành phố thở", chứ không coi thành phố chỉ là những tòa nhà

"Năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), mà còn bao gồm cả chỉ số tình yêu (LQ), và quan trọng hơn cả là chỉ số thích ứng (AQ) - một chỉ số rất quan trọng của mọi mô hinh quản trị", TS. Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng trích dẫn một câu trong bài hát "Thành phố - tình yêu và nỗi nhớ" - "Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở" và nhìn nhận: Một hệ thống quản trị trong thời gian tới phải "nghe được thành phố thở", chứ không coi thành phố chỉ là những tòa nhà.

"Nền tảng của quản trị không phải chỉ là những vấn đề về công nghệ, mà là những vấn đề văn hóa, thậm chí cả vấn đề tâm linh", ông Lộc chia sẻ.

Trong một thế giới thay đổi, muốn có một nền tảng phát triển bền vững thì phải có một nền tảng quản trị chuyên nghiệp. Ông Lộc cho rằng mô hình quản trị hiện nay không còn là một ông sếp chỉ đạo từ trên xuống theo phân cấp thứ bậc, mà là mô hình quản trị network - tất cả mọi người trong hệ thống có vai trò quan trọng như nhau, có tác động qua lại với nhau trong network tạo nên sự phát triển cho tổ chức.

"Người lãnh đạo bây giờ cũng không hướng theo mình là người Owner - người chủ, mà mình là Leader - người dẫn dắt sự phát triển. Mô hình quản trị đó chính là mô hình quản trị bền vững nhất", ông Lộc nói.

"Một nền quản trị như vậy không biến mỗi cá nhân trong tổ chức trở thành một robot, không phải robot hóa những con người trong tổ chức, mà giờ thậm chí chúng ta phải làm ngược lại - nhân văn hóa công nghệ, robot".

Tại sự kiện, bà Hà Thị Thu Thanh cũng giới thiệu về Cẩm nang Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp do VCCI và Deloitte Việt Nam phối hợp xây dựng. Theo bà Thanh, "đại dịch Covid-19 là thách thức lịch sử với lãnh đạo doanh nghiệp. Làn sóng thứ hai quay trở lại Việt Nam vào thời điểm doanh nghiệp bắt đầu lấy lại niềm tin về khả năng phục hồi được xem như giáng mạnh vào tinh thần của các doanh nghiệp".

Cuốn cẩm nang được chia thành 3 phần chính. Phần đầu tập trung đánh giá tình hình doanh nghiệp của doanh nghiệp trong khủng hoảng, nêu lên những tác động thường thấy đối với doanh nghiệp khi khủng hoảng xảy ra.

Phần hai đưa ra những nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ trong khủng hoảng. Những nguyên tắc này được Deloitte đúc kết sau 175 năm đồng hành cùng khách hàng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, chiến tranh hay đại suy thoái trên phạm vi thế giới và khu vực.

Phần cuối hướng dẫn vận dụng nguyên tắc cụ thể về: Lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; Giữ vững phẩm chất cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo thông qua các hành động chủ chốt trong ba giai đoạn: Ứng phó, Phục hồi, và Phát triển; Không ngừng củng cố tín nhiệm của các bên liên quan đối với doanh nghiệp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM