Đến nay, New Viet Dairy đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm (food service company) thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam. Trước giai đoạn COVID-19, doanh thu hàng năm của New Viet Dairy rơi vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu doanh nghiệp này đạt hơn 5.300 tỷ đồng.
Trong 2 năm COVID vừa qua, việc kinh doanh của New Viet Dairy đã bị tác động ra sao, thưa ông?
Lĩnh vực của New Viet Dairy hiện nay là phân phối, nhập khẩu thực phẩm. Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, khâu bị ảnh hưởng nặng nhất trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi là hậu cần, do những quy định phong toả, cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Trên thực tế, đối với các hoạt động khác, chúng tôi không bị tác động đáng kể.
Khi đại dịch mới xuất hiện vào năm 2020, doanh thu của chúng tôi ghi nhận mức giảm nhẹ, chủ yếu là do khách quốc tế không thể đến Việt Nam. Năm 2021, tình hình cũng tương tự, chỉ có điều ngay cả khách du lịch nội địa cũng không có.
Chúng tôi có nhiều đối tác là các khách sạn, nhà hàng, và đương nhiên là họ đã bị tác động rất lớn. Nhiều trong số đó thậm chí đã phải đóng cửa vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có các kênh phân phối khác. Suy cho cùng, khách hàng của chúng tôi không chỉ là những khách sạn, mà là người tiêu dùng. Do vậy, chúng tôi đã tìm ra hướng đi để đưa sản phẩm đến trực tiếp tay người tiêu dùng thông qua internet, giúp duy trì doanh thu.
Thú thật, chúng tôi may mắn khi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, nếu so với nhiều doanh nghiệp khác, nhờ hệ thống kênh phân phối đa dạng.
May mắn đó có phải đến từ việc ông đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 25 năm?
Có thể là như vậy. Tôi nghĩ một phần cũng nhờ những nguyên tắc tôi rút ra trong thời gian dài vận hành công ty. Thường thì trước những tình huống chưa từng có tiền lệ, các doanh nghiệp lớn, có uy tín đương nhiên sẽ có lợi thế hơn. Càng trong những lúc khó khăn, các đối tác, nhà cung cấp sẽ lựa chọn phương án an toàn, nên họ sẽ không đổi nhà phân phối.
Về phía khách hàng thì họ lại càng không muốn đổi, nhất là trong giai đoạn giãn cách, họ cần đảm bảo rằng hàng hoá sẽ được giao đúng hạn. Nên may mắn ở đây có lẽ đến từ việc chúng tôi hoạt động có tổ chức, có bề dày lịch sử và điều này đã được chứng minh rõ ràng trong thời gian vừa rồi.
Những ngày đầu vận hành New Viet Dairy, khi chưa có những "may mắn" này thì sao?
Năm 1997 là thời điểm tôi và vợ quyết định thành lập công ty hoạt động ở mảng mua, nhập khẩu và phân phối. Trước đó, năm 1992, chúng tôi đã thành lập công ty với tư cách là một doanh nghiệp trung gian trong quá trình mua và bán. Nhưng đến năm 1997, chúng tôi quyết định chuyển sang chịu trách nhiệm tự mua, nhập khẩu và phân phối.
Mặc dù nói là 25 năm, nhưng thực chất chúng tôi đã làm công việc này chính xác là hơn 30 năm. Thời điểm ấy, chúng tôi không có đối thủ cạnh tranh, là nhà cung cấp duy nhất trên thị trường.
Chúng tôi đã nhìn ra tiềm năng của thị trường. Tuy nhiên, năm 1997, Việt Nam vẫn đang bắt đầu thời kỳ đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vì vậy những thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp.
Song, chúng tôi cũng nhận ra rằng, sẽ có nhiều chuyển biến mang hướng tích cực liên quan đến chuỗi cung ứng, và nhập khẩu, phân phối thực phẩm là phân khúc có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
Nhìn chung, vấn đề không phải là làm trong lĩnh vực nào, mà quan trọng là lĩnh vực ấy còn dư địa để phát triển hay không. Dịch vụ thực phẩm là một ngành rất mới, nhưng bù lại tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi hiểu sản phẩm, hiểu các nhà cung cấp. Khi bắt đầu với những việc chưa ai từng làm, thì bạn không cần phải quá "mạnh". Đó là một điểm lợi.
Nếu bây giờ một doanh nghiệp muốn bước vào lĩnh vực dịch vụ thực phẩm của Việt Nam, họ cần phải bỏ ra hàng chục triệu USD và cơ hội để tạo ra lợi nhuận có thể còn chẳng chắc chắn. Có thể họ sẽ thành công, hoặc có thể không. Nhưng thời điểm mà chúng tôi bắt đầu, chúng tôi chỉ đầu tư một số vốn rất nhỏ, và dần dần từng bước đi lên.
Ở Việt Nam có một thành ngữ để chỉ điều này, là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Ông có cho rằng thành ngữ này nói đúng trường hợp của New Viet Dairy?
Chính xác là như vậy!
Trong 25 năm vận hành New Viet Dairy, đâu là tôn chỉ kinh doanh khiến ông tự hào nhất?
Điều khiến tôi tự hào nhất ư? Có lẽ là việc chúng tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật, cũng như tuân theo các quy trình nghiêm ngặt. Chúng tôi chưa bao giờ có ý định trốn thuế hay làm gì bất hợp pháp. Thời kỳ những năm 1997, thuế doanh nghiệp chúng tôi phải đóng là 57%. Từ những ngày đầu, chúng tôi luôn đóng thuế đầy đủ.
Và chỉ khi bạn xây dựng một cái gì đó nghiêm ngặt, hợp pháp, đúng luật, thì nó mới tồn tại lâu dài, và khiến cuộc sống bạn dễ dàng hơn. Đó là những gì tôi tự hào. Tôi tự hào không chỉ cho bản thân, mà để tôi có thể chia sẻ tầm nhìn với nhân viên của mình. Điều quan trọng nhất là thấy đồng nghiệp tự hào khi làm việc với mình.
Với việc phải đóng một mức thuế cao như vậy, chắc hẳn đó là một áp lực vô cùng lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Đúng vậy. Để phát triển kinh doanh, bạn cần phải liên tục đầu tư. Và đó là một áp lực. Đặc biệt khi phải chịu mức thuế tương đối cao, thì lợi nhuận dùng để tái đầu tư sẽ ít hơn.
Điều này cũng khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút. Và nếu bạn chỉ muốn tăng trưởng thật nhanh, nghĩa là không chỉ tái đầu tư từ lợi nhuận, thì giải pháp có thể là đi vay tiền hoặc tăng vốn. Vào thời điểm đó, lãi suất rơi vào khoảng 10-15%. Đây là mức hiếm có doanh nghiệp nào chịu được. Khi ấy, chúng tôi quyết định dùng lợi nhuận năm trước để tái đầu tư, phát triển kinh doanh vào năm sau.
Ông đã đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Có phải một phần nhờ việc ông hiểu rõ về thị trường, đặc biệt là thị trường Việt Nam?
Đó là điều chắc chắn. Một nhà đầu tư không chỉ cần hiểu lĩnh vực mình đầu tư, mà còn cần phải hiểu rõ. Đầu tư không phải là việc tung đồng xu và đặt tiền mình vào may rủi. Bạn cần hiểu rõ thị trường, từ tất cả các khía cạnh.
Tôi không nghĩ tôi hiểu hết về Việt Nam, nhưng tôi hiểu phân khúc mà tôi đang kinh doanh tại Việt Nam. Tôi vẫn có các lợi thế vì là một người nước ngoài trong hoạt động phân phối dịch vụ thực phẩm, cũng như có kinh nghiệm làm việc bên ngoài Việt Nam. Nên tôi quyết định tự tạo ra công việc cho mình, một công việc mà mình hiểu rõ nhất.
Và công việc đó lại gắn với kinh doanh gia đình. Ông đã đặt ra nguyên tắc gì để việc kinh doanh trong doanh nghiệp gia đình như New Viet Dairy diễn ra suôn sẻ?
Thực ra, tôi không gọi đấy là kinh doanh gia đình. New Viet Dairy là việc kinh doanh của tôi và vợ. Trong kinh doanh, không có khái niệm gia đình. Ý tôi là, kinh doanh mà đem khái niệm gia đình vào thì có nghĩa lý gì? Trong hoạt động kinh doanh, vợ là đối tác, là đồng nghiệp của tôi.
Theo ông, lợi thế của việc thành lập công ty và kinh doanh cùng vợ là gì?
Lợi thế lớn nhất trong việc kinh doanh của tôi và vợ là kinh nghiệm. Tính ra, nếu cộng cả hai người, thì chúng tôi đã tích luỹ hơn 80 kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây là điều mà tôi cảm thấy vô giá, vì không nhiều doanh nghiệp có được lợi thế này, nhất là ở Việt Nam.
Một lợi thế khác nữa là thời gian chúng tôi đưa ra quyết định trong kinh doanh. Ví dụ, nếu bạn làm ở một doanh nghiệp tầm cỡ, khi có một ý tưởng, bạn phải trình chiếu PowerPoint, bạn phải thuyết trình trong cuộc họp, bạn phải xin ý kiến từ cố vấn… Rất nhiều quy trình. Rồi có thể 1 tháng, 2 tháng, hay thậm chí hàng năm trời để đi đến một quyết định cuối cùng.
Nhưng chúng tôi lại không như vậy. Với tôi và vợ, có những ý tưởng chúng tôi chỉ ngồi lại với nhau 10 phút, và quyết định luôn. Tôi cho rằng, đó là lợi thế "khủng khiếp" khi làm việc trong doanh nghiệp gia đình.
Việc đưa ra quyết định nhanh như vậy hình thành từ khi nào?
Tôi nghĩ chúng tôi đã hình thành thói quen này từ những ngày đầu. Đương nhiên, là những người lãnh đạo, thời gian đưa ra quyết định phải được tính bằng phút, chứ không phải bằng tháng. Nhưng nó không chỉ là vấn đề về thời gian, mà còn cần phải đưa ra những quyết định hợp lý, đúng đắn nữa.
Còn nếu phải đưa ra một quyết định nào đó chỉ vì thời gian gấp gáp, mà bạn không xem xét các yếu tố như chiến lược, hậu quả, các trường hợp có thể xảy ra, thì đó sẽ không bao giờ là một quyết định nên làm.
Mục tiêu của ông khi thành lập New Viet Dairy là gì?
Ồ, rất đơn giản thôi! Chúng tôi muốn thành một doanh nghiệp ở lĩnh vực mà chúng tôi hiểu rõ, tại một đất nước chúng tôi muốn ở lại lâu dài. Cũng không có gì cao cả cả.
Và đến nay, ông đã đạt được mục tiêu này.
Đúng vậy.
Đâu là những yếu tố quan trọng nhất trong vận hành New Viet Dairy?
Đầu tiên chính là việc cần đặt khách hàng lên vị trí cao nhất. Lý do duy nhất để chúng tôi có thể hoạt động là phục vụ khách hàng. Cái này áp dụng ở bất kỳ lĩnh vực nào. Không phải chỉ vấn đề về tiền bạc, mà còn là việc duy trì mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng của mình.
Thứ hai là việc lựa chọn kỹ càng nhà cung cấp. Trong lĩnh vực của chúng tôi, tìm ra một nhà cung cấp phù hợp với các tiêu chí đặt ra là vô cùng quan trọng. Bởi vậy chúng tôi cần có mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với các nhà cung cấp. Trong 40 năm qua, tôi đã đến thăm vô số nhà máy, trang trại trên khắp thế giới để thảo luận chi tiết, tìm hiểu họ là ai, cũng như để họ biết tôi là ai. Đó là cách chúng tôi xây dựng lòng tin, sự tin cậy và đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là nhân viên. Tôi quan niệm, yếu tố con người luôn là số một.
New Viet Dairy đã trải qua bao nhiêu bước ngoặt kể từ khi mới thành lập đến nay?
Bước ngoặt đầu tiên là khi chúng tôi quyết định xây dựng chuỗi cung ứng và hạ tầng của riêng mình. Khi mới bắt đầu, chuỗi cung ứng, chất lượng cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ thực phẩm tại Việt Nam vô cùng đơn sơ. Chúng tôi phải thuê ngoài mọi thứ. Lúc đó chưa có nhiều loại hình kinh doanh trung gian phát triển, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, kho bãi… mọi thứ đều rất khó tìm và không hề có luật lệ nào cả.
Câu hỏi lớn khi ấy là: "Ai sẽ vận chuyển sản phẩm này đến khách hàng?". Đó là lúc chúng tôi quyết định nếu không tự làm, thì không thể làm được. Sau đó, chúng tôi tích hợp hoàn toàn tất cả các hoạt động kinh doanh, từ sản xuất ở nước ngoài đến giao hàng tận cửa nhà máy Việt Nam.
Bây giờ nghe những chuyện này có vẻ bình thường, nhưng 25 năm trước, chúng tôi là người duy nhất làm như vậy.
Một bước ngoặt khác đó là khi chúng tôi từ chối lời mới hợp tác của các nhà đầu tư lớn. Việc từ chối mặc dù không phải là điều dễ dàng, nhưng sau tất cả, chúng tôi nghĩ rằng mình vẫn cần phải duy trì chiến lược ban đầu.
Bước ngoặt cuối là vào khoảng năm 2017 – năm khó khăn nhất trong quá trình hoạt động của New Viet Dairy. Lý do là chúng tôi đang trên đà phát triển nhanh về số lượng, chỉ nắm bắt, cố gắng dành nhiều doanh thu hơn, nhiều doanh số hơn. Và chúng tôi không nhận thấy rằng chi phí hoạt động đang tăng nhanh hơn so với doanh thu.
Nhưng may mắn thay, đó cũng là tín hiệu để chúng tôi thay đổi trong năm 2018. Chúng tôi thay đổi cả những yếu tố quan trọng của doanh nghiệp, từ chiến lược bán hàng, chúng tôi đưa ra các thông số và chỉ số khắt khe hơn để đo lường chất lượng sản phẩm. Sau đó, tăng trưởng về doanh số không còn là mục tiêu duy nhất.
Mà mục tiêu lúc này là chất lượng. Từ đó, chúng tôi đạt doanh thu cao hơn 20% nhờ việc chọn lọc những gì cần mua, cần bán, và cả khách hàng.
Tôi nhận ra rằng, khi doanh nghiệp ngày một lớn, bạn phải chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát từng ly từng tí hàng ngày. Bạn phải có một chiến lược rõ ràng và bám sát nó, đừng để nó trôi đi.
Bài học lớn nhất mà ông đã rút ra trong 25 năm qua là gì?
Tôi cũng không rõ nữa (cười). Mỗi ngày, tôi đều học được điều gì đó mới.
Bài học lớn nhất có lẽ là việc không thể quản lý theo cảm tính. Bạn phải cực kỳ khắt khe trong việc tuân thủ quy định, luật lệ. Điều này không có nghĩa là bạn bỏ qua những cống hiến mà mọi người đem lại. Nhưng điều quan trọng nhất là không thiên vị cho bất kỳ ai.
New Viet Dairy vừa được công nhận là một trong những "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" từ Tạp chí HR Asia. Chúc mừng ông!
Tôi rất tự hào (cười).
Theo ông, điều gì khiến New Viet Dairy 2 năm liên tiếp được công nhận là "Nơi làm việc tốt nhất châu Á"?
Nếu bạn đến thăm văn phòng của chúng tôi, bạn sẽ thấy rõ câu trả lời. Chất lượng môi trường làm việc là vô cùng quan trọng. Mặc dù tôi từng nói, không có khái niệm gia đình trong kinh doanh, nhân viên không phải là con cái của tôi, tôi cũng không phải là cha của họ, chúng tôi là đồng nghiệp. Nhưng đó không có nghĩa là tôi không tạo điều kiện để họ phát triển bản thân.
Nguyên tắc đầu tiên của tôi là phải trả lương xứng đáng. Đó là điều tối thiểu một doanh nghiệp có thể làm cho nhân viên của mình. Vì sau cùng thì, điều quan trọng nhất vẫn là con người.
Chúng tôi cũng quan tâm đến chất lượng cuộc sống của nhân viên. Ví dụ, 6h chiều mà tôi vẫn thấy một nhân viên ở lại văn phòng, tôi sẽ giục họ đi về. Tôi không tin vào chuyện làm quá giờ là tốt. Ngay cả bản thân tôi cũng không làm việc quá giờ.
Chúng tôi cổ vũ nhân viên tham gia các hoạt động thể thao. Chúng tôi có câu lạc bộ bóng đá, câu lạc bộ chạy... Hiện chúng tôi đã có khoảng 250 người đăng ký và nghiêm túc luyện tập. Đương nhiên là chúng tôi trả tiền cho huấn luyện viên, trả tiền cho cuộc thi.
Cuối cùng là chúng tôi đưa các khoá đào tạo cho nhân viên những thách thức về khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm không khí, quyền động vật… những câu hỏi quan trọng với toàn xã hội.
Chúng tôi đưa ra các cuộc thảo luận và cố gắng giáo dục nhân viên làm thế nào để xây dựng một xã hội xanh hơn, không chỉ từ việc hạn chế dùng ống hút nhựa, mà còn là những quyết định về việc lựa chọn nhà cung cấp. Điều này là cho tương lai của cả xã hội, chứ không phải của mình tôi, vì tôi già rồi mà (cười).