"Thực ra với dịch Covid – 19 này quan trọng nhất là việc phòng ngừa, cô lập vì nó lây lan một cách khủng khiếp", ông Nguyễn Văn Thân mở đầu cầu chuyện. Trở về Việt Nam sau chuyến công tác cách đây 2 tuần, ông cho biết rất ngạc nhiên khi gần 1 nửa hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất nước bịt khẩu trang kín mít, trong khi đó, ở sân bay Doha, chỉ lác đác vài người sử dụng.
"Tâm lý người nước ngoài có vẻ thoải mái hơn, còn người Việt mình rất thận trọng", ông nhận xét.
Theo ông, điều này cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác truyền thông, giúp người dân ý thức được tính nguy hiểm của Covid-19 và có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Ông Thân cho rằng Việt Nam đã có những hành động kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn tình hình lây nhiễm của dịch bệnh. "Lúc cao điểm, tôi được biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cứ hai ngày ông lại họp và yêu cầu báo cáo về vấn đề này", ông nói. Chính phủ cũng đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng Ban Chỉ đạo.
Việt Nam thực tế cũng đã có nhiều kinh nghiệm hữu ích từ dịch SARS 17 năm trước. Khi SARS bùng nổ và lan rộng trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố khống chế thành công dịch bệnh này. Những bài học về dịch tễ từ trong quá khứ đã khiến cho Việt Nam trở nên nhanh nhạy và quyết liệt hơn rất nhiều khi đối diện với những thảm hoạ truyền nhiễm mới.
Với những hành động kịp thời, WHO nhận định: Việt Nam xử lý dịch Covid-19 rất tốt. Tổ chức này cũng thừa nhận kết quả đạt được là tích luỹ của nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát, đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm,... theo yêu cầu của Điều lệ Y tế Quốc tế.
"Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành", Tổ chức này cho biết. Đến thời điểm hiện tại, 16/16 ca nhiễm SARS-CoV-2 đã được xuất viện.
Những thông tin này khiến cho Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỏ ra rất tin tưởng dù ông thừa nhận, những thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ nói riêng là không thể tránh khỏi trong ngắn hạn.
Cụ thể, theo đánh giá của ông Thân, trong 2 tháng vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ví dụ với việc xuất khẩu hàng hoá, hiện các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do hàng bị ách tắc tại biên giới Trung Quốc. "Những hàng hoá xuất theo con đường này phần nhiều là nông sản, hàng tươi nên chỉ cần chậm một vài ngày là hỏng, thiệt hại với các doanh nghiệp nhỏ là rất lớn", ông cho biết.
Hay một nhóm doanh nghiệp khác rất dễ thấy được tác động là du lịch. Hiện lượng khách Trung Quốc hiện chiếm gần 30% cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam, do vậy, bất cứ biến động gì ở nhóm khách này cũng khiến cho ngành du lịch "chao đảo". Nhưng tác động sẽ không chỉ nằm ở mỗi nhóm du lịch, nó còn gây hiệu ứng domino lên các ngành ăn theo khác như thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng...
Dù vậy, qua khảo sát ở quy mô nhỏ, ông Thân cho biết doanh nghiệp không quá bi quan. "Nhất là DNNVV không bi quan nhiều", ông nói.
Nguyên nhân, theo ông là vì cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy rõ được những hành động của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. "Những hành động này đã mang lại các kết quả thực sự tốt như chúng ta thấy vừa qua", ông nói.
Mặt khác, ở góc độ đại diện cho cộng đồng DNNVV, ông Thân nói rằng khác với các doanh nghiệp lớn chịu ảnh hưởng từ thị trường quốc tế nhiều, DNNVV phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa. Trong rủi co may, chính nhờ vậy, trong ngắn hạn, ít nhiều các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể hạn chế được "sóng gió".
"DNNVV chiếm số đông, chiếm khoảng 97 – 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Một vài doanh nghiệp nằm trong nhóm bị ảnh hưởng, sa sút thì vẫn có doanh nghiệp khác bù lại. Còn nếu 1 doanh nghiệp lớn bị thua lỗ, thì cả nền kinh tế sẽ liêu xiêu", ông Thân hài hước nói.
"Khảo sát của chúng tôi dù chưa phải chính thức, nhưng cảm nhận với tư cách Chủ tịch Hiệp hội thì DNNVV có lo lắng, nhưng lo lắng đấy không quá nhiều vì Chính phủ đã có những hành động cụ thể từ việc dập dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp".
Nghị quyết số 11 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tính dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân do dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước sau đó đã đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, áp dụng với khách hàng có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1 – 31/3.
"Doanh nghiệp chỉ sợ là Chính phủ cứ đứng yên, không làm gì, thông tin không minh bạch thôi. Còn khi họ thấy kết quả, tự nhiên sẽ vững tâm hơn", ông nói. "Chưa kể Thủ tướng cũng nói rõ không bàn đến hạ mục tiêu tăng trưởng. Ở trên quyết tâm, bộ ngành thì hành động, cũng phải có cơ sở thì Chính phủ mới quyết tâm được vậy chứ, nghĩ thế nên doanh nghiệp cũng vững lòng hơn".
Theo ông Nguyễn Văn Thân, trong rất nhiều kiến nghị được trình lên Chính phủ trong thời gian gần đây, bên cạnh những việc cần làm ngay để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, phần nhiều là những đề xuất cũ.
"Nhiều cái người ta nhân cái này để nói, nó không đúng với tình hình hiện tại", ông nhận xét.
"Nó giống như gia đình vậy, các con không thể đòi hỏi ở bố quá nhiều được. Bố chỉ chỉ ra đường hướng, cung cấp tiền bạc, còn lớn lên, học hành như thế nào là tuỳ thuộc vào từng đứa. Doanh nghiệp cũng vậy thôi, cái gì yếu thì phải khắc phục, không thể nhân sự cố để đòi hỏi. Hành động phải từ hai chiều".
Ông Thân cho rằng dịch bệnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thử thách khả năng chống chịu trước những rủi ro, bất định. Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp thể hiện tính sáng tạo, thích nghi, vốn được xem là bản chất của người làm kinh doanh.
Mặt khác, dù trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đón nhận tin vui khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được thông qua. Với hàng loạt FTA đã đang và sẽ có hiệu lực, nhiều cánh cửa mới sẽ mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng ta phải tận dụng, chớp lấy thời cơ đó", ông Thân nhấn mạnh.
Còn với dịch Covid-19, ông Thân nói rằng hãy xem nó như một tai nạn mà thôi. Thiệt thòi là có, nhưng đó là bài toán chung của toàn cầu. Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp cần mạnh mẽ đón nhận, và trong hành trình đó, những người làm kinh doanh không đơn độc vì họ luôn nhận được sự ủng hộ từ những người điều hành đất nước.