Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã tổ chức Diễn Kinh tế TP HCM 2022 (HEF 2022) với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai".
Theo đó, diễn đàn tạo cơ hội trao đổi về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm nâng cao nhận thức; tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới…
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, kinh tế số ngày càng trở nên mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống. TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 40%.
Mở đầu bài phát biểu đại diện khối doanh nghiệp tư nhân tại HEF 2022, dưới vai trò Chủ tịch HĐQT FPT đồng thời là Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, ông Trương Gia Bình cho biết, 20 năm trước, ngành công nghiệp Công nghệ Thông tin của Việt Nam quá nhỏ bé, ngành phần mềm có thể nói như một số 0
"20 năm trước, chúng ta đã mơ ước rằng trí tuệ Việt Nam sẽ vươn ra thế giới và 20 năm sau thì bức tranh đã hoàn toàn thay đổi, chúng ta đã có một sự lựa chọn thành công", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
"Nếu có quyền được chọn tương lai, tại sao chúng ta không chọn TP HCM như viên ngọc xanh trong một thế giới mới?", Chủ tịch FPT gợi mở vấn đề.
Lãnh đạo Tập đoàn FPT cho rằng, khi chuyển đổi số thành công, TP HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều thành phố đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành "viên ngọc lấp lánh" những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT phát biểu tại sự kiện. Ảnh: FPT
Theo ông Bình, Việt Nam có 1 triệu lập trình viên, trong khi đó Nhật Bản có 1,3 triệu. Chủ tịch FPT nhận định, tuy khoảng cách của Việt Nam về lực lượng còn khá xa so với các cường quốc như Ấn Độ hay Nhật Bản, nhưng nếu nói về giáo dục, Việt Nam cũng thuộc top 10 thế giới về đào tạo các kỹ sư phần mềm, đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm.
"Với hàng triệu người nắm vững công nghệ thông tin, nhận thức về tương lai, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tạo ra các công ty khởi nghiệp giá trị cao", Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
"Nếu 7 năm trước, Việt Nam có Nguyễn Hà Đông (cha đẻ của Flappy Bird) trở thành biểu tượng của Google. Thì hiện nay, chúng ta đã có Nguyễn Thành Trung, người tạo ra Axie Infinity - trò chơi số một trên thế giới về NFT. Và một điều chúng ta có thể chưa biết rằng, Việt Nam đứng số một về hyper casual", ông Trương Gia Bình cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, là người từng có kinh nghiệm đi nhiều nước, ông cho rằng, Việt Nam là quốc gia quyết liệt nhất về chuyển đổi số, khắp tỉnh thành đều nói về chủ đề này và đang hành động.
Trong đó, TP HCM là "ngọn cờ" công nghệ thông tin của cả nước với lực lượng lao động và đào tạo lớn nhất; kho dữ liệu tốt nhất. Đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh, TP HCM còn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp số một trong 10 thành phố năng động nhất thế giới.
"20 năm trước, chính quyền thành phố họp hàng tuần để thúc đẩy xây dựng khu công nghệ phần mềm Quang Trung. Ngày nay, riêng Quang Trung đã trở thành trung tâm kinh tế lớn, có thể lớn ngang ngửa nhiều quận huyện", ông Bình phát biểu.
Từ thực tế này, ông Bình đặt vấn đề, tại sao thành phố không lại một lần nữa xây dựng mô hình này theo công thức mới "Living in Laboratory". Lúc này, thành phố chính là một phòng thí nghiệm, thực nghiệm ngay trên cuộc sống của người dân TP HCM.
"Tôi rất mong ước điều ấy xảy ra. Chúng ta có thừa năng lực, để làm những chuyện kỳ lạ như vậy, đem những gì mới nhất, lạ nhất trên thế giới xây ở thành phố mới này. Trước đây chúng ta nói về Internet thì ngày nay là Metaverse, Web3. Và TP HCM là chính là nơi đi đầu, tiên phong trên thế giới", người đứng đầu tập đoàn FPT khẳng định.
Ông Bình cũng cho rằng, song song với việc nói về ước mơ, khát vọng, cũng phải nói về KPI theo thời gian. Chúng ta nói về cam kết lãnh đạo thì chúng ta phải bám sát những KPI ấy theo từng tuần.
"Quan trọng hơn tất cả đất, tiền, nhân tài là cơ chế. Muốn làm như vậy, chúng ta phải xây dựng cơ chế đặc biệt cho thế giới mới đó, như cách chính quyền TP HCM cấp phép ĐH FPT nhiều năm trước. Từ đó có hai kỳ lân, hàng chục tỷ phú đã ra đời", ông Bình cho biết.
Ông Trương Gia Bình đưa ra đề nghị TP.HCM dành ngân sách cho chuyển đổi số không dưới 2%. Đồng thời, thành phố cần nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP HCM trở thành "viên ngọc lấp lánh" những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse, ông hy vọng tất cả trường đại học, cao đẳng và kể cả phổ thông của TP HCM sẽ đưa vào chương trình giảng dạy những môn liên quan đến công nghệ mới (AI, IoT…). Từ nền tảng kiến thức này, thành phố sẽ tạo nên nguồn nhân lực phần mềm dồi dào, hệ sinh thái startup lớn nhất trong các thành phố lớn trên thế giới.
"Tôi hy vọng rằng các trường đại học, cao đẳng, kể cả các trường phổ thông của TP.HCM trong năm học mới sẽ đưa tất cả các môn học liên quan đến các công nghệ mới như AI, IoT. Bằng cách như vậy, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực công nghệ lớn nhất thế giới tại TP.HCM", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Khi đó, TP HCM sẽ vang danh là thành phố xây dựng các thành phố thông minh khác, một thành phố chuyên kiến tạo các thế giới mới.