Chiều ngày 3-4, gần 100 lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia hội nghị trực tuyến "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì.
Tại hội nghị, VCCI đã công bố kết quả cuộc khảo sát nhanh do đơn vị này thực hiện hồi tháng 3, cho thấy dịch bệnh đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp trong Quý I.
Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 35.000 chỉ trong 3 tháng đầu năm, một con số kỳ lục chưa từng có.
Báo cáo cũng nhấn mạnh: "Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới."
Theo kết quả khảo sát, có tới gần 85% doanh nghiệp được hỏi cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp. Gần 60% cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh. Trên 40% doanh nghiệp thừa nhận đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu…
Trong khi đó, 43% trả lời rằng phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019.
Đáng nói, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trong khi đó, có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Cũng theo khảo sát, 73% doanh nghiệp cho biết đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Trên 60% đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động.
46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm, 42% tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực của của cộng đồng doanh nghiệp khi đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Tuy nhiên, những hệ lụy và ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ kéo dài chứ không thể phục hồi ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Sau khi ghi nhận, tổng hợp những vướng mắc của doanh nghiệp, VCCI đề nghị thực hiện nhanh chóng các biện pháp đồng bộ, trong mọi lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng đến logistics, du lịch,... để gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nổi bật như, ngân hàng thương mại cần phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm 2% - 2,5% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, giám áp lực tài chính cho doanh nghiệp bằng việc giãn, hoãn các khoản thuế hay không tăng lương tối thiểu trong năm 2021, dừng thu phí công đoàn đến hết năm 2020.
Đồng thời, chủ tịch VCCI đề nghị: "Cần phải có chủ trương chính sách để đón đầu cơ hội trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Trong đó thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ là những hướng đi quan trọng". Ông cho rằng một điểm yếu lớn của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài cả ở đầu ra của sản phẩm, dịch vụ và đầu vào nguyên liệu, vật tư, thiết bị cho sản xuất.