"Nữ tướng" của FPT Retail - Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không còn xa lạ trong giới công nghệ. Bà được biết đến là người có công lớn trong việc đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng phát triển thành chuỗi điện thoại lớn thứ 2 Việt Nam với hơn 500 địa điểm, giờ đã mở rộng ra kinh doanh dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu hay mỹ phẩm với FPT Beauty.
Bà cũng được biết đến nhiều hơn với biệt danh "người đàn bà thép". Tại một sự kiện của Forbes Việt Nam, "nữ tướng" chia sẻ: "Biệt danh "người đàn bà thép" tôi cũng được nghe nhiều lần và cũng không biết bắt nguồn từ đâu, cũng không biết nó mang tính tích cực hay tiêu cực. Nhưng thôi kệ, tôi cũng không quá quan tâm vì mình chỉ tin vào mình thôi. Mình làm điều đó có đúng hay không, có hiệu quả hay không, điều đó quan trọng hơn việc người khác nhận xét mình thế nào."
Cũng là khách mời tại sự kiện, shark Thái Vân Linh bày tỏ sự ngạc nhiên rằng tại sao người phụ nữ dễ thương, vui vẻ, dễ chịu như vậy lại bị gọi là "thép": "Có thể trong công việc chị ấy khó tính nhưng về công việc, ai cũng phải khó vì mình có những mục tiêu, tiêu chuẩn rất cao. Nếu nam giới khó chịu thì mình gọi họ là một người xuất sắc. Nhưng nếu nữ giới khó chịu thì mình kêu họ là "phụ nữ thép". Vì sao? Những khuôn mẫu này khiến Linh rất khó chịu."
Vị shark cho rằng điều này bắt nguồn trong gia đình từ khi còn nhỏ.
"Khi mua đồ chơi cho con hoặc cháu. Nếu là bé trai, ta thường mua đồ chơi màu xanh, để bé trai có thể tự xây dựng cái gì đó. Nếu là bé gái, ta sẽ mua búp bê vì ta buộc con gái phải mềm mại, biết chăm sóc."
Shark Linh đưa ra gợi ý, rằng hãy thử làm ngược lại. Hãy tặng búp bê màu hồng cho bé trai, để nói với bé rằng phải học hỏi và có khả năng chăm sóc người khác. Tặng một bộ búa, vít cho bé gái để bé học tự xây dựng cái gì đó.
"Linh hy vọng chúng ta có thể thay đổi những khuôn mẫu này, để phụ nữ trong tương lai không cần phải nghe những lời nhạy cảm như vậy", shark Linh thẳng thắn.
Theo nghiên cứu năm 2019 về "Phụ nữ trong kinh doanh" của Grant Thornton Quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á, với khoảng 36% (chỉ sau Philippines: 37,46%).
Mặc dù ngày càng nhiều phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp nhưng sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa. Những định kiến, khuôn mẫu về giới tính, trách nhiệm chăm lo gia đình vẫn là yếu tố cản trở phụ nữ nắm bắt cơ hội, tạo dựng mối quan hệ và trau dồi, phát triển sự nghiệp.