Sacombank đang trên đường trở lại vị thế vốn có của mình, đó là điều hầu như bất cứ ai dõi theo nhà băng này nhiều năm qua đều cảm nhận được. Từ một ngân hàng nằm trong top đầu hệ thống những năm 2012 trở về trước, những năm sau đó lại chìm trong khó khăn hậu sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, và rồi phải tái cấu trúc toàn diện, mạnh mẽ kể từ năm 2017, tới 2020 Sacombank một lần nữa lại ghi tên mình trong nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất.
Có được kết quả này, như lời lãnh đạo Sacombank từng chia sẻ, là nhờ sự gắn kết trên dưới một lòng của tập thể cán bộ nhân viên. Nhưng ai cũng hiểu rằng, kết quả đó còn nhờ bàn tay lãnh đạo tài ba của những người đang điều hành, quản trị ngân hàng.
Chia sẻ với chúng tôi, chủ tịch Dương Công Minh cho biết, khi mới vào Sacombank, ông xác định phải thực hiện 4 nhiệm vụ chính để tái cơ cấu thành công. Một là phải xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý, tái sắp xếp lại toàn bộ nhân sự của Sacombank. Hai là phải xây dựng lại toàn bộ quy chế, quy trình nghiệp vụ của Sacombank phù hợp với giai đoạn tái cơ cấu và nâng tầm quản trị điều hành của ngân hàng phù hợp với xu thế của thời đại 4.0. Ba là phát triển kinh doanh, cải thiện năng suất lao động. Và bốn là tích cực xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm.
Sau gần 3 năm thực hiện quyết liệt 4 nhiệm vụ trên, đến nay Sacombank đã lấy lại được vị thế của mình trên thương trường, thị phần tăng cao và năng suất lao động đã được cải thiện rõ rệt. Điều ấy được thể hiện qua số lượng khách hàng tăng từ 3,6 triệu đến hơn 6 triệu khách hàng, tương đương tăng gần 70% trong 3 năm qua, bình quân tăng trưởng 17,5%/năm; Tổng tài sản tăng từ 332.023 tỷ đồng lên 453.581 tỷ đồng, tăng 36,6%, bình quân tăng 11%/năm; Nhân sự tăng từ 17.079 lên 19.237, tăng thêm 2.158 nhân sự, tăng 12,6% trong 3 năm, bình quân mỗi năm tăng 719 nhân sự, tăng 4,1%/năm. Lợi nhuận tăng từ 156 tỷ năm 2016 lên 3.217 tỷ năm 2019, tăng gần 21 lần, bình quân tăng 317,5%/năm; Năng suất lao động tăng vượt bậc, lợi nhuận trước thuế bình quân nhân viên từ 9,3 triệu đồng/nhân viên tăng lên 169,1 triệu đồng/nhân viên, tăng hơn 18 lần, bình quân tăng gần 296%/năm.
Đặc biệt ngân hàng đã xử lý triệt để nợ tồn đọng và nợ xấu, làm cho chất lượng tài sản tốt lên và tiếp cận với chất lượng tài sản theo quy định. Văn hóa doanh nghiệp được thay đổi triệt để.
"Đây là thành quả của toàn thể Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Sacombank. Trong đó, vai trò của Ban điều hành, mà đứng đầu là Tổng giám đốc là đặc biệt quan trọng" – ông Minh nói, đồng thời cho biết, trong 3 năm qua điều mà ông hài lòng nhất là đã lấy lại được vị thế cho Sacombank trên thương trường – vị thế "do các lãnh đạo qua các thời kỳ xây dựng được, đặc biệt là thời kỳ anh Đặng Văn Thành làm Chủ tịch HĐQT".
Chủ tịch Sacombank cho biết thêm, mặc dù ngân hàng đã lấy lại được vị thế cũng song cũng tồn tại những khó khăn nhất định. "Ngân hàng đang tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu. Tài sản xấu được xử lý, được hoàn vốn thành vốn kinh doanh, chỉ cần NHNN cấp hạn vốn tín dụng như đề án tái cơ cấu được duyệt thì Sacombank sẽ đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu" – ông nói, và tin rằng với những thành quả đã đạt được như ngày hôm nay, trong vòng 5 năm Sacombank sẽ được tái cơ cấu xong theo đúng tinh thần của đề án đã được phê duyệt hồi năm 2017.
Ông Dương Công Minh cũng chia sẻ về việc quản trị, điều hành ngân hàng từ khi gia nhập Sacombank tới nay.
Khi mới gia nhập Sacombank, là "người lạ" ở ngân hàng, khi ấy ông cảm thấy thế nào?
Tôi trưởng thành trong môi trường quân đội, việc gia nhập Sacombank cũng giống như việc tôi chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác trong quân đội, tôi thấy rất tự tin khi nhận nhiệm vụ ở Sacombank.
Sự khác biệt rõ nhất giữa văn hoá Sacombank và LienVietPostBank là gì thưa ông?
Khi về Sacombank, tôi thấy văn hóa ở Sacombank có vấn đề. Ở LienVietPostBank, tuân thủ là tuyệt đối và phục tùng là tương đối, nhân viên làm việc ở LienVietPostBank có quyền tranh luận với cấp trên. Ở Sacombank việc này trước đây là khó khăn. Nay đã thay đổi, nhân viên có quyền tranh luận với cấp trên nhưng khi cấp trên đã quyết định thì phải phục tùng.
Các cụ vẫn có câu nhập gia tuỳ tục, khi vào Sacombank, ông có phải thay đổi cách quản trị, điều hành ở nơi cũ để theo văn hoá của Sacombank không?
Vào Sacombank với vai trò là người lãnh đạo cao nhất, tôi yêu cầu và mọi người ở Sacombank cũng thích ứng nhanh với văn hóa làm việc của tôi.
Thói quen hình thành tính cách, tôi nay đã 59 tuổi – già rồi, nên tính cách không thay đổi được. Vì vậy khi vào Sacombank, tôi đã đã thay đổi văn hóa ứng xử của Sacombank theo cách quản trị, điều hành của tôi nhưng có điều chỉnh theo hướng mềm dẻo hơn, uyển chuyển hơn.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn cách quản trị mà ông áp dụng ở Sacombank thời gian qua như thế nào?
Tôi áp dụng nguyên tắc dân chủ - tập trung. Dân chủ trong bàn bạc, dân chủ trong biểu quyết, sau khi đã thống nhất thì ra Nghị quyết và giao cho một cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết đã ban hành.
Ông thấy bản thân mình thay đổi gì rõ nhất so với trước đây ở Liên Việt?
Qua gần 3 năm ở Sacombank, tôi thấy mình đã có ứng xử uyển chuyển hơn, mềm dẻo hơn so với thời khi tôi làm ở LienVietPostBank.
Tại lễ kỷ niệm thành lập ngân hàng hồi cuối tháng 12, ông Đặng Văn Thành đã đến dự với tư cách là người sáng lập ngân hàng. Những chia sẻ của ông khi ấy làm thị trường hình dung đến khả năng ông Thành sẽ quay lại làm việc ở Sacombank, xin hỏi ông có thể tiết lộ đôi điều?
Sacombank là ngân hàng đang tái cơ cấu, vì vậy HĐQT Sacombank luôn hoan nghênh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có kiến thức, có kinh nghiệm và có tài sản tham gia vào tái cơ cấu Sacombank. Riêng với anh Đặng Văn Thành là trường hợp đặc biệt, anh có cả điều kiện cần và đủ để quay lại Sacombank, nếu anh quay lại thì đó cũng là điều tốt cho Sacombank, còn việc có quay lại hay không thì hoàn toàn do sự tính toán của cá nhân anh Thành.
Đã 3 năm ở Sacombank trên cương vị cao nhất, ông vẫn nhận mình chỉ là Minh Him Lam, vì sao vậy? Chẳng lẽ ông không có ý định gắn bó lâu dài với ngân hàng hay vẫn cảm thấy mình chỉ là "khách ghé chơi", khi tái cơ cấu xong sẽ rút lui?
Thực ra biệt danh của một người được hình thành thông qua công việc, sự nghiệp chính của người đó trong giai đoạn thành công nhất của cuộc đời. Sự nghiệp chính của tôi là ở Him Lam, nhờ Him Lam, nhờ bất động sản mà tôi mới có điều kiện để tham gia vào ngành ngân hàng. Anh Đặng Văn Thành cũng vậy, trước khi làm ngân hàng, anh Thành đã làm 1 số ngành nghề khác nhưng chưa nổi bật như khi tham gia sáng lập và quản trị Sacombank. Ở Sacombank, anh Thành mới khẳng định được mình trên thương trường. Chính vì vậy, mặc dù bây giờ anh Thành không còn ở Sacombank nhưng thương trường vẫn gọi anh là Thành Sacombank. Anh Thành với tôi là anh em thân thiết nên anh Thành quay lại Sacombank là điều tốt cho Sacombank, cá nhân tôi rất hoan nghênh và chào đón. Riêng cá nhân tôi, tôi khẳng định quyết tâm gắn bó lâu dài với Sacombank.
Khi mới vào Sacombank ông đặt mục tiêu gì? Đến bây giờ mục tiêu ấy, suy nghĩ của lúc ấy có thay đổi?
Tôi vào Sacombank với mục tiêu tái cơ cấu thành công Sacombank và qua đó khẳng định mình với thương trường và đến nay điều ấy không có gì thay đổi.
Có thông tin cho rằng ông tham gia Sacombank là để tìm đường ra cho chính tài sản của mình ở ngân hàng này do Him Lam có nhiều bất động sản thế chấp ở Sacombank, điều đó có đúng không?
Điều ấy hoàn toàn không đúng. Trước đây có 1 doanh nghiệp do một số lãnh đạo chủ chốt của Công ty Him Lam (trong đó không có tôi) lập ra có vay vốn của Sacombank (tôi chỉ là người liên quan). Để không còn liên quan, trước khi vào Sacombank, tôi đã yêu cầu và các cá nhân trên đã bán doanh nghiệp trên cho đối tác khác. Việc tuân thủ pháp luật với tôi luôn được đặt lên hàng đầu. Việc dư luận cho rằng tôi vào Sacombank để tìm đường ra cho chính tài sản của Him Lam thế chấp ở Sacombank hoàn toàn là dụng ý xấu. Tôi khẳng định chưa và sẽ không sử dụng tín dụng của Sacombank phục vụ cho hoạt động của Công ty Him Lam.
Trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng, tới đây sẽ hình thành nhiều ngân hàng có quy mô lớn, vậy Sacombank có tính mở rộng nhanh chóng bằng con đường M&A? Có khi nào ông hình dung LienVietPostBank sẽ về một nhà cùng Sacombank?
Tôi nghĩ là không.
Mục tiêu mà Sacombank đưa ra cho năm nay là gì thưa ông?
Quan điểm định hướng năm 2020 của chúng tôi là "Bứt phá tư duy - Nâng tầm giá trị", với các mục tiêu cụ thể gồm:
Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện mọi mặt quản trị điều hành, tái cơ cấu mạnh mẽ nhân sự nhằm nâng cao năng suất và hiệu suất lao động, nâng cao hiệu quả hệ thống mạng lưới theo chiều sâu, phát triển quy mô và gia tăng thị phần; Tiết giảm chi phí, xây dựng chiến lược phát triển khách hàng bền vững, chú trọng công tác chăm sóc, phục vụ khách hàng; Quyết liệt xử lý nợ quá hạn, nợ xấu một cách triệt để, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; Chú trọng cải tiến sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, đa tiện ích để mở rộng và tăng khả năng tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng số; Khẩn trương triển khai và hoàn thành các dự án công nghệ thông tin, vận hành có hiệu quả vào hoạt động kinh doanh cũng như quản trị điều hành của Ngân hàng;
Đặc biệt, năm nay, chúng tôi sẽ đột phá chiến lược truyền thông - thương hiệu và marketing, tăng cường các hoạt động digital marketing hướng đến mục tiêu và lợi ích mang tính hiệu quả kinh tế trong kinh doanh.
Nhiều quy định mới có hiệu lực trong năm nay theo hướng siết chặt hơn hoạt động của các ngân hàng. Xin hỏi những cơ chế mới, chính sách mới đó có ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng cũng như mục tiêu đã đề ra trước đây?
NHNN kiên định mục tiêu tăng trưởng bền vững, tái cơ cấu hoạt động ngành ngân hàng theo hướng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế (Basel II) thông qua việc ban hành các thông tư nhằm gia tăng kiểm soát chất lượng hoạt động của các TCTD (TT 41, TT 22). Theo thông tin từ NHNN, đến cuối năm 2019, các TCTD cơ bản đều đáp ứng được các yêu cầu mới.
Định hướng chiến lược theo phương châm "Phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững" của Sacombank hoàn toàn phù hợp với chủ trương của NHNN. Vì vậy, sự ra đời của các thông tư trên càng tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho Sacombank tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
Trong thời gian qua, Sacombank luôn ưu tiên lấy hoạt động ngân hàng bán lẻ làm nền tảng, đầu tư cơ sở công nghệ hiện đại, tăng cường công tác quản trị rủi ro, cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng phân tán, phát huy lợi thế mạng lưới hiện có. Đồng thời, đa dạng hoá nguồn thu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tín dụng. Kết quả là bình quân 3 năm gần nhất, cho vay cá nhân tăng 20,7%/năm, thu dịch vụ tăng trưởng đạt mức 32,8%/năm, dự kiến thu dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng không thấp hơn 10-12% trong năm 2020, các công cụ quản trị điều hành theo hướng công nghệ hiện đại ngày càng phát huy hiệu quả.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao hơn, Sacombank tiếp tục tập trung gia tăng hiệu quả hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro, cải thiện năng lực tài chính thông qua việc tích tụ lợi nhuận để lại, giúp tăng vốn tự có, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.
Do đó, tôi tâm huyết với lộ trình tái cơ cấu ngành ngân hàng của NHNN theo hướng gia tăng các tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Điều này sẽ tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho các TCTD có năng lực tài chính tốt, Sacombank cũng là một trong những số đó. Quá trình thanh lọc này tạo ra cơ hội kinh doanh cho các TCTD có năng lực tài chính tốt, hạn chế những kiểu cạnh tranh không lành mạnh (tăng lãi suất huy động vượt trần, tăng trưởng tín dụng không đi cùng kiểm soát chất lượng).
Dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá kinh tế toàn cầu, trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào thưa ông? Sacombank có chuẩn bị các kịch bản gì để đối phó với tình hình mới?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngành ngân hàng, với vai trò là trung gian tài chính đang bị tác động kép từ dịch bệnh, khi các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh làm giảm tăng trưởng tín dụng cũng như khả năng gia tăng nợ xấu trong thời gian tới.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh đang hoành hành hiện nay, Sacombank đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.
Về phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và chuyển tải các khuyến cáo của các Cơ quan chức năng đến toàn thể cán bộ nhân viên, khách hàng và đối tác trên toàn hệ thống.
Về mặt kinh tế thì chủ động kịp thời nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN, tích cực ủng hộ, đóng góp kinh phí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 thông qua triển khai ngay để góp phần hỗ trợ các hoạt động kinh tế, thương mại và dân sinh ổn định, vượt qua tác động xấu của dịch bệnh. Điển hình, Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2% dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay cho đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Song song đó, chúng tôi khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các kênh giao dịch trực tuyến bằng cách triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn/giảm phí chuyển tiền, giảm/hoàn tiền mua sắm, ưu đãi lãi suất gửi/vay tiền trên các kênh này.
Đặc biệt, vừa qua Sacombank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn cũng như góp phần ổn định tâm lý cho khách hàng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong khó khăn người ta vẫn tìm thấy cơ hội, vậy cơ hội của Sacombank trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay là gì?
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng, với mong muốn hạn chế tụ tập nơi đông người, thì việc phát triển các dịch vụ trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông sẽ thu hút được đông đảo khách hàng tham gia.
Với lợi thế là một ngân hàng bán lẻ, sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại, không ngừng phát triển và số hóa hệ sinh thái ngân hàng toàn diện, hiệu quả, thì việc Sacombank tiếp tục phát triển các dịch vụ giao dịch trực tuyến trong bối cảnh hiện nay sẽ có nhiều đột phá và giúp ngân hàng gia tăng thu nhập.
Là ngân hàng có mạng lưới, quy mô tài sản hàng đầu hiện nay nhưng khả năng sinh lời vẫn còn thấp, đến khi nào thị trường sẽ nhìn thấy Sacombank trở lại top đầu thưa ông?
Trong 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, Sacombank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi tỷ trọng tài sản tồn đọng đã được kéo giảm từ 29,3% xuống còn 13,8%. Các chỉ số hiệu suất sinh lời đều tăng cao, trong đó ROA tăng từ 0,03% lên 0,57%, ROE tăng từ 0,4% lên 9,56%. Đồng thời, độ phủ thương hiệu của Sacombank vẫn ngày một lan tỏa rộng rãi trên thị trường. Điều này cho thấy, tập thể ban lãnh đạo và nhân viên ngân hàng chúng tôi đang rất nỗ lực trong hành trình lấy lại vị thế của Sacombank. Lộ trình Đề án tái cơ cấu là 10 năm, nhưng với tình hình khả quan hiện nay, chúng tôi tin rằng đến năm 2023, Sacombank sẽ quay trở lại top những Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.
Sacombank có định tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tái cơ cấu nhanh hơn và bứt phá mạnh hơn không? Nếu có thì lộ trình thế nào?
Tại Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, Sacombank xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ hàng năm thông qua việc tìm đối tác là cổ đông chiến lược (trong và ngoài nước) để phát hành cổ phiếu (tăng 10%-15%/năm). Tuy nhiên, Sacombank vẫn chưa tìm được cổ đông chiến lược phù hợp, đồng thời việc tăng vốn điều lệ cũng cần phải có sự đồng thuận, phê duyệt của NHNN. Ưu tiên hàng đầu của Sacombank là sử dụng lợi nhuận để lại để chia cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ, đáp ứng các quy định của NHNN.
Hiện nay, quá trình tái cơ cấu đã thành công bước đầu, tình hình tài chính Sacombank ngày càng lành mạnh. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc để lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng đồng hành, góp phần đưa Sacombank phát triển mạnh và xa hơn nữa. /.